Là dâu con từ khi “lạy ma nhà”
Trai gái Mường xưa kia không được tự do yêu đương, tìm hiểu. Chuyện dựng vợ, gả chồng đều do bố mẹ quyết định. Nếu bố mẹ nhà này thích con gái gia đình nhà kia có thể nhờ mai mối. Hôn nhân đầy đủ các thủ tục ăn hỏi, xin cưới, nạp tài...
Bà Cao Sơn, ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa kể, hồi ấy, trai gái nơi này chỉ được phép cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Có người, cưới về mới biết mặt vợ, mặt chồng mình ra sao.
Nhưng nếu đã chót yêu nhau mà bị bố mẹ hai bên ngăn cản, hoặc gia cảnh nghèo khó không thể đáp ứng nổi thách cưới của nhà gái, cô gái Mường có thể chạy theo người mình yêu.
"Hai người thích nhau, bố mẹ không đồng ý. Họ hẹn nhau rồi cô gái chạy theo chàng trai về nhà, lạy ma nhà trai rồi thì bắt buộc phải cưới".
Nhiều đôi trai gái Mường nên đôi cũng từ những lễ hội của bản làng. Ảnh: bathuoc.thanhhoa.gov.vn
Anh Bùi Văn Đồng ở thôn Linh Sơn, xã Ngọc Sơn, Ngọc Lặc bảo, trước đây, cô ruột của anh cũng chạy theo người chồng bây giờ. Thương gia cảnh người chồng, người cô đã theo anh ngay trong đêm, để tránh những lễ nghi rườm rà.
"Đó là o, em gái ruột của bố. Cô trực tiếp lấy quần áo tư trang của mình xuống nhà người con trai để ở. Ra mắt nhà trai xong sáng hôm sau bố mẹ và một ông trong họ nhà trai xuống tự thú với nhà gái. Nhiều đôi như thế lấy nhau cũng chưa thấy đôi nào tan vỡ cả."
Một khi cô gái đã chạy theo người mình yêu và làm lễ ra mắt tổ tiên nhà trai, dù bố mẹ cô gái trước đó có phản đối thế nào nay vẫn phải chấp nhận.
"Ngày xưa khi ăn hỏi còn lâu lắm mới được cưới. Còn phải dệt vải, ươm tơ, chuẩn bị đồ sính lễ để về nhà chồng để mừng cho bố mẹ chồng, cho bà, cho những người hơn tuổi mình. Nhưng những người muốn nhanh là chạy theo. Cái chuyện đó nó khó cho bố mẹ. Con nhà mình chạy theo người ta rồi, nó đã “thấp giá” đi rồi bắt buộc phải cho".
Nếu cô gái đã chạy theo về “lạy ma nhà" chàng trai, điều đó đồng nghĩa việc thách cưới sẽ được giảm thiểu. Còn nếu ướm hỏi đàng hoàng, nhà trai phải nạp tài cho nhà gái khá lớn.
Trả công bên ngoại
Nhà trai có dâng mâm cao, cỗ đầy nhưng không được thiếu bánh trưng. Có nhà thách gần trăm chiếc bánh nhỏ. Người Mường quan niệm: chiếc bánh trưng là biểu tượng của sự no đủ, thịnh vượng, ấm cúng trong gia đình. Vì vậy, không thể thiếu bánh trưng trong mâm lễ cưới.
Bên cạnh đó, chú rể phải dâng lên bố mẹ, bà ngoại của cô dâu một gánh lễ gọi là trả công bên ngoại. "Có lợn, gà, bánh trưng, có những nơi họ hay đòi tấm vải, một cái sanh đồng hoặc xoong nồi. Bây giờ người ta đi bằng tiền. Tùy tâm."
Ngày cưới, đoàn đi đón dâu sẽ được nhà trai chuẩn bị cầu kỳ, có đủ thành phần. Người già nhất không thể thiếu là ông nội của chú rể hoặc chú ruột của chú rể. Bởi, trong ngày đón dâu ấy bố của chú rể phải ở nhà, không đi đón con dâu.
Với người Mường ở thôn Linh Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa mẹ đẻ cô gái còn không được phép đưa con về nhà chồng. Thay vào đó là bạn cô dâu và phải là cô gái chưa chồng.
Trong quan niệm của người Mường, để đám cưới diễn ra suôn sẻ, đôi trẻ hạnh phúc dài lâu, người ta có nhiều kiêng kỵ khi đi đưa đâu. Ví như đi đón dâu đường nào phải về đúng đường đấy. Hoặc cô dâu phải có cặp mía dâng bố mẹ chồng. Anh Trương Văn Quyết ở thôn Giầu Cả, xã Lương Ngoại, Bá Thước cho biết, điều này minh chứng cho tấm lòng của cô dâu.
"Bên nhà trai đón dâu, nhà gái đi đưa dâu thường có một đôi mía, lấy đôi cái chiếu cuốn vào 2 cây mía đấy. Bây giờ người ta gọi là phù dâu, phù rể sẽ vác. Đầu tiên mang về mình sẽ dựng ở chỗ bàn thờ, chỗ trang trọng nhất của ngôi nhà. Nó tượng trưng cho sự ngọt ngào của cô dâu dâng lên bố mẹ một đôi mía. Mía đen. Cô dâu mang về đôi chiếu đó là để biếu cho bố mẹ chồng".
Thu Cúc/VOV4
Viết bình luận