VOV4.VN - Trong khuôn khổ Tuần “Đại đoàn kết các dân tôc - Di sản Văn hóa Việt Nam 2018” vừa diễn ra tại Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, đồng bào Sán Dìu thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã trình diễn nghệ thuật hát soọng cô. Đây là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận.
Song ca nữ: Ca ngợi quê hương Thái Nguyên (clip)
Theo tiếng Sán Dìu, Soọng có nghĩa là hát, còn Cô là ca. Soọng cô là làn điệu dân ca đối đáp độc đáo của dân tộc Sán Dìu ở Việt Nam. Đây là điệu hát truyền tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của người Sán Dìu trong đời sống thường ngày.
Đồng bào Sán Dìu thị xã Phổ Yên - Thái Nguyên trình diễn nghệ thuật hát soọng cô tại làng văn hóa
Truyền thuyết kể lại, khi trời đất còn gần nhau, có một làng quê đông đúc trù phú soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Bỗng một hôm ông trời nổi giận cho nước sông dâng cao làm chết muôn loài. Trong làng có hai chị em họ nhanh chân chui vào quả bầu khô, nổi lên theo dòng nước nên sống sót. Khi nước rút, vì trong vùng không còn ai nên họ đành lấy nhau sinh nhiều con cháu làm cho người Sán Dìu hồi sinh trở lại. Tuy làng đông người nhưng đều là con cháu cùng huyết thống không thể lấy nhau nên phải sang làng khác tìm hiểu. Để bạn tình ở làng bên rung động họ dùng tiếng hát để diễn tả lòng mình. Điệu hát Soọng Cô ra đời từ đó và tồn tại đến nay.
Trong mọi tình huống, người hát Soọng cô cần có sự nhanh trí, tài ứng khẩu dựa trên việc nắm giữ, thuộc lòng rất nhiều ca từ. Trong khi hát, nếu một bên không thuộc những bài hát hoặc không kịp thời ứng tác để đối đáp coi như thua cuộc.
Soọng cô là tiếng nói của người lao động nên ngôn ngữ ca từ mộc mạc, dân dã, thể hiện bản chất bình dị, chất phác, hồn nhiên của người nông dân. Người ta cũng sử dụng phổ biến lối nói ước lệ, tượng trưng, so sánh, ví von, ẩn dụ để nêu bật vấn đề cần truyền tải.
Tuy Soọng cô chỉ có một làn điệu nhưng nội dung lời ca có 3 phần rõ rệt, đó là gọi, kể và đáp. Phần kể được thể hiện nhiều hơn so với phần gọi và phần đáp, với nhiều nội dung khác nhau, như để giãi bày, thể hiện tâm trạng khát vọng để đạt được yêu cầu ước nguyện, nỗi lòng người hát. Nhịp trong hát Soọng cô ổn định về trường độ, thường sử dụng nhịp 2/4, 4/4, đôi khi nhịp tự do với âm vực không quá lớn, quãng âm luôn kế tiếp nhau đều đều, ít lên bổng xuống trầm đột ngột, ít đột biến luyến láy. Đây chính là đặc trưng vốn có để phân biệt Soọng cô với các loại dân ca của các dân tộc khác.
Do tính chất truyền khẩu, đối đáp ứng tác nên số lượng bài bản Soọng cô rất phong phú và được các nghệ nhân cùng học trò ở các câu lạc bộ thường xuyên trình diễn, truyền dạy. Hát Soọng cô là sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa, mang lại niềm vui và hăng say trong lao động sản xuất, tạo nên tình cảm gắn bó với quê hương, làng bản và đồng bào người Sán Dìu.
Với những giá trị tiêu biểu đó, hát Soọng cô của người Sán Dìu đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3465/QĐ – BVHTTDL ngày 13/10/2015.
Việc trình diễn hát Soọng cô tại Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam góp phần quảng bá, đưa công chúng đến gần hơn với si sản văn hóa phi vật thể của đồng bào Sán Dìu Thái Nguyên.
Lâm Thanh/VOV4
Viết bình luận