Người K’ho và những biến đổi
Thứ sáu, 18:18, 10/12/2021 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Người K’ho thuộc ngữ hệ Nam Á. Trong xã hội cổ truyền, nền kinh tế sản xuất nông nghiệp là chủ đạo. Ngoài ra, ở mỗi nhánh địa phương còn phát triển các nghề lâm thổ sản, đan lát, dệt.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế tích cực
Sinh sống ở vùng Nam Tây Nguyên, từ rất lâu, người K’ho đã chọn vùng đất cao nguyên Lang Biang, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng làm địa bàn cư trú. 
Là dân tộc với tập quán sống du canh du cư nên trong quá trình phát triển đã dần hình thành các nhánh K’ho địa phương như: K’ho S’rê, K’ho Lạch, K’ho Chil, K’ho Nộp , K’ho K’Dòn. 

Đồng bào dân tộc K’ho đưa văn hóa cồng chiêng vào phục vụ khách du lịch. Ảnh: VOV.VN

Tùy theo đặc điểm địa lý và xã hội mà ngành trồng trọt mỗi nhóm có sự khác nhau. Riêng đối với người K’ho S’rê, phương thức canh tác của họ là trồng lúa trên ruộng nước ở các thung lũng, những nhóm khác trồng ngô, lúa rẫy, sắn. Những nhóm làm rẫy thường sống du cư, khi đất canh tác bạc màu lại chuyển đến nơi khác. Chăn nuôi với hình thức thả rông. 
Người K’ho S’rê sinh sống ở những vùng đầm lầy, xưa có nghề trồng lúa nước thịnh hành và có phương thức làm đất gieo hạt độc đáo. 
Ông Ngọc Lý Hiển, Chi hội phó chi hội văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Lâm Đồng cho biết, khoảng độ 20 năm trở lại đây, hình thái kinh tế của bà con đã có nhiều thay đổi.
“Nếu bạn đến vùng của người K’ho S’rê các bạn vẫn thấy canh tác lúa nước. Tuy nhiên, lúa nước bây giờ không gắn với con trâu nữa, không gắn với cái mương, cái boong, và đặc biệt là không gắn với các nghi lễ như ngày xưa nữa. Cái hệ thống tư liệu sản xuất, hệ thống phương tiện đã thay đổi theo xu hướng hiện đại. Người K’ho có những nhóm phát, đốt, trọc, trỉa, ăn rừng đa phần chuyển sang cây công nghiệp ngắn ngày, cây công nghiệp dài ngày. Chẳng hạn như vùng Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà người ta gắn với cây café, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, sầu riêng, bơ… vv Còn đối với cư dân ở phía Bắc của tỉnh, tức là ở những vùng cao nguyên Lang Biang, hoặc dưới Đơn Dương người ta đã sản xuất rau thương phẩm. Người ta cũng sản xuất cà chua, xà lách, cà tím…”.
Từ chỗ sản xuất chuyên canh cây lúa, dần chuyển đổi cây trồng café, đồng bào K’ho đã mạnh dạn đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào canh tác. Những năm gần đây, ở nhiều vùng, bà con đã biết khai thác những thế mạnh từ địa phương từ cảnh quan, khí hậu, văn hóa… mà phát triển du lịch, đem lại cuộc sống vững bền.
Đặc trưng tộc người hiện diện trên trang phục K’ho
Trong xã hội truyền thống, hầu như các nhánh dân tộc K’ho không có nghề dệt. Duy chỉ có người K’ho Chil lại rất thịnh hành. Trang phục của người K’ho xưa kia giản dị, chủ yếu cởi trần, nam giới đóng khố, phụ nữ mặc váy. Dịp lễ hội, họ sẽ mặc chiếc áo crók – loại áo chỉ có phần thân, khoét cổ tròn và không có hai ống tay. 
“Gần như tất cả các nhóm bản địa ở Lâm Đồng đều có một kiểu kết cấu trang phục trong quá khứ giống nhau. Nhưng đối với những màu gắt như màu đỏ, màu vàng, màu cam… mà các dân tộc bắc Tây nguyên thường sử dụng để tạo điểm nhấn trên trang phục thì ở Nam Tây nguyên này rất ít xuất hiện. Và nếu như có xuất hiện trên vải vóc, trang phục thì là những điểm chấm phá rất bé. Chẳng hạn trên trước ngực của người M’nông, người Ê đê bao giờ cũng có một cái kết cấu phần họa tiết màu đỏ rất lớn. Nhưng đối với ở Lâm Đồng này những màu sắc gắt ấy như đỏ, vàng… chỉ điểm bé tí, hoặc nó kết cấu thành dải chứ không kết cấu thành mảng”. 
Sắc phục chủ đạo của người K’ho là xanh dương, đen. Riêng nhánh K’ho Chil có nghề trồng bông, dệt vải làm trang phục lại có sự hiện diện đến 17 họa tiết, hoa văn đặc trưng, rất độc đáo.
“Nhìn vào tấm đắp sẽ thấy được hoa văn rất là bé nhỏ thôi. Chẳng hạn như hoa văn tơ con nhện, hoa lá của cái cây đủng đỉnh, bụng của con tắc kè. Ngày xưa thấy cái gì đẹp thì cố gắng tái tạo nó trên sản phẩm gắn với đời sống của mình thôi. Ngày xưa nó ngây thơ lắm. Chính cái ngây thơ đấy nó tạo nên giá trị. Họ lấy những loại cây trong tự nhiên về nhuộm màu cho vải”.
Còn đối với nhóm không có nghề dệt, bà con đã sử dụng nguyên liệu của những cộng đồng quanh vùng có nghề dệt để tạo trang phục riêng mình. 

Thu Cúc/VOV4

 
HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC