Đặc sắc lễ cưới người Nùng ở Lạng Sơn
Thứ sáu, 00:00, 14/12/2018 Hải bt + ảnh Hải bt + ảnh
Lên miền núi Lạng Sơn, nếu trên đường, bạn bắt gặp một đoàn 6 hoặc 8 hay 10 người, mà đi trước là hai thanh niên khiêng một chiếc hòm và theo sau là một cô gái mang bó chiếu có quấn cây mía bên trong, thì, thưa bạn, đó chính là người Nùng ở Lạng Sơn đang đi rước dâu.

 

 

 

Mời bạn cùng chúng tôi tham dự lễ đón dâu của đồng bào Nùng ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Người Nùng có khá nhiều nghi thức trong lễ đón dâu, để đảm bảo đôi vợ chồng mới được yên ổn bên nhau.  

 

Đám cưới người Nùng với hòm và chiếu

 

  Tôi tò mò không biết cái hòm mà hai thanh niên đang khệ nệ khiêng từ nhà cô dâu về nhà chú rể đựng thứ gì trong đó. Không biết họ mang thứ của nả gì mà long trọng như vậy? Chúng ta cùng hỏi họ nhé:

Hòm của cô dâu thì trong đó đựng những thứ gì nhỉ?

+ Thường thường thì trong đây có bộ ấm chén, quần áo và chăn màn

Mình là đi sau hay đi trước đoàn

+ Mình đi trước đoàn

Theo quan niệm của người Nùng, khi người con gái đi lấy chồng, chiếc hòm chứa đựng những vật dụng hàng ngày của cô dâu. Ông Nông Văn Phu, người được chọn là “ông đưa” của nhà gái, cho biết:Khi nhà gái sang nhà trai thì có mang sang nhà trai một cái hòm. Trong hòm gồm các loại đồ dùng như 1 đôi đèn, hai cái chậu, hai cái gối, đôi phích nước và một chăn bông con công, cái màn, bộ ấm chén. Đó là của hồi môn của bố mẹ cho con gái”. 

Cùng với chiếc hòm đựng của hồi môn của nhà gái, đi cùng đoàn rước dâu còn có một người ôm cây mía được cuốn trong chiếc chiếu. Người được chọn là người trẻ, tràn đầy sức sống, biểu đạt cho sự căng tròn, phát triển. Hình ảnh cây mía biểu hiện cho sự đầy đủ, thăng tiến. Cây mía còn là hình tượng của chiếc thang nối liền hai miền âm dương.  

  Theo phong tục, người Nùng phải chọn một ông đón đối với nhà trai và một ông đưa ở nhà gái. Ông đưa và ông đón đều là những người họ hàng, có gia đình hạnh phúc, con cái đề huề cả trai lẫn gái, làm ăn khá giả và được mọi người kính trọng.



 

      Cô dâu chú rể cùng phù dâu chuẩn bị về nhà trai  -  ảnh Hải Phong 

 

Trong lễ đón dâu, dẫn đầu đoàn nhà trai là ông đón, một bà cô, chú rể và các bạn của chú rể. Trong đó, bà cô theo đoàn nhà trai tượng trưng cho phúc đức nhà chồng, bạn chú rể đi cùng là người biết hát điệu Sli, Cỏ lảu. Đi kèm đoàn là các lễ vật. Sau khi nhận lễ từ nhà trai, nhà gái tiến hành lễ trình tổ tiên, báo với tổ tiên về việc gả chồng cho con gái. Thầy cúng sẽ cầu khấn tổ tiên cho đôi vợ chồng trăm năm hạnh phúc.

Khi đón dâu sang nhà trai, với tâm niệm mang những điều tốt đẹp nhất đến với nhà mình và tống tiễn những điều không may mắn đi chỗ khác, nhà trai chuẩn bị 1 bát hương và một ít hoa quả, xôi bánh để cúng chúng sinh và những vong hồn chết yểu bên ngoài. Sau khi cúng, ông mo sẽ hóa tiền vàng mã cho ma quỷ, cho các vong hồn lang bạt. Trước khi dâu vào cửa, phù dâu sẽ đạp đổ mâm lễ vừa cúng để ma quỷ không còn vương vấn, quanh quẩn ở đấy, rồi cả đoàn vào nhà. Theo tục lệ, chú rể phải là người bước chân vào trước để chứng tỏ mình là chủ gia đình.

Mâm cúng chúng sinh và ma quỷ khi đoàn rước dâu về đến nhà trai - ảnh Hải Phong

 

Người Nùng thờ hai ban chính, phía trên cao thờ Phật bà Quan âm hoặc Huyết hổ Huyền đàn (gọi chung là Mè nàng), ban dưới thờ gia tiên. Khi cô dâu vào nhà, nhà trai sẽ rải chiếu để đón tân nương, tân lang. Cô dâu quỳ lạy trước gian thờ và nghe câu hát trình bái tổ tiên với điệu Cỏ lảu của phù dâu:

Nhất kính phật, kính tiên

Nhì kính về gia tiên tiền tổ

Thứ ba lạy họ hoàng hai bên

Cầu cho uyên ương hôn hỉ

Mừng vui này xin chúc phúc trăm năm

Sau khi cúng lạy gia tiên, phù dâu đưa cô dâu vào buồng cưới. Lúc này, chú rể ở bên ngoài, sau 3 ngày mới được vào buồng cưới. Bởi, tại buồng cưới, cô dâu sẽ tiến hành các nghi lễ để xua đuổi tà ma, mong mọi chuyện tốt đẹp, làm ăn thuận lợi cho vợ chồng trong tương lai.

 

Hát Sli, Cỏ lảu trong lễ cưới của người Nùng

 

Độc đáo, đặc sắc nhất trong đám cưới của người Nùng là những điệu Sli, điệu Cỏ lảu của các phù dâu, phù rể, thay lời cô dâu chú rể gửi lời cảm ơn đến bố mẹ, đến ông đón, ông đưa và họ hàng hai bên đã tác hợp cho đôi vợ chồng trẻ.

Ông Lý Văn Rèn, ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, người đã nhiều lần làm phù rể ở bản Nùng, khẳng định, phù dâu, phù rể đều phải là những người biết hát và thuộc nhiều bài hát Cỏ lảu:Phù rể là những người anh em họ hàng,làng xóm nhưng phải chọn người biết hát Sli, Cỏ lảu mới đi làm phù rể được”.

Người Nùng coi Sli, cỏ lảu là những áng thơ ca chan chứa hồn quê, dạt dào cảm xúc về tình yêu đối lứa, quê hương và làng bản. Mỗi lần câu Sli, cỏ lảu cất lên, làm bừng tỉnh cả không gian đám cưới. Những câu hát này thường gắn chặt với các nghi thức của lễ cưới. Người Nùng hát xin lên cầu thang, xin vào nhà, xin chỗ ngồi…cho đến nói lời cảm ơn bố mẹ, ông đón, bà đưa. Vì thế, những câu hát Cỏ lảu như một phương tiện để liên kết các hoạt động nghi lễ một cách khéo léo.

Lễ cưới của người Nùng còn đặc sắc hơn bởi những câu hát sli, cỏ lảu giữa phù dâu và phù rể. Họ hát những bài hát về cuộc sống hàng ngày, về tình yêu thương, về hạnh phúc của cô dâu chú rể. Cuộc hát thường kéo dài thâu đêm. Theo ông Lý Văn Rèn, những buổi hát tình tứ trong đám cưới cũng là cái duyên, cái cớ để những đôi phù dâu phù rể chưa vợ chưa chồng có cơ hội quen biết, tìm hiểu nhau: “Hai bên làm phù dâu, phù rể mà chưa lập gia đình thì sẽ làm quen và yêu nhau và thành vợ chồng. Hai bên hát giao duyên với nhau với nội dung hát vui chúc cô dâu chú rể, khách về ăn cưới”.

Sau một đêm hát Sli, hát cỏ lảu, nhà gái sẽ mở hòm đồ đạc để quan khách và bạn bè cô dâu chú rể chứng kiến. Lúc này, phù dâu sẽ hát kể về các loại đồ đạc trong hòm: nào phích, nào xô chậu, nào đèn dầu...

  Kết thúc nghi thức mở hòm, nhà gái tuyên bố trao trả đầy đủ không thiếu thứ gì và hát chúc cho vợ chồng trăm năm hạnh phúc, làm ăn phát đạt, sớm sinh quý tử và hạnh phúc trùng phùng.

 

 

Hải bt + ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC