Người Pà thẻn bí mật ăn cháo gà ngày Tết
Thứ tư, 00:00, 15/02/2017 Hải Huyền bt chương trình Hải Huyền bt chương trình

(VOV4.VN) - Trong đêm 30 Tết, gia đình người Pà thẻn thường bí mật nấu một nồi cháo cho cả gia đình ăn, tối kỵ không được cho người ngoài biết. Mùng Một, nhà nào cũng phải cửa đóng, then cài…

Bí mật ăn cháo gà

 

Từ ngày 25 tháng Chạp, không khí Tết đã tràn ngập trong các gia đình người Pà thẻn. Các bà, các mẹ, các chị váy áo đỏ rực túa ra các nẻo đường đi chợ đi sắm Tết. Tiếng lợn kêu eng éc, tiếng chày giã bánh khua rộn bếp mỗi gia đình. Nếp nhà được dọn dẹp, trang hoàng lại. Một bữa cơm tươm tất được gia chủ sửa soạn, bày biện lên ban thờ, mời tổ tiên về sum họp cùng con cháu. Có rượu, có thịt, hoặc đơn giản những món ăn dân giã là thành quả thu hoạch của một năm lao động con cháu dâng cúng tổ tiên. 





Lễ hội nhảy lửa của người Pà thẻn dịp Tết. Ảnh: dulichthienthai.vn

 


30 Tết là một ngày quan trọng với người Pà thẻn, tối đó gia chủ sẽ nấu một nồi cháo gà để cả nhà cùng dậy ăn lúc nửa đêm. Bà Phù Thị Lan, người Pà thẻn ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang cho hay: “Buổi tối, gia đình đã mổ gà sẵn. Sáng hôm sau dậy băm nhỏ con gà, cho gạo với một ít rau dăm. Chín dẻo, bắc ra gọi cả nhà dậy ăn. Nấu cháo thì không phải là người đàn bà dậy nấu mà là người đàn ông của gia đình. Vì bảo người đàn bà suốt năm quần quật nấu cơm thì đến Tết, cuối năm rồi thì người đàn ông dậy nấu cho người đàn bà ăn”.



Có điều lạ là từ khâu chuẩn bị nấu cho đến khi ăn đều phải diễn ra trong âm thầm, yên lặng. Tuyệt đối không được để cho người ngoài biết điều này. TS Nguyễn Thị Huyền Nhung, công tác tại Ủy ban Dân tộc, người đã từng ăn, từng ở với đồng bào kể về kỷ niệm ăn Tết với người Pà thẻn ở Hà Giang:



“Đêm 30 Tết khi mình đi ngủ rồi. Sau khi cả làng cúng xong, mỗi gia đình cúng xong tất cả đi ngủ. Sau đó, họ dậy, âm thầm thịt gà sau đó rang gạo lên cho vào nấu cháo gà và họ ăn, họ không gọi mình dậy. Ban đầu không hiểu vì sao họ lại làm như thế. Mấy hôm sau mới hỏi. Họ bật mí: họ làm thế vì ngày xưa người có một thời điểm hạn hán, mất mùa họ không còn cái gì để ăn, được cho một con gà để làm giống. Nhưng họ không thể nào chịu được, đói quá. Hai nữa, ngày Tết là ngày được hưởng mà họ không được hưởng nên họ cảm thấy rất là tủi thân. Hôm đó nhà họ lại có khách mà khách lại nhiều như vậy thì họ đói lắm, không chịu được. Ban ngày họ đã phải nhịn miệng đãi khách vì thế đêm họ phải thịt gà nấu cháo và cả nhà ăn. Để giấu diếm họ phải ăn rất nhỏ nhẹ, không để cho mọi người xung quanh biết. Họ cho rằng, khi được ăn như thế, đầu năm no đủ thì cả năm họ sẽ no đủ”.



Bà Phù Thị Lan còn cho biết, ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc nơi bà sinh sống thì chỉ có họ Phù, họ Tải, họ Sìn mới có tục nấu cháo như vậy. Bữa cháo ấy cả nhà phải ngồi im trên giường cùng nhau ăn. Ăn cháo xong, gia chủ làm lễ xin nước mới vào bát nước thờ trên bàn thờ gia tiên. Việc làm này cũng phải được giữ bí mật không lộ ra ngoài. Bà con tin rằng, không làm như vậy năm mới không an lành, kinh tế không phát triển.



Cả nhà cùng “phát nương” ngày đầu năm



Sau bữa cháo đêm giao thừa, sáng sớm ngày mùng Một – ngày đầu tiên của năm mới, người Pà thẻn sẽ lấy lá “sổ sung” hay còn được gọi là cỏ nước đã chuẩn bị sẵn từ trước, buộc cùng mảnh giấy cúng. Sau đó họ đốt lên, vứt lên nóc nhà, chuồng lợn, chuồng gà… mỗi nơi một ít. “Các cụ bảo cứ vứt như thế để mình có thể nuôi gà, nuôi gì thì nó may mắn”. – Bà Lan bảo vậy.



Xong xuôi, đến giờ đẹp cả gia đình tập trung trước sân nhà làm nghi lễ phát nương. Tất cả thành viên xếp hàng nối đuôi nhau theo thứ tự: chủ nhà, tức người đàn ông đi trước, một tay cầm bó đuốc rực lửa, một tay cầm hương, giấy cúng. Theo sau là vợ và các con, trên tay cầm dao, cuốc, xẻng… Tất thảy rồng rắn tiến ra ngoài nhà theo hướng mặt trời lặn. Đến nơi thầy cúng đã chọn sẵn từ trước Tết, cách nhà tầm 1 – 2m, chủ nhà cắm đuốc, đặt hương và cúng khấn cầu cho một năm phong đăng hòa cốc, thóc lúa đầy bồ. Cúng xong, mỗi người cầm nông cụ trên tay làm động tác phát nương, cuốc đất hàm ý mở đầu một năm vụ mùa thuận lợi.



Sau khi thực hiện nghi thức phát nương, gia chủ sẽ làm lễ xin nước ở nguồn nước để mong ma nguồn nước cho nước sạch, cho nước đều quanh năm cho bản và cho gia đình. Bà Phù Thị Lan bảo, hôm ấy, chính tay người đàn ông làm chủ gia đình sẽ nấu một bữa cơm thịnh soạn để vợ, con cái cùng các thành viên trong gia đình thưởng thức.

 


“Hứng nước ở bể cũng được. Ở nhà mình nhưng mình vẫn phải xin. Đó là xô nước đầu tiên. Nồi cơm sáng mùng một mà đàn ông nấu cho mình ăn đấy. Mình lấy cái bó cỏ nước, một cái hương, mình đốt xong mình để trên bể nước xong mình xin nước mình về nấu cái nồi cơm đầu tiên mùng 1 Tết đấy. Cái sáng hôm đấy thì nhà ai đi xin cũng được, mình lấy cái xô, xong là có một câu nói: “Năm mới qua đi, năm mới quay về những cái gì không may mắn vứt xuống song, những điều gì may mắn mang về cho mình”. 



Theo TS Nguyễn Thị Huyền Nhung, ngày Tết, các gia đình Pà thẻn ăn gì thì ăn, nhưng dòng họ Sìn tuyệt đối không ăn rau bí. Thậm chí, trong cuộc sống hằng ngày họ cũng kiêng kỵ. “Vì ngày xưa có một bà mẹ họ Sìn, muốn cân xem con mình lớn lên được bao nhiêu cân, bao nhiêu lạng. Lấy cái dây bí để quấn để cân. Không may dây bí đấy bị đứt và đứa trẻ nó chết và vì thế họ không bao giờ ăn rau bí. Có những người dòng họ Sìn ăn rau bí, và họ ăn thì bị đau bụng. Để mà được ăn, ông thầy cúng phải cúng cho họ. Tuy nhiên, họ Sìn, gia đình anh Sìn Văn Phong là một thầy cúng rất giỏi ở thôn Mi Bắc, xã Tân Bắc anh ấy đã làm cái lễ cúng “giải” việc ăn rau bí đấy và bây giờ dòng họ Sìn đấy được ăn rau bí rồi”. – TS Nhung nói.



Làm khách nhà người Pà thẻn bạn đã biết?!



Bạn có biết vì sao ngày mùng 1 Tết người Pà thẻn thường cửa đóng then cài? Bà Phù Thị Lan bảo rằng, chỉ khi nào có người “hợp” với gia chủ, xông đất đầu tiên thì khi ấy, người Pà thẻn mới mở cửa đón khách đến chơi.



“Mùng 1, mùng 2 Tết cả nhà cùng đóng cửa không cho ai vào. Nhất là phụ nữ. Người ta bảo, đầu năm phụ nữ vào thì không may mắn mấy cho nên họ đóng cửa. Nếu mình đi xem người nào có tài, có đức, làm cái gì cũng nổi tiếng thì mình gọi được người đấy vào nhà trước, đến đấy thắp một nén hương trên bàn thờ xong là quay về với gia đình uống một tí rượu thì từ lúc đấy được vào nhà. Cái người mà mình bảo họ vào lần đầu tiên gặp may mắn thì năm thứ hai người ta cũng gọi tiếp tục cái người ấy vào nhà”. 



Như vậy là không phải ai cũng được tùy tiện xông đất nhà người Pà thẻn đầu năm mới. Bà Phù Thị Làn còn nói, thậm chí, khi chưa có người phù hợp cho việc xông đất, thì gia chủ sẽ không bao giờ mở cửa, cũng không về nhà chơi. Vì thế, buổi chiều, khi các nghi thức xong xuôi, bà con trong bản mới đến nhà nhau chơi Tết.



Ngày Tết, khách đến chơi, người Pà thẻn tuyệt đối không bao giờ mời ăn ốc nhồi. Điều này họ duy trì ngay cả trong sinh hoạt hằng ngày. Họ cho rằng, nếu cho khách ăn ốc sẽ chẳng bao giờ khách còn đến chơi với mình nữa. Ngoài ốc nhồi, gà rừng, hay trứng cũng là món ăn không bao giờ thết khách.



Món quý nhất họ muốn đãi khách lại là món giản dị nhất: đó là cơm lam xôi. Gạo đổ vào ống nứa non, đem đi nướng chín bằng tro nóng. Cho đến khi ống nứa săn lại, hương nếp thơm tỏa ra nghi ngút, họ đem mời khách ăn, gói trọn trong đó cả tình người Pà thẻn. Bà con sẽ đem loại rượu gạo ngon nhất mời bạn thưởng thức. Không uống được cũng chẳng ai bắt ép, nhưng theo phép lịch sự tối thiểu bạn nên nhấp một ngụm nhỏ. Vì sao ư? Bà Lan nói:

 


“Nếu mà khách không uống được rượu thì cứ ngồi cùng, chơi cùng, trò chuyện hoặc uống một tí rồi chơi thôi. Thế cũng vui rồi. Đó cũng là một cách để cảm ơn chủ nhà. Uống say thì người trong nhà mình phải chăm sóc. Mát xa. Mua một cái chăn mới, khi nào người khách lạ lạ đến với mình thì mình đắp cái chăn mới đấy. Khách đến chơi mình quý nhất là mình để những đồ mới để cho khách đắp thôi”.



Người Pà thẻn quý khách là vậy đấy. Muốn cảm nhận sự ấm áp của tình người nơi đây, Tết này là dịp tuyệt vời để bạn trải nghiệm. Tại sao không?!

 

 

Lâm Thanh/VOV4

Hải Huyền bt chương trình
Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC