Người La ha "chia của" trong đám ma
Thứ ba, 00:00, 01/09/2020 HH CT + 1 ảnh HH CT + 1 ảnh
VOV4.VN - Chính quan niệm thế giới có 2 phần: phần âm – nơi thuộc “ma tổ tiên” và phần dương nơi con người sinh sống nên người La ha cho rằng: chết không phải là hết, mà là đi về thế giới của tổ tiên. Trần sao, âm vậy, nên người La ha sẽ "chia của" cho người chết.

Dân số dưới 10.000 người

Với dân số khoảng 8.200 người, La ha là một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam.
Người La ha cư trú chủ yếu ở tỉnh Sơn La, một số ở Lào Cai. Hiện đồng bào cư trú chủ yếu ở xã Nậm Giôn, Nậm Păm và Pi Toong thuộc huyện Mường La và xã Noong Lay, huyện Thuận Châu, Sơn La. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Thái – Ka đai.


Vách thờ của người La ha

Theo những tài liệu chữ Thái cổ, người La ha có mặt sớm ở miền Tây Bắc nước ta. Thế kỷ XI, XII, khi người Thái Ðen thiên di tới vùng đất này, họ đã gặp tổ tiên của người La ha hiện nay. Chính vì vậy, khi làm lễ cúng Mường, người Thái vẫn còn tục đặt cỗ "trâu trắng" để tế thần Im Poi - một thủ lĩnh nổi tiếng của người La ha vào đầu thế kỷ XI.
Người La Ha không dệt vải, chỉ trồng bông và đem bông trao đổi với người Thái lấy vải mặc.
Bản của người La Ha thường có khoảng chục nóc nhà. Họ ở nhà sàn, có hai cửa ra vào với thang lên xuống tại hai đầu nhà, một cửa vào chỗ để tiếp khách và một cửa vào chỗ dành cho sinh hoạt trong gia đình. 
Người La ha có tín ngưỡng thờ tổ tiên, đa thần, họ thờ trên bức vách ở những vị trí khác nhau trong nhà.
Người La ha cho rằng thế giới xung quanh đều có hai phần, phần hồn và phần xác. Phần xác là phần nhìn thấy được, phần ban ngày là phần của người, ban đêm là của ma. Người ta cũng tin mọi hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của họ đều do các thế lực siêu nhiên chi phối.  

Trong tâm thức của họ chỉ có hai lực lượng: ma tốt và ma xấu. Và phần âm thuộc về thế giới của ma, phần dương là phần thế giới của xác. 

Chuẩn bị "cuộc sống mới" cho người chết

Người La ha có tục chia của cho người chết. "Vì thương tiếc. Người La ha quan niệm khi chết luôn có tổ tiên xuống đón. Khi mình ở dưới này có gì thì người đó sống cũng biết hết rồi. Các thầy cúng đưa hồn người chết đến tổ tiên, có của mà không chia, người trong gia đình mà không chia của cho nhau thì sẽ không ổn. Quan niệm như vậy". Ông Quàng Văn Chung, trưởng bản Nà Tạy, xã Pi Toong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La nói.

Và họ sẽ chia của như thế nào? Ông Chung cho hay, từ thóc, gạo, chăn, màn, trâu, bò... trong gia đình có gì sẽ "bàn giao" cho người chết trước quan tài. Con trưởng báo hiếu một con trâu, con gái đi lấy chồng phải có con lợn hoặc con gà để sang thế giới bên kia người chết có trâu cày bừa, có gia súc, gia cầm chăn dắt, có cuộc sống mới đủ đầy. Đó cũng chính là ân tình của người sống dành cho người quá cố.

Khi cử hành tang lễ, người La ha sẽ lấy một loại cây rừng có tên "năm lạ rạc" để dưới quan tài. Theo quan niệm của người La ha, cành cây, vỏ cây có tác dụng đuổi "ma tà" xâm nhập vào hồn người chết. 
Nhà có người mất, để thể hiện niềm tiếc nuối, gia đình sẽ không được uống rượu, tụ tập vui chơi. Nếu không sẽ là bất kính với người quá cố.
"Vì gia đình có việc buồn rồi phải kiêng kỵ để tưởng nhớ công lao của người chết. Người La ha uống rượu khi vui. Các con phải đội khăn trắng 1 năm mới bỏ".

Đỗ Quyên/VOV4


HH CT + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC