Tết lúa mới của người Bố Y
Vào tháng 8 âm lịch, người Bố Y bắt đầu tổ chức tết lúa mới.
Ngày tổ chức lễ mừng lúa mới, ông Dương sẽ treo hai bông lúa trước nhà. Bông lúa được treo trong 3 ngày. Đây được coi là lời thông báo đến mọi người rằng chủ nhà đang tiến hành mừng lúa mới. Mọi người có thể đến chung vui. Khi xưa, cả bản làng người Bố Y đều tổ chức mừng lúa mới vào một ngày, mỗi nhà tự tổ chức cúng, sau đó mọi người qua lại nhà nhau ăn uống chung vui.
Ngày nay, ngày ăn tết lúa mới tùy thuộc quy định của mỗi dòng họ như: họ Ngũ thì dùng các ngày Nhâm – Tý – Thìn; họ La thì dùng các ngày Hợi – Mão – Mùi…
Lễ cúng lúa mới thì nhiều dân tộc ở miền núi nước ta tổ chức, có thể bạn đã từng được dự. Nhưng bạn có từng tò mò về những món lễ vật được dâng cúng, và tự hỏi, tại sao lại là món này mà không phải là món kia? Nếu bạn dự lễ cúng lúa mới của người Bố Y, tôi chắc bạn sẽ có khá nhiều thắc mắc.
Lễ vật trong ngày tết lúa mới của người Bố Y khá đơn giản, có sẵn ngay tại bản làng. Nhưng có một món nhất định không thể thiếu, là cá. Bởi đây là con vật không làm hại đến cây lúa mà lại hiện diện ở khắp mọi nơi, ngay cạnh nhà, ở các con sông con suối. Quy định chung là tết lúa mới phải có một món thủy sản như tôm cá cua ốc…để thờ cúng tổ tiên. Như vậy, tổ tiên sẽ phù hộ cho con cháu luôn được mát mẻ như các con vật sống dưới nước.
Trên bàn cúng mừng lúa có 5 chén rượu, 5 bát con, một nắm xôi. Trong mỗi bát con, người ta cho vào một ít xôi mới. Xôi này được đồ từ những bông lúa tốt nhất của thửa ruộng để dâng lên thần linh, tổ tiên.
Cách mời tổ tiên về dự lễ cúng lúa mới của người Bố Y khá đặc biệt. Thay vì đọc tên của những người đã mất thì họ có cách kêu mời rất riêng, đó là gọi tên theo ngày mất. Ông Lộc Văn Cao, ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, cho biết:“Ví như ông mất ngày con trâu thì mình gọi là ông con trâu, mất vào ngày con gà thì gọi ông con gà”.
Trong lúc làm lễ, để tỏ lòng thành kính với tổ tiên, chủ nhà chậm rãi rót rượu trên bàn thờ, rót 3 lượt, mỗi lượt cách nhau khoảng 10 phút, mời ông bà tổ tiên đến dùng cơm rượu để tổ tiên phù hộ năm sau làm ăn tốt hơn.
Làm lễ xong, người Bố Y đốt giấy bản, một loại giấy như vàng mã, được làm bằng rơm, để gửi cho người âm. Khi tất cả đã xong, sẽ là lúc hạ lễ để mọi người cùng ăn cơm, mừng một mùa vụ thành công.
Sau khi người Bố Y đã xong thủ tục cúng cơm mới, con chó, con mèo trong nhà sẽ là hai con vật được ăn đầu tiên. Ông Lộc Văn Cao lý giải: “Khi mừng cơm mới thì mình cho con chó và con mèo ăn trước vì mình thu thóc lúa đầy bồ rồi thì ở nhà có con chó coi nhà, con mèo coi thóc nên khi mừng lúa mới mà ăn thì cho con chó con mèo ăn trước, sau rồi mọi người mới được ăn”.
Liên quan đến quan niệm về con chó con mèo, ông Phan Ngọc Dương cho rằng, người Bố Y quý trọng con chó trong nhà còn bởi đây là con vật có công giữ lại giống lúa. Vì ngày xưa, theo truyền thuyết, bông lúa giận người bay lên trời, khi ấy có con chó chạy rất nhanh, nhảy lên lăn mấy vòng thì dính được vài bông vào đuôi, nên bây giờ người Bố Y mới có lúa giống để trồng. Vì vậy, đời đời người Bố Y biết ơn con chó.
Lễ mùng 6 tháng 6
Người Bố Y cúng cơm mới nhất định phải cúng bằng con vật dưới nước, chó mèo sẽ được cho ăn đầu tiên sau lễ cúng. Trong năm, người Bố Y còn tổ chức nhiều nghi lễ để tạ ơn các vị thần đã mang đến no đủ, xua tan đói rét cho đồng bào. Cách đây chưa lâu, ngày 6 tháng 6, bà con vừa làm lễ tạ ơn thần ruộng.
Người Bố Y ở Quản Bạ, Hà Giang gọi tết mồng 6 tháng 6 là cân chinh sóc (tức ăn tết sáu). Tết này là tết tế bái thần ruộng (tức thần nông). Lễ mùng 6 tháng 6 được người Bố Y tổ chức với mong muốn mùa màng thuận lợi, cây lúa tốt tươi. Trong lễ này, việc cắm lá cờ ở mỗi thửa ruộng được cho là quan trọng nhất, vừa xua đuổi chuột bọ, sâu bệnh vừa thông báo, đánh dấu ruộng vườn của chủ hộ. Người Bố Y chỉ cắm ở chỗ nước vào thửa đầu, chỗ nước ra thì không cắm cờ. Có bao nhiêu thửa thì cắm bấy nhiêu lá cờ.
Có chi tiết rất thú vị về người Bố Y, là bà con rất trân trọng những con vật sống với mình. Trong lễ cúng lúa mới, con chó con mèo được ăn trước người. Trong lễ cúng thần ruộng, đến lượt con trâu con bò được người Bố Y tạ ơn.
Nghi lễ cúng ngày mùng 6 tháng 6 - ảnh báo Lào Cai
Trong những món lễ vật được bày ngay tại thửa ruộng, có thịt gà, thịt lợn, rượu, hương nhang và không thể không có bánh sừng bò. Bánh sừng bò, tương tự bánh chưng, là loại bánh bắt buộc của nghi lễ này. Bánh sừng bò được làm để thể hiện lòng biết ơn đối với con trâu, con bò, vì chúng ra sức giúp con người cày bừa.
Lễ vật được đặt trên một chiếc sàn, tầng sàn cao cách mặt đất khoảng nửa mét. Phía sau cắm một ống tre cao hơn sàn khoảng 10 cm để cắm hương. Sàn được đặt ở đầu đám ruộng hoặc nơi nào có thể nhìn bao quát cả ruộng.
Khoảng cuối giờ chiều, chủ lễ lấy bát đũa, chén rượu, tiền vàng mã bằng giấy bản, đèn dầu, lá cờ và một bát nhỏ hứng tiết gà để bôi vào những lá cờ sau khi cúng xong. Tiếp đến, chủ lễ bóc bánh sừng bò đặt vào mỗi bát một cái.
Lễ khoảng 20 phút, chủ lễ bóc một cái bánh sừng bò mới và cùng ăn với thần ruộng. Ăn bánh, vài miếng thịt, uống chén rượu xong, ông hạ lễ và đốt vàng mã. Cờ được mang cắm mỗi thửa ruộng một cái. Xong việc, chủ lễ về nhà chuẩn bị một mâm cỗ cúng tổ tiên.
Ngoài ý nghĩa lễ tế thần nông, tết mồng 6 tháng 6 còn là tết của trẻ con. Xưa, người Bố Y khi gói bánh thường gói thêm bánh ò vàng túng, tức bánh chùm, cho trẻ con ăn trong ngày tết này.
Viết bình luận