Những cư dân Mường đầu tiên
Thứ hai, 00:00, 14/09/2020 HH BTCT + 2 ảnh HH BTCT + 2 ảnh
VOV4.VN - Theo các nhà nghiên cứu, người Mường có cùng nguồn gốc với người Việt – Mường cổ. Họ cư trú lâu đời ở vùng Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ… Hiện, người Mường có mặt trên nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Sự gần gũi giữa người Mường - Kinh


Trang phục của phụ nữ Mường ở Hòa Bình

Thần thoại Mường lý giải sự ra đời của loài người từ đôi chim Ây và Ứa. Trong lòng ruột của cây si vũ trụ, đôi chim được sinh ra làm tổ trên hang đá, làm tổ trên bãi sông và rồi sinh ra trứng Điếng. Quả trứng Điếng nở ra con người. Đó là người Mường và người Kinh. Những nơi mà đôi chim làm tổ ấy còn liên quan đến những địa danh ngày nay mà người Mường cư trú.

TS Bùi Văn Thành, Vụ Giáo dục Dân tộc, một người con xứ Mường Hòa Bình cho biết: "Qua biểu tượng trứng Điếng chúng ta nhận ra: người Mường là cư dân cạn. Họ là cư dân vùng núi, vùng sơn địa, sống trong các thung lũng nơi có các bãi sông rộng lớn. Và như chúng ta thấy ngày nay, đó là những thung lũng dưới chân núi đá vôi và các bãi sông rộng lớn gắn với các con sông như sông Bưởi, sông Bôi…"
Bạn có biết vì sao phụ nữ Mường lại thắt khăn trắng hình chữ nhật trên đầu không? Chiếc khăn ấy liên quan đến câu chuyện chia tách huyết thống kể từ khi loài người được sinh ra. Thần thoại Mường kể rằng con người ngày đầu sinh ra chỉ có 3 người là Đá Cần, Đá Cài và Dạ Kịt. Đá Cần là anh nhưng chẳng may bị yêu tinh ăn thịt, chỉ còn lại hai anh em Đá Cài, Dạ Kịt ở với nhau.
Họ lấy nhau, nhưng sinh ra quái thai. Nghe lời thần Dạ rầm, Dạ rủ mách bảo, họ bỏ nhau. Họ thắt khăn trắng coi như hai người đã chết. Sau đó mỗi người đi một phương, hẹn nhau quay lại gọi là mày, tao và ăn trong máng lợn. Từ đó họ mới sinh ra con người như bây giờ. Từ đó để ghi nhớ việc chia tách huyết thống, và chia tách đàn bà mà người Mường dùng khăn đội. Chiếc khăn Mường có ý nghĩa về quan niệm đàn ông, đàn bà và hôn nhân. Phụ nữ Mường chỉ đến tuổi cập kê thì họ mới thắt khăn này. 
Tiếng Mường thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường trong ngữ chi Việt của ngữ hệ Nam Á. Ngôn ngữ này có sự giao lưu, tiếp biến với nhiều ngữ hệ khác nhau.


Tục đâm đuống của người Mường

Những cư dân Mường đầu tiên
Người Mường sống tập trung thành bản dưới chân núi, bên sườn đồi, đất thoải gần sông, suối. Mỗi bản vài chục nóc nhà. Họ ở trong những ngôi nhà sàn kiểu 4 mái, phần trên người ở, dưới gầm sàn là nơi chăn thả gia súc, gia cầm, cối giã gạo và các nông cụ sản xuất. 
Bạn đã bao giờ nghe đến câu: nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động chưa? Đây là câu nói truyền đời của người Mường về 4 vùng mà họ tập trung sinh sống ở vùng Hòa Bình. Mường Bi nay là huyện Tân Lạc, mường Vang nay là huyện Lạc Sơn, mường Thàng nay là huyện Cao Phong và mường Động nay là huyện Kim Bôi. 
Từ mường trong tiếng Mường chỉ đơn vị cư trú, quy mô tương đương với một thôn, làng hiện nay, nhưng cũng có thể là chỉ một vùng đất rộng lớn, gồm nhiều làng, nhiều thôn.
"Nếu đến vùng này hỏi mường Bi thì người ta không biết chỉ chỗ nào mà chỉ có một mường là mường Chiềng. Trong cơ cấu của họ, mường Chiềng là mường trung tâm và liên kết với mường xung quanh thì tất cả những mường đấy gọi là mường Bi. Do nghĩa chỉ mang tính bao quát như thế nên địa danh mường Bi nó còn được mở rộng ra và nó chỉ cả một khu vực. Cho nên, mường Bi nó còn chỉ bao quát cả huyện Tân Lạc bây giờ. Tương tự như vậy mường Thang, mường Thàng, mường Động cũng là cách chỉ địa danh như vậy. Bao giờ cũng có một mường trung tâm là mường Chiềng và các mường xung quanh khác". - TS Thành nói.
Theo TS Bùi Văn Thành, việc xếp 4 mường này theo thứ tự trước hết nói lên sự phát triển từng vùng. Mường Bi là mường rộng và đây là nơi cư dân người Mường đến sớm nhất, có sự phát triển cao. Sau này, từ mường Bi, cư dân Mường đến lập trại ở mường Vang, Thàng, Động, dựng nên những vùng mường trù phú. 
"Cư dân Mường đến từ vùng sông Chu, sông Mã. Cư dân Việt cổ đi từ sông Chu, sông Mã lên, đi qua thung lũng Mai Châu để họ sang sông Đà. Nhóm sang sông Đà ấy xuôi theo sông Đà và lên vùng Bạch Hạc mà lập nên cả nhà nước Văn Lang, Vua Hùng ở đó. Tuy nhiên, trong cư dân di cư ấy có một nhóm đến cuối thung lũng Mai Châu họ vượt Thung Khe xuống mường Bi và họ lập nên người Mường đầu tiên ở đấy. Chính vì là nơi đầu tiên người ta đến, đó là thung lũng rất rộng, bình địa đất đai màu mỡ, xung quanh núi đồi bao bọc, điều kiện thời tiết thuận lợi nên mường Bi phát triển rất nhanh. Sau này trong tâm thức người Mường họ vẫn coi mường Bi là mường gốc. Họ coi mường là đại diện của vùng quê họ sinh sống nên họ xếp mường Bi là mường nhất".

 
Thu Cúc/VOV4

HH BTCT + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC