Cô dâu người Giáy mang hạt giống về nhà chồng
Chủ nhật, 20:21, 06/06/2021 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Đám cưới của người Giáy ở Lào Cai có nhiều phong tục đẹp, như: nhà trai thả mối mai, nhà gái trao thư mệnh; cô dâu về nhà chồng phải mang theo nào hạt giống, thóc, tỏi, phải bước 3 bước trên tấm vải đỏ để vào nhà...


Xem nhà, xem cửa, thả mối mai
Hôn nhân là chuyện hệ trọng trong cuộc đời người Giáy. Xưa kia, việc dựng vợ, gả chồng chủ yếu do bố mẹ hai bên quyết định. Người Giáy có quan niệm: rễ người dài, rễ cây ngắn. Cho nên việc lấy chồng, lấy vợ cho con không chỉ dừng lại trong làng hoặc những làng lân cận mà có ở tất cả những nơi có quen biết, có họ hàng, bạn bè.

Ông Sần Cháng, nguyên Giám đốc sở VHTT&DL Lào Cai, một người Giáy ở Tả Van, Sa Pa nói, trong truyền thống, khi con trai, con gái đến tuổi cập kê những gia đình người Giáy sẽ tìm cho chúng những đối tượng ưng ý.
"Tức là người con trai, con gái chưa biết mặt nhau do bố mẹ hỏi cho hoặc đặt thôi. Sau khi thăm dò người ta tạo điều kiện cho người con trai đến làng người con gái đó, tối đưa đi chơi làm quen. Biết nhau rồi nếu họ ưng ý, thậm chí sau đó họ yêu nhau. Thứ hai là xem nhà, là nhu cầu chính của người con gái. Xem gia đình này có gia phong không, có nề nếp không. Chứ giàu nghèo người ta cũng không quan tâm lắm".

Nhà gái chăng dây đợi nhà trai đến. Ảnh: dangcongsan

Tìm được cô gái vừa bụng, bố mẹ chàng trai sẽ đi tìm người mai mối. Ông Vàng Chính Minh, người Giáy ở xã Lùng Vai, Mường Khương, Lào Cai tự hào khoe về công việc làm mối của mình. Với tài ăn nói khéo léo, con cái đề huề, vương trưởng, gia đình hạnh phúc ông đã được nhiều gia đình người Giáy quê ông mời đi làm mối. Mười chín lần đi làm mối thì cả mười chín lần ông se duyên được cho mười chín đôi nên vợ, nên chồng. 
"Công việc của người mai mối là truyền đạt lời nói giữa hai bên nhà trai và nhà gái, làm sao bày tỏ được tình ý của nhà trai, cũng như mong cầu của nhà gái. Có mối đi lại 2 – 3 lần là nhà gái thuận ý. Nhưng cũng có mối phải đi lại trên 10 lần mới có kết quả. Cho nên, người Giáy mới có bài hát “Thả mối mai” tới 12 lần. Và không phải ai cũng được làm mối".
Dâng vòng "bù cạn", tặng áo quan, nhà trai mặc cả
Sau những lần thả mối mai, nếu cô gái đồng ý, bố mẹ cô sẽ trao “thư mệnh”, tức lá số có ngày, tháng, năm sinh của con mình để nhà trai đi xem thầy. Hợp nhau, nhà trai sẽ cho người đến hỏi chính thức. Lúc này, nhà gái sẽ mời họ hàng đến họp bàn và đưa ra lời thách cưới với nhà trai.
Ông Sần Cháng cho biết, sẽ có 4 khoản thách cưới nhà gái dành cho nhà trai. Khoản thách đầu tiên là một tạ thóc, một con lợn cho bố mẹ. Đặc biệt, một lễ vật không thể thiếu chàng trai bắt buộc phải dâng lên cho mẹ vợ đó là chiếc vòng bạc trắng. Người Giáy gọi đó là vòng "bù cạn", để cảm tạ công mang nặng, đẻ đau, nuôi lớn cô dâu trưởng thành. 
"Rồi cả thách một cái áo quan nữa. Áo quan cho bố mẹ vợ thôi. Nhưng nếu nhà nhiều con gái thì người ta cũng chỉ thách người đầu tiên thôi. Chứ còn những người sau người ta cũng không thách nữa. Bởi vì sau này bố mẹ mất thì con rể có trách nhiệm lo hậu sự cho bố mẹ vợ".
Khoản thách thứ hai dành cho người con gái. Nào vòng tay, vòng cổ, quần áo. Ít nhất phải có một bộ, nhà có điều kiện lên tới chục bộ. Tiếp đến là bạc trắng. Đó là vốn liếng riêng của cô dâu mang về nhà chồng.

Nét thú vị nhất trong Lễ đó là nghi thức “giằng dâu”, thể hiện tình cảm lưu luyến của nhà gái. Ảnh: dangcongsan.vn

Khoản thách thứ 3 là thách cho họ hàng. Họ hàng ở đây là ông bà nội, ông ông bà ngoại và cô, dì, chú, bác bên bố của cô dâu. Ông bà nội, ngoại sẽ được cháu rể dâng một con gà thiến, một con vịt; những người còn lại sẽ được một đồng bạc trắng, vài chiếc bánh giày hoặc bánh rán, một con gà nhỏ bằng nắm tay mang tính chất tượng trưng cho tấm lòng của cháu rể. Sau này, người con gái có con đầu lòng. Nhà trai tổ chức lễ đầy tháng cho đứa trẻ, những người nhận được quà thách đó sẽ mang sang mừng cháu 2 mét vải làm tã, hoặc may áo. Nếu là cháu trai sẽ tặng thêm một đồng bạc trắng, còn nếu là cháu gái sẽ tặng một chiếc vòng bạc. Cho nên, khoản thách này coi như đem gửi họ hàng. 
"Khoản thách thứ 4 là thách bữa ăn cho làng. Bên nhà gái người ta có cái câu như thế này: nhà gái vùi lửa chờ nhà trai thôi. Bữa ăn đó, nấu nướng, toàn bộ là của nhà trai. Nhà trai phải mang lợn đến, mang gà đến, cử người đến đấy làm thức ăn cho bên nhà gái. Ngày xưa là như thế".
Sau khi nghe những khoản thách này của nhà gái, nhà trai dù giàu có hay kinh tế khó khăn cũng phải “mặc cả”. Trong giai đoạn mặc cả này, mối sẽ phải đi lại nhiều lần để khi có kết quả mới thôi. Sự “mặc cả” diễn ra như một tất yếu, kể cả khi nhà gái thách thấp hay thách cao. Bởi nó mang ý nghĩa danh dự cho cả hai bên. Trong số những lễ vật thách cưới đó, có thể thêm hoặc bớt số lượng. Duy nhất chiếc vòng tay cho mẹ vợ, vòng cổ tay, hay hoa tai là những thứ phải giữ nguyên.
Lễ đoạn lời
Khi đã thỏa thuận được những khoản thách cưới, nhà trai sẽ đến nhà gái làm lễ đoạn lời, ăn hỏi. Cũng từ đây, họ hàng, làng xóm hai bên gia đình đã công nhận cuộc hôn nhân này. Đôi trai gái chính thức là vợ chồng của nhau. Theo ông Sần Cháng, lễ này có giá trị như giấy đăng ký kết hôn ngày nay.
Một khi đã đi đến nghi lễ đoạn lời, chàng trai và cô gái không được phép “qua lại” với người khác. Và đã thành thông lệ, sau lễ này 3 năm, nếu nhà trai không tổ chức đón dâu, không tổ chức được đám cưới nhà gái có quyền “nhận lời” với người khác. Khi đó, cô gái phải trả lại toàn bộ đồ thách cưới mới được lấy người mới.

Chăng dây, hát đón cửa

Ngày cưới, nhà trai gánh sính lễ mang sang nhà gái. Đoàn đi đón dâu phải có hai ông mối, hai bà mối, hai cô và một phù rể. Ngoài ra, sẽ có người gánh rượu, người mang bánh. Đồng thời hai người đầu bếp giỏi cũng được nhà trai cử sang nhà gái từ hôm trước để phụ trách nấu cỗ. 

Khi đoàn đón dâu nhà trai đến, từ ngoài cổng, nhà gái đã cử sẵn một đoàn ra đón. Tất cả đều là phụ nữ. Tại đây, họ chăng dây màu xanh, đỏ, vàng sang hai bên tượng trưng cho chiếc cổng. Có nơi còn dắt những cành gai, treo cả tổ kiến lên dây. Bên trong cái cổng dây đó, họ đặt một chiếc bàn với tám chén rượu trắng, bát nước lã to và hai chiếc chổi con. Nhà trai bước đến, nhà gái cất tiếng hát. Nhà trai phải hát cho đến khi đối lại được nhà gái mới mở cổng cho vào. Trong khi hát, họ nhà gái sẽ té nước, hàm ý rửa trôi bụi bặm, đoàn nhà trai phải rửa sạch chân tay mới được vào nhà.

"Ngày xưa, người ta phải chăng dây tơ xanh đỏ. Thứ hai, ý nghĩa cũng chỉ vui là chính thôi. Thử thách nhau cái việc hát hò của đoàn nhà trai, nhà gái thôi. Để cô dâu về nhà chồng được thuận buồm, xuôi gió, hạnh phúc bền lâu, người ta còn cho cô dâu đeo chiếc gương trước ngực, đồng thời có cả tỏi, hạt rau, hạt thóc". - Ông Cháng cho hay.

Tại cửa nhà trai, người ta đặt một tấm vải ở ngưỡng cửa, cô dâu phải bước 3 bước trên tấm vải đó vào nhà và bắt buộc không được vấp. Ý nghĩa sâu xa, cuộc đời cô dâu từ đây sang trang mới, không vấp váp cũng như một ngụ ý cô dâu sẽ suôn sẻ trong tương lai, với vai trò, nhiệm vụ mới – người dâu đảm, người vợ hiền, người mẹ giỏi. 

Người Giáy cũng có tục ở rể. Việc ở rể của người Giáy có thể chia làm hai trường hợp: rể nuôi và rể có thời hạn. Với mỗi trường hợp, chàng rể này sẽ được hưởng những đặc quyền cũng như thực hiện những nghĩa vụ khác nhau. Nếu nhà gái không có con trai sẽ làm rể suốt đời nhà gái. Sau đó, anh ta sẽ được thừa hưởng tất cả gia sản của nhà gái. Thậm chí, phải thờ cúng nhà ngoại.

Trường hợp thứ hai, gia đình nhà gái có con trai nhưng còn nhỏ tuổi, chàng rể có thể ở rể tạm thời. Có thể ở rể tầm 3 - 5 năm, khi em vợ trưởng thành, lấy vợ, người rể này sẽ về nhà mình, hoặc ra ở riêng. 

"Có thể là thừa hưởng một số ít đất đai hay trở về nhà mình. Với điều kiện nhà người ta đã có người đảm đương được rồi thì mình có thể đi ở riêng cũng được".

Thu Cúc/VOV4







 
HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC