Người Dao đỏ cúng thủy tổ Bàn Vương
Thứ ba, 00:00, 29/09/2020 Hải Huyền Hải Huyền
VOV4.VN - Các ngành Dao đều có tục thờ Bàn Vương. Tháng 10 hàng năm, người Dao đỏ ở xã Hồ Thầu, Hoàng Su Phì, Hà Giang tưng bừng với lễ cộng đồng cúng vị thủy tổ của mình cầu no ấm.

Bàn Vương huyền thoại của người Dao

Cúng Bàn Vương (hay còn gọi là Bàn Hồ) là nghi lễ cúng vị thủy tổ sinh ra các nhánh Dao với các họ: Bàn, Phàn, Mãn, Uyển, Đặng, Trần, Lương, Phượng, Đối, Lưu, Triệu, Tống.

Tương truyền, Bàn Hồ là con long khuyển mình dài ba thước, lông đen, vằn vàng. Bàn Hồ từ trên trời giáng xuống cung vua Bình hoàng, được vua yêu quý. Trong cuộc giao chiến với Cao vương, Bàn Hồ lập công giết được Cao Vương và được Bình Vương gả cưới cung nữ, phong là Bàn Vương.


Nghi lễ cúng Bàn Vương tại xã Hồ Thầu của người Dao đỏ

Vua Bình hoàng ban sắc cho con cháu Bàn vương thành 12 họ, cấp Quá sơn bảng văn để họ phân tán đi sinh sống ở các nơi. Vì vậy các nhóm người Dao dù ở bất cứ nơi đâu cũng có chung một nguồn gốc lịch sử và có lễ cúng thủy tổ của mình. Tháng 10 hàng năm, các dòng họ người Dao của huyện Hoàng Su Phì tổ chức cúng Bàn Vương, ghi nhớ công ơn tổ tiên.

Những năm dịch hạn, đói kém, mất mùa... người Dao ở Hồ Thầu cũng tổ chức nghi thức này mong Bàn Hồ che chở. 

Lễ lớn Tồm Đàng

Người Dao ở Hồ Thầu có 3 cách thức cúng Bàn Vương. Thứ nhất là làm lễ lớn "Tồm Đàng" do người Dao trong một xã đứng ra mổ trâu, lợn tổ chức như một lễ hội.

Đàn tế cúng Bàn Vương là một sàn tre, gỗ lập tại mô đất cao tại trung tâm của làng. Đó là vị thế đẹp, phẳng, rộng do các thầy cúng lựa chọn. Đàn cúng trang trí giấy nhiều màu, tranh thờ. Những lễ vật dâng cúng đều là nông sản của một mùa trồng cấy của người dân như lợn, gà, trâu, bò, thóc lúa. 

Sau khi sửa soạn đồ tế, thầy cúng cùng bà con người Dao tiến hành nghi lễ cúng tạ ơn Bàn Vương đã phù trợ cho một năm yên ấm, không bệnh dịch, làm ăn phát triển. Đồng thời cầu Bàn Vương năm mới tốt lành.

Xưa kia, sau bài cúng, cộng đồng sẽ tiến hành nghi thức dâng lễ vật, dâng hương, dâng hoa và thầy cúng cùng dân làng múa hát các bài hát ca tụng công đức của Bàn Vương như múa bắt rùa, bắt ba ba... Tuy nhiên, ngày nay các bài hát đã mai một nhiều và không được dân làng hát. Hiện, duy nhất có ông Triệu Chòi Hín ở xã Hồ Thầu, Hoàng Su Phì, Hà Giang còn nhớ tương đối đầy đủ những bài ca cúng. 

Sau phần lễ là hội. Mọi người cùng vui chơi, ăn uống, ca hát tại ngay đồi cao nơi diễn ra lễ cúng với các trò chơi như vật chày, hát páo dung... 

 


Trò chơi vật chày trong lễ hội

Cúng trong dòng họ

Ngoài nghi thức cộng đồng, lễ cúng Bàn Vương còn diễn ra trong quy mô dòng họ. 

Thông thường, khi một gia đình trong dòng họ người Dao nuôi được con lợn nái và đẻ ra chỉ một con lợn đực, bà con coi đó là con lợn của Bàn Vương nên phải chăm sóc đặc biệt. Đến cuối năm sẽ tổ chức mổ con lợn này để cúng dân cho Bàn Vương. 

Ngoài ra, lễ này được các dòng họ coi Bàn Vương là thủy tổ của mình cúng tế theo truyền thống. Ở Hoàng Su Phì, họ Bàn và họ Phàn còn duy trì nghi lễ này.

Vì là nghi lễ nhỏ nên thời gian diễn ra cũng ngắn hơn và sau phần cúng tế tạ ơn của thầy mo, mọi người trong các họ thường chỉ hát 2 - 4 bài.

Một nguyên nhân khác cũng được người Dao tổ chức cúng bàn Vương đó là khi gia đình gặp điều không may như: Ốm đau, dịch bệnh, mất mùa... họ tổ chức cúng Bàn Vương theo hình thức giải hạn, song hình thức này không nhiều.

Từng gia đình cúng Bàn Vương

Trong từng gia đình người Dao cũng tổ chức cúng Bàn Vương riêng. Nghi lễ này được kết hợp trong các lễ cúng khác của gia đình như lễ cấp sắc, lễ cúng cơm mới, cúng vía lúa, làm chay...

Phần thực hiện nghi lễ không phải mời thầy cúng vì người đàn ông chủ nhà hầu như đều đã được làm lễ cấp sắc nên họ đủ khả năng thực hiện các nghi lễ trong quy mô gia đình.


Thu Cúc/VOV4

(Thông tin do Phòng văn hóa Thông tin huyện Hoàng Su Phì cung cấp)


Hải Huyền

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC