Cụ già uy tín người Mường dựng bếp
Thứ tư, 15:52, 10/03/2021 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Người Mường có truyền thống ở nhà sàn. Khi dựng ngôi nhà mới, bao giờ gia chủ cũng ưu tiên dựng bếp đầu tiên.

Phải có ông già tóc bạc bắc bếp
Bếp được đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà sàn. Ông Bùi Văn Nợi, người Mường ở xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hoàn Bình nói, bếp của người Mường vô cùng đơn giản. Nó chỉ là 3 hòn đá đặt 3 góc, có kiềng bao quanh. 
Khi dựng nhà, người Mường sẽ bắc bếp trước tiên.

Bếp là nơi linh thiêng của người Mường. Ảnh: TTXVN

"Khi dựng nhà sẽ hình thành cái bếp đấy. Có cái khung gỗ, mình đắp đất lên, rải trấu lên trên. Làm bếp xong, người Mường rang ngô với gạo cho nó nở bung lên, vãi ra, vãi như vãi cho gà ấy, trẻ con sẽ tranh nhau cái đấy. Coi như cầu mong một điều tốt đẹp". - Ông Nợi nói.
Ông Bùi Văn Hung, một thầy mo người Mường ở xã Mỹ Hòa cho biết khi làm lễ lên bếp mới, gia chủ phải chọn ngày đẹp. 
"Lễ lên bếp mới người ta thường chọn vào ngày 5, mùng 15, 25. Tuần của người Mường có 3 tuần thôi, một tuần có 10 ngày. Mười ngày cây, mười ngày lồng và mười ngày cuối. Mình kiêng gieo mạ những ngày ấy. Vì đấy là ngày bắc bếp, ngày mình nổi lửa. Cây lúa nó nóng nó chậm phát triển. Người Mường quan niệm vậy".
Cũng theo ông Bùi Văn Hung, khi đặt 3 hòn đá tức là 3 ông đầu rau làm bếp ở trong ngôi nhà mới, người Mường sẽ phải chọn một ông già tóc bạc trắng thực hiện nghi thức này. Đó phải là người đức cao trọng vọng, gia đình yên ấm, thuận hòa. 
"Mình muốn hưởng sự may mắn và muốn cầu cái lộc phát tài như người ta. Mình nhìn lên thấy ông ấy cao tuổi hơn, có sức khỏe, nói ra con cháu vâng lời. Mình cũng mong được cái lộc như ông đấy. Không có ông già đấy thì cũng phải chọn người tương ứng. Phải lấy một quả bí tượng trưng buộc vào góc cột bên ngoài cùng để mong muốn ông chủ nhà này về ở nhà mới nó cũng phải trường thọ, sống lâu, trắng như quả bí đao đấy. Khi về nhà đấy mình mong muốn sống lâu trường thọ, đầu bạc, răng long".

Vào nhà người Mường chớ động bếp thiêng
Bếp đối với người Mường không chỉ là nơi đun nấu, sinh hoạt hằng ngày mà còn là nơi linh thiêng. Bà con quan niệm đó là nơi có vua bếp ngự trị. Vì vậy, trong ngày đầu năm mới, bao giờ họ cũng có mâm cơm cúng vua bếp. Và xung quanh nơi bếp thiêng này người Mường cũng có những kiêng kỵ: Không khạc nhổ, làm ô uế, vấy bẩn nơi bếp. 

Đặc biệt, khách lạ không được sờ vào ba hòn đá của bếp. Ở nơi bếp lửa, bạn có biết vì sao người Mường luôn để miệng kiềng quay ra phía ngoài mà không được quay vào trong?

"Cho củi vào đun nhưng miệng của kiềng phải quay ra, không được quay vào đằng trong. Quay vào quan niệm của các cụ mình nói người ta không nghe. Ấm nước cũng thế, ấm nước mình bắc lên cái kiềng đấy mình quay đầu vòi ấm vào bên trong là mình nói người ta không nghe. Mình phải hướng về phía đằng ngoài gian nhà của mình thì mình nói người ta mới thiêng liêng, mới tín nhiệm, mới nghe". - Ông Hung lý giải.

Ngoài ra, Khi đun bếp, người Mường không bao giờ để ngược củi. Đun bao giờ cũng phải cháy từ đằng gốc, không được để cháy từ đằng ngọn. Không đặt chân lên củi...

"Các cụ bảo đun từ gốc đến ngọn, nếu không làm như thế sau này anh chị mà sinh con đẻ cái thì nó đẻ ngược, nó không thuận cho. Cho nên các con các cháu cũng rất là vâng lời các cụ, cứ phải đun từ gốc đến ngọn. Ý nghĩa là như thế". 
Không gian bếp luôn là hình ảnh thân thương của mỗi người Mường khi nghĩ về. Tối tối, bên bếp lửa nhà sàn, con cháu quây quần nghe người già kể chuyện, kể sử thi. Ông Hung bảo, người Mường không có chữ, nên không gian bếp thiêng chính là nơi ông bà răn dạy, lưu truyền văn hóa Mường cho con cháu.

Đỗ Quyên/VOV4

HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC