Người Thái kiêng xoa đầu trẻ nhỏ
Chủ nhật, 20:52, 06/06/2021 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Đã bao giờ bạn đến bản người Thái trắng chơi và nghe người già kể chuyện: người Thái kiêng xoa đầu trẻ nhỏ; đầu năm có lễ tạ ơn cây măng; trong tang lễ, thầy cúng sẽ phải mo để đưa linh hồn đi chơi…

Người Thái kiêng xoa đầu trẻ nhỏ
Từ xa xưa, người Thái trắng quan niệm: con người luôn có thể xác và linh hồn. Người ta tồn tại được là nhờ có hồn, vía khỏe mạnh. Nơi đỉnh đầu vô cùng quan trọng. Bà Lò Thị Tón, người Thái trắng ở xã Mường Sang, Mộc Châu Sơn La cho biết, do vía ở trên đỉnh đầu, chỗ khoáy gọi là phị khoặn.

"Phị khoăng quan trọng nhất, cho nên cứ sờ vào đầu là họ không thích đâu. Quý trẻ con thì lại khác, nhưng tầm tuổi nó biết suy nghĩ rồi ngoài người thân ra thì sờ vào nó không thích đâu. Kiêng kỵ nhất".

Trẻ nhỏ là vậy, còn với những thầy cúng, họ vô cùng tôn trọng hồn vía. Họ luôn phải giữ mình sạch sẽ để tránh phạm vào thần vía ngự trị trong mình.

Lễ buộc chỉ cổ tay trong đám cưới của người Thái tại xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: danviet.vn

"Những người biết cúng, biết mo không bao giờ người ta chui qua cái chỗ phơi phóng quần áo, gầm sàn… cái vía ở trên mình nó không chịu, nó không thích. Cho nên những ông mo không bao giờ chui qua những dây quần áo. Gầm sàn chung của cộng đồng thì qua được. Nhưng gầm sàn ở nhà mình hay để chỗ này có nước vo gạo, rửa chân, rửa tay thì họ không bao giờ chui qua. Chỉ qua chỗ  nào nó sạch".

Buộc chỉ đỏ để "hồn" không rong chơi
Từ quan niệm đó, khi có người ốm đau, trong nhà có chuyện chẳng lành, người Thái trắng cho rằng lúc ấy hồn rong chơi, đi lạc. Lúc ấy người ta sẽ có nghi lễ gọi vía về.
Người Thái đen ở xã Tạ Bú, huyện Mường La, Sơn La gọi nghi lễ này là “sửa vía”. Bà Lò Thị Loan bảo, khi làm lễ, thầy cúng bảo vía thích gì phải dâng vía thứ ấy mới mời được vía về với mình.
"Trong túi mình đeo phải có áo của cả gia đình, gói cá tầm khoảng 3 – 4 con, một quả trứng, gói cơm vào, có 3 – 4 quả chuối, mía một ít, rồi gói một tí gạo rồi hồn vía về. Hồn vía về nhà rồi muốn ăn con gà, con lợn gia đình phải vay, van xin anh em họ hàng về mổ con lợn. Luộc lên cho chín rồi đặt ở phòng mình ngủ cho họ cúng hồn vía cho. Sau đó buộc chỉ đỏ để hồn khỏi rong chơi, hồn ở lại với mình".

Đưa hồn người chết đi chơi
Cũng xuất phát từ quan niệm hồn vía nên trong tang ma người Thái trắng có nghi lễ “đưa hồn người chết đi chơi”.
Sau khi người chết nhập quan, con cháu sẽ để tang. Đến đêm thứ hai, gia đình bắt đầu cúng giỗ. Cả đêm ấy, con cháu ngồi xung quanh quan tài, nghe thầy mo cúng đưa hồn người chết đi chơi.
"Hôm đó có cả trầu, cả cau, cả gà, măng có hết. Ai có gì thì mời hết. Bắt đầu mo từ khi anh sinh ra, bàn chân bằng hai ngón tay cho đến khi anh 80 – 90 tuổi đến lúc chết đưa lên trời về. Cho nên người Thái để lúc chết 2 ngày, 2 đêm là ở chỗ đấy. Coi như là sinh ra và lớn lên thành một con người. Lúc ở trần gian mình mải làm, mải ăn, sinh sống, chiến tranh, lo này khác. Ngày xưa nghèo lắm, không được đi chơi, không biết chỗ nào, chỉ biết có bản nọ, bản kia. Chỉ ông phỉ, ông tạo mới biết chứ dân thường làm sao mà biết được. Đến lúc chết thì mới gọi mo đưa linh hồn đi chơi để biết chỗ nọ, chỗ kia. Bây giờ người ta còn sáng chế ra đưa đi thủy điện sông Đà, đưa đi thủy điện Sơn La ra làm sao, đi chơi hết xong đến xíp xoong ba na lại quay trở về. Sáng ngày mai là đưa đi chôn đấy. Đưa lên chỗ không vào được là phà tù khai, 10 chỗ vào được là phà tù đị. Đó là cửa tốt. Cửa không vào được là cửa xấu. Đi chơi chán thì về".
Tạ ơn thiên nhiên, cây cỏ
Người Thái trắng ở Mộc Châu, Sơn La coi thiên nhiên có linh hồn như con người vậy. Tháng 10 âm lịch hàng năm, bà con thường có lễ làm vía lúa, trước tạ ơn thần lúa ban mùa no ấm, sau cầu thần lúa bảo hộ cho mùa năm sau. 
"Trước khi làm lễ cúng cơm mới người ta phải làm vía lúa. Ví dụ, mình mang đến cúng những con vật mà không ăn đến lúa. Ví dụ: con ốc, con ếch, con tôm, con cua là không ăn lúa. Mình đến cúng trước, báo cho nó tạ ơn cây lúa. Dân tộc các cô trước khi ăn cơm mới là phải làm vía lúa. Cúng cơm mới đã mới được ăn, được bán, mới được sử dụng lúa mới của năm nay". - Bà Tón chia sẻ.
Tháng 2 âm lịch hàng năm, hoa ban bung nở, măng đắng mọc khắp rừng, tiết trời ấm áp, bản người Thái tưng bừng trong lễ “xên lẩu nó” nhằm cảm tạ tổ tiên, đất trời, thần sông, thần suối, thần núi, thần đất giúp con người duy trì cuộc sống nơi trần gian. 

Đỗ Quyên/VOV4


 
HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC