16 dân tộc rất ít người trên lãnh thổ Việt Nam-Dân tộc Si La (Phần 1)
Thứ tư, 00:00, 26/12/2018 VOV VOV
VOV4.VN - Seri phim về "54 dân tộc Việt Nam - Cộng đồng và bản sắc" do Đài TNVN tổ chức sản xuất gồm 54 tập phim, trong đó có 16 tập phim về những dân tộc dưới 10.000 người. Phó Giáo sư - Tiến Sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN làm chủ biên. Ở phần này, chúng tôi trân trọng giới thiệu tập phim về dân tộc Si La.

Việt Nam hiện có 16 dân tộc rất ít người, với số dân dưới 10.000 người, bao gồm: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Ngái, Cống, Bố Y, Cơ Lao, Lô Lô, Mảng, Lự, Chứt, Pà Thẻn, La Ha, La Hủ.

Đây là những dân tộc có điều kiện sống vô cùng khó khăn, địa bàn sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại không thuận tiện, tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo cao, khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào rất hạn chế, nhiều dân tộc bị mai một văn hóa truyền thống. Có dân tộc ngay cả tiếng nói, chữ viết, trang phục… cũng bị mai một, thậm chí mất hẳn. Việc bảo tồn khẩn cấp về văn hóa cũng như đầu tư, hỗ trợ phát triển đời sống cho đồng bào dân tộc có số dân dưới 10.000 người vì vậy là hết sức cần thiết.

(Điểm đặc biệt của chiếc áo người phụ nữ Si La là vạt khuy bạc hoặc nhôm trước ngực. Ảnh cắt từ Clip). 

Dân tộc Si La còn có tên tự gọi là Cù Dề Sừ (cũng có văn bản chép là Cu Dé Xử). Tên gọi khác là Kha Pẻ (Khả Pẻ). Sử sách ghi lại, người Si La có nguồn gốc Tây Tạng (Trung Quốc) và di cư vào Việt Nam khoảng  150 năm nay. Hiện dân số của dân tộc Si La chỉ chưa đến 1000 người, sống tập trung ở xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và bản Nậm Sin, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Trước kia, người Si La chuyên làm nương du canh, nay sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, ngô trên ruộng nương. Người Si La thích dùng loại túi lưới được đan bằng tơ gai. Quai đeo ở túi nữ còn can thêm chỉ mầu. Ðan túi là công việc của nữ giới. Thiếu nữ Si La thường mặc váy, phần bụng để hở nhẹ, khi chưa chồng thì vấn tóc quanh đầu và đội khăn trắng giản dị. Khi lấy chồng thì búi tóc lên đỉnh đầu và cuốn đội khăn chàm đen. Điểm đặc biệt của chiếc áo người phụ nữ Si La là vạt khuy bạc, nhôm trước ngực. Khăn đội đầu của phụ nữ Si La cũng phân biệt theo lứa tuổi và tình trạng hôn nhân. Phụ nữ thường đeo túi đan bằng dây gai. Người Si La ở quần tụ trong vài ba bản với nhau. Trong nhà, bàn thờ được để ở góc trái trong cùng, trên có một chén rượu nhỏ và một quả bầu. Bếp chính ở giữa nhà, kê ba ông đầu rau bằng đá, ông đầu rau quan trọng nhất, nơi mà tổ tiên thường ở, trông coi bếp lửa, quay lưng hướng về bàn thờ. Làng bản của người Si La xưa kia chịu sự cai quản của hệ thống chức dịch người Thái. Người Si La có nhiều tên họ khác nhau nhưng họ Hù và họ Pờ đông hơn cả. Do quan niệm cùng tên họ là cùng chung tổ tiên xa xưa do điều kiện cư trú xa cách, người ở chi họ này dễ dàng xin nhập sang chi họ khác, cùng thờ tổ tiên với nhau. Mỗi chi họ đều có người già nhất, không phân biệt dòng trưởng hay thứ, đứng đầu. Hàng năm vào hai kì, tết năm mới và cơm mới, có lễ cúng tổ tiên chung ở nhà người trưởng họ với các lễ vật rất đặc trưng như thịt sóc, cua, cá bống, ống rượu cần tượng trưng, vài bông lúa, khoai sọ, bó lá hạt cườm. Trên mâm cúng không dùng hương mà đốt nến bằng sáp ong. Những đồ thờ gia bảo của dòng họ bày ở bàn thờ là trống, nhạc ngựa, quả bầu, chén đựng rượu. Khi người trưởng họ mất, chỉ sau 3 năm người lên thay mới được quyền chuyển những đồ thờ này sang bàn thờ nhà mình. Người trưởng họ có vai trò lớn trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các thành viên trong họ, cưới xin, ma chay, cho người ra khỏi họ hoặc kết nạp thành viên mới vào họ. Những người cùng họ không được lấy nhau./.

VOV

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC