Cúng thần rừng trong rừng cấm
Thần rừng của người Nùng không ai khác là vị tù trưởng Hoàng Vần Thùng, người có công đánh giặc phương Bắc, giúp dân khai ấp, lập làng, dạy cho người dân biết làm nương, tăng gia sản xuất. Để tưởng nhớ công ơn, người Nùng ở các xã Hoàng Su Phì tôn ông thành thần, lập bàn thờ phụng trong rừng cấm.
Hiến sinh trâu trước miếu thờ thần rừng trong rừng cấm
Trong các sách cổ, như cuốn Kiến văn Tiểu lục của nhà bác học Lê Quý Đôn hoặc cuốn Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng đều nhắc đến nhân vật Hoàng Vần Thùng. Cuối thời Hậu Lê ông cai quản toàn khu vực biên ải của huyện Hoàng Su Phì, huyện Xín Mần cũng như Vị Xuyên ngày nay và đặc biệt đến huyện Bắc Hà của Lào Cai.
Dù vậy, mỗi một dân tộc lại có một cách thờ cúng khác nhau. Người Cờ Lao họ có một ngôi miếu cúng ông ở thôn Tả Chải, bà con tổ chức cúng vào ngày thìn âm lịch hàng năm. Người La Chí thờ ông trong ngôi miếu ở thôn Lũng Cẩu, xã Bản Phùng hoặc thôn Bản Díu Thượng của xã Bản Díu.
Những thanh niên khỏe mạnh chịu tránh nhiệm mổ trâu tế thần
Người Nùng ở huyện Xín Mần cũng như Hoàng Su Phì họ tổ chức cúng ông trong các ngôi miếu tại rừng cấm. Trong miếu thờ này, ngoài bàn thờ Hoàng Vần Thùng, người dân còn thờ 3 vị là ông Bảo, ông Ti Táo và ông Liều. Đó là 3 cận thần của ông Hoàng Vần Thùng.
Họ có những luật tục riêng để bảo vệ rừng cấm. Trừ ngày làm lễ cúng thần rừng, bất kỳ ai cũng không được xâm phạm đến khu rừng cấm, không được lấy gỗ, thu hái sản vật trong khu rừng thiêng. Đồng bào quan niệm, nếu xâm phạm họ sẽ gặp những điều không may mắn. Duy nhất ngày cúng thần rừng, họ mới được vào thu hái sản vật, lấy củi khô, nhưng tuyệt đối không được chặt cây.
Ý thức bảo vệ rừng giúp người Nùng giữ được nguồn nước, cung cấp cho tưới tiêu, sản xuất.
Bắt buộc phải có món thắng cố trâu
Mỗi nơi dâng lễ vật mỗi khác
Ngày mùng 2/2 âm lịch là ngày được chọn làm ngày cúng thần rừng. Tương truyền, đó là ngày mất của Hoàng Vần Thùng. Tuy nhiên, nếu ngày tổ chức trong năm đó là ngày xấu, họ sẽ lùi lại một ngày.
Dù có cùng lễ thức cúng thần rừng, nhưng bà con người Nùng ở Hoàng Su Phì, Hà Giang mỗi nơi lại có cách cúng tế khác nhau. Có xã bà con người Nùng chỉ được phép mổ gà làm lễ. Có xã lại được mổ lợn, mổ dê. Nhưng cũng có xã lại phải mổ trâu để cúng tế.
Theo các cụ người Nùng ở xã Tụ Nhân, Hoàng Su Phì điều này bắt nguồn từ lịch sử chống giặc phương Bắc. Do bị địch vây hãm nhiều ngày, thủ lĩnh người Nùng đổ bệnh chết. Thiếu nước uống, lương thực, gia súc, người Nùng rơi vào cảnh khốn cùng, chết chóc bủa vây. Họ đã mổ trâu cúng tế tỏ lòng thương tiếc, đồng thời cúng tế xin vua trời Hạn Hung giúp đỡ.
Xúc động trước tinh thần đoàn kết chân thành của các tộc họ người Nùng, Hạn Hung đã cử quân lính xuống giúp dân trừ giặc. Vào buổi sáng sớm, các quân binh nhà trời đã xuống đến địa bàn các xã Tụ Nhân, Tân Tiến, người dân vui mừng mổ gà cho quân lính ăn để có sức đánh nhau với giặc. Buổi trưa, các quân binh nhà Trời đã đuổi được giặc đến địa phận các xã Đản Ván, Thèn Chu Phìn, Tụ Nhân, Vinh Quang... bà con hồ hởi mổ lợn, dê tiếp tế. Đến buổi chiều quân binh nhà trời đánh thắng ở các xã Pờ Ly Ngài, Nàng Đôn, Pố Lồ bây giờ nên nhân dân mổ trâu thiết đãi.
Từ truyền thuyết đó, các xã khi tổ chức lễ, xưa họ dâng cúng lễ gì, nay giữ nguyên lễ đó. Riêng các xã cúng lớn, ngoài trâu họ được phép mổ thêm dê, lợn, gà... nếu có điều kiện kinh tế.
Chỉ có đàn ông mới được phép tham dự lễ cúng rừng
Chọn con trâu đẹp cúng thần
Ở các xã như xã Pố Lồ, Pờ Ly Ngài khi được phép mổ trâu cúng thần rừng, người ta phải lựa chọn trâu thật kỹ. Họ có hẳn một nghi lễ rước trâu.
Trước đó khoảng một tháng, những vị chức sắc trong xã đã phải họp bàn, lên phương án tổ chức. Mỗi gia đình tùy tâm đều đóng góp tiền của, gạo, rượu, tiền vàng dâng lễ. Tất cả đều được ghi chép cẩn thận và minh bạch cho cả cộng đồng.
Dù cách làng, cách bản, cách xã bao xa, họ phải đi khắp nơi để tìm được con trâu thật đẹp, thật to để dâng lên Hoàng Vần Thùng. Đó con là trâu đực, không có vết sẹo, không bệnh tật.
Sau khi ngã giá và trả tiền, bà con không đưa trâu về ngay. Trước hôm cúng một ngày họ sẽ đến đón trâu ở nhà người bán. 4 – 6 người đàn ông ăn vận đẹp, chuẩn trang phục truyền thống đến rước trâu.
Tuy nhiên, họ sẽ không được dùng bất cứ phương tiện gì như xe kéo, ô tô, xe máy chở trâu. Họ phải dắt trâu thủng thẳng từ nhà bán đến miếu thần rừng. Quãng đường đi dù dài hay ngắn, bất kể thời gian sớm hay muộn, những người đi đón trâu này không bao giờ được giục giã hay đánh mắng, phải nhẹ nhàng dẫn đường cho trâu về.
Lễ cúng thần rừng trong lối sống mới
Cúng thần rừng là nghi lễ cộng đồng, nhưng chỉ có đàn ông của mỗi gia đình được đại diện tham dự và thực hiện nghi thức cúng tế.
Sáng sớm ngày làm lễ, 6 – 8 thanh niên được lựa chọn để mổ trâu. Những thanh niên này phải là những người khỏe mạnh, dùng toàn bộ sức lực của mình vật con trâu nằm ngửa lấy tiết trâu chứ không dùng bất kỳ một vật nặng nào đánh đập con trâu này.
Việc tế lễ được tiến hành hai phần: cúng sống và cúng chín. Thầy tế sẽ lấy 4 chân trâu, chiếc đuôi, 4 mảnh xương sườn trâu, đầu trâu và nội tạng của nó đặt trước ngôi miếu để tế sống.
Hiến sinh các con vật xong xuôi, họ bắt đầu tiến hành cúng chín. Món ăn làm từ trâu là món thắng cố, món thịt xào bắt buộc phải có. Phần lễ xong xuôi, họ thụ lễ ngay tại rừng. Và có một điều đặc biệt là khi ăn uống xong xuôi, toàn bộ đồ thừa, xương, da, lông con vật sẽ được đem đi đốt thành tro. Họ không mang bất kỳ thứ gì về nhà. Theo họ, những gì đã dâng lên Hoàng Vần Thùng rồi sẽ không mang về, tránh xui xẻo.
Lễ cúng thần rừng Hoàng Vần Thùng là nghi lễ diễn ra hàng năm của bà con người Nùng. Đối với các xã cúng lớn, xưa kia không năm nào được phép thiếu trâu. Tuy nhiên, để có một con trâu làm lễ, kinh phí lên đến hàng chục triệu đồng. Đó là một số tiền không nhỏ. Những năm gần đây, thực hiện theo nếp sống mới, tiết kiệm nhưng không mất bản sắc, khoảng 2 – 3 năm đồng bào Nùng mới làm lễ mổ trâu. Còn lại chỉ cúng gà, dê, lợn...
Lễ cúng thần rừng không chỉ là lễ tạ ơn, mà còn là lễ cầu mùa. Những năm đói kém, mất mùa, bệnh dịch… người Nùng sẽ mổ trâu cúng tế, cầu thần rừng và các lượng lượng siêu nhiên phù trợ. Nghi lễ đậm bản sắc văn hóa của người Nùng, là tinh thần cố kết cộng đồng của bà con người Nùng ở vùng núi đất phía tây của tỉnh Hà Giang.
Dù các dòng họ người Nùng sau này phát triển, đi muôn nơi, nhưng dịp 2/2 âm lịch hàng năm họ vẫn nhớ đến ngày trọng đại của dân tộc để trở về.
Năm 2016, Lễ cúng thần rừng của người Nùng ở Hoàng Su Phì được Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận