Tín hiệu từ tiếng sáo tình yêu
Khi đã ưng nhau, quyết định nên duyên chồng vợ, chàng trai sẽ hẹn người con gái mình yêu ở một địa điểm quen thuộc. Đến giờ hẹn, nghe thấy tiếng sáo của người yêu mình, cô gái sẽ theo tiếng sáo ấy về cùng người yêu.
Cô gái Mùa Thị Ka ở bản Sơn Tra, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, Sơn La hóm hỉnh nói về tục lệ của trai gái quê mình. "Người ta có thể bảo đứa con gái ấy ở nhà, con trai ra nhà báo hiệu bằng tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng đàn môi. Xong đứa con gái ra đi theo bạn trai về nhà chồng. Bố mẹ cũng sẽ biết con gái mình đi lấy người này".
Trai gái Mông nên duyên từ những ngày hội xuân. Hình ảnh các trò chơi dân gian trong Tết Mông xuống phố 2021 tại Hà Nội
Nhiều người cũng gọi đây là hình thức “cướp” vợ. Mùa Thị Ka bảo, đó là phong tục đẹp của người Mông trắng ở Sơn Tra. Cả hai người đều tự nguyện đến với nhau, được bố mẹ cho phép, dùng từ “cướp” là để nâng cao giá trị của cô gái.
"Hai bạn người nam và người nữ phải yêu nhau, thích nhau và xác định là cưới nhau thì người nam kia mới đến cướp. Đã thích nhau, đã quen biết nhau thì mới đến cướp. Dùng từ cướp ở đây là để chỉ nâng giá trị của người phụ nữ lên. Dùng từ cướp nhưng trên tinh thần tự nguyện. Dùng từ cướp là để nâng giá trị của người con gái lên. Hiện tại trên bọn em cũng không có tục cướp vợ kể cả theo nghĩa xấu hoặc theo nghĩa đen. Người con gái đi về nhà chồng nếu không thích có thể bỏ về. Ly hôn sẽ không chịu sự đả kích từ cộng đồng hay từ xã hội. Vẫn bình đẳng".
Không chỉ người Mông trắng nơi này, người Mường ở xã Ngọc Sơn, Ngọc Lặc, Thanh Hóa cũng có tục lệ tương tự. Cô gái Mường xưa kia cũng tự theo người mình yêu. Không phải do cha mẹ ngăn cấm, mà họ tránh những thủ tục rườm rà khi mà điều kiện chàng rể còn khó khăn. Cô có thể mang cả quần áo, tư trang đi ra mắt nhà chồng ngay trong đêm tối. Nhưng đến hôm sau, chàng rể phải đưa người con gái về tự thú với gia đình bố mẹ vợ, mà họ nhà gái cũng chẳng phật lòng. Bao đôi đã nên duyên như thế mà cửa nhà vẫn êm ấm. Bởi họ vun vén hạnh phúc của mình bằng sự tự nguyện của cả hai.
Chàng rể giã bánh dày tặng họ nhà gái
Ngày cô gái Mông trắng theo người yêu về ra mắt nhà chồng, nhà trai sẽ làm lễ “trình ma” nhận dâu mới. Cô gái Mùa Thị Ka nói, khi đã “trình ma” tổ tiên thì cô gái ấy sẽ chính thức là dâu con trong nhà, dù chưa tổ chức cưới hỏi.
"Sau khi theo bạn nam về nhà chồng cúng con gà quanh đầu trình ma, sau một năm hoặc hai năm hoặc 3 năm, người đồng bào rất khó khăn về tài chính, phải đợi đủ về tài chính người ta mới tổ chức. Trong vòng 3 ngày đấy người ta chưa thể cưới, người ta chỉ trình cúng ma. Mổ lợn hoặc mổ gà thông báo cho làng xóm, láng giềng biết con trai mình đã có vợ và con gái đã có chồng. Sau 3 ngày thì người chồng sẽ phải đưa người con gái về nhà mẹ vợ mình. Thông báo là mình đã lấy con gái. Chưa tổ chức cưới, trong ba ngày chưa cưới, người con trai đấy sẽ vái lạy người bố mẹ 3 lạy. Đó là thể hiện sự hiếu kính với bố mẹ vợ".
Nhưng một khi đã trình ma tổ tiên, cô gái ấy sẽ không được tự ý bỏ về nhà chồng, từ chối làm dâu. Nếu bỏ về nhà mẹ coi như đã từ hôn. Lúc ấy, dù chưa cưới xin nhưng người ta đã coi cô là gái đã có một đời chồng.
Còn nếu cô gái đồng ý, lễ cưới sẽ được diễn ra.
Nếu chàng rể người Hà nhì ở Ka Lăng, Mường Tè, Lai Châu khi sang ra mắt bố mẹ vợ tương lai phải mang một gói xôi với hàm ý tình cảm gia đình gắn kết, chàng rể người Mông lại đích thân giã bánh dày mang biếu nhà gái.
"Người Mông trắng bọn em không cần có lễ vật gì cả. Lúc sang bên nhà vợ chỉ cần nếu người ta có người ta giã bánh dày, gói mấy quả trứng sang bên nhà vợ thôi. Rồi cầm theo một ít tiền. Hồi xưa các mẹ thì chỉ tầm mấy trăm nghìn thôi. Chứ không thách cưới. Bánh dày nó là một món ăn tinh thần của người Mông. Nó cũng thể hiện sự no đủ. Bánh dày thường dùng để cúng hoặc mời tổ tiên về ăn. Mình giã để đấy đi làm quà. Lúc cưới người vợ về, người con trai thường sẽ giã bánh và gửi đi cho bên nhà mẹ vợ để người ta ăn. Đó là món ăn tinh thần thôi". - Mùa Thị Ka giải thích.
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận