Tết Độc lập của người Nùng
Thứ sáu, 00:00, 02/10/2020 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Trong một năm người Nùng có nhiều cái Tết. Ngoài Tết Nguyên Đán, Tết mừng chiến thắng, hay còn gọi là Tết độc lập là tết to nhất của người Nùng.


Mỗi địa phương ăn Tết mỗi khác

Người Nùng cư trú ở nhiều địa phương như Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn... Nếu người Nùng ở Hoàng Su Phì, Hà Giang và ở Si Ma Cai, Lào Cai ăn Tết Độc lập vào 1/6 âm lịch; người Nùng ở Mường Khương, Lào Cai sẽ ăn vào ngày 1/7. 
Tục truyền, xưa kia, người Nùng sống đoàn kết trên các sườn núi. Cuộc sống thanh bình, hạnh phúc với núi rừng, săn bắt, làm nương rẫy. Một hôm, giặc phương Bắc kéo đến càn quây. Chúng cướp bóc của cải, phá phách nhà cửa của người Nùng. Tất cả các dòng họ người Nùng đoàn kết chống trả quyết liệt. Nhưng do chỉ quen với ruộng nương, lực lượng mỏng, người Nùng nhanh chóng thua trận. Thất thế, người Nùng buộc phải rút quân, mang cả gia đình, của cải vào rừng ẩn náu, xây dựng lực lượng.


Người Nùng Dín ở Lào Cai. Ảnh: mytour.vn

Sau một thời gian củng cố quân lương, rèn luyện binh lính, người Nùng phản công. Ở mỗi địa phương, từng nhánh người Nùng có thời gian tập kích chống trả khác nhau, thời điểm thắng trận khác nhau nên tết mừng độc lập mỗi vùng mỗi khác. Nếu người Nùng Dín ở người Nùng Dín ở Mường Khương, Lào Cai và người Nùng U ở Hoàng Su Phì thắng trận ngày 1/6 âm lịch thì người Nùng Dín ở Mường Khương, Lào Cai đập tan quân xâm lược ngày 30/6 – 1/7 âm lịch. Bởi vậy, người Nùng ở mỗi địa phương đón Tết Độc lập ở thời điểm khác nhau. 
Theo ông Trần Chí Nhân, Phó trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Hoàng Su Phì, trong những ngày ăn mừng thắng lợi này, người Nùng cho phép mình được nghỉ ngơi, không lao động, chỉ mở tiệc ăn uống, vui chơi.
"Người ta kiêng không được đi làm, không được chặt cây, không được làm gì cả. Tương truyền ngày đấy là ngày họ giành lại chiến thắng từ giặc phương Bắc. Trong ngày này, người ta chỉ đóng cửa và đi chơi bời thăm thú nhau và uống rượu. Người ta quan niệm nếu đi làm, động đến thần linh thì năm ấy sẽ gặp chuyện không hay".

Xôi đỏ - Ký ức hào hùng của dân tộc Nùng
Dù tổ chức Tết độc lập ở mỗi địa phương có thời điểm khác nhau nhưng có một lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng Tết độc lập của người Nùng đó là xôi đỏ. Đó là món ăn mà các thế hệ người Nùng nhắc nhở con cháu về quá khứ hào hùng của tổ tiên trong lịch sử đấu tranh giữ đất, giữ làng.

Người già ở xã Tụ Nhân, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang kể, cúng xôi đỏ còn là để tỏ lòng tiếc thương đến vị thủ lĩnh của người Nùng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh với giặc phương Bắc. Với dã tâm xâm chiếm đất đai của người Nùng, vua Hán sai quân vây hãm nhiều ngày khiến cuộc sống của họ ngày một khó khăn. Lương thực cạn kiệt, nước ăn không có. Đúng lúc đó, thủ lĩnh của người Nùng bị lâm bệnh và chết. Để tỏ lòng tiếc thương, các thanh niên trai tráng đã mổ trâu lấy thịt, lấy lá chuối làm mâm, lấy tiết trâu thay nước nấu cơm làm đồ cúng tế nên cơm mới có màu đỏ.


Xôi màu của người Nùng. Ảnh:chudu24.com

Riêng ở Lào Cai, ngoài xôi đỏ, người Nùng Dín ở huyện Si Ma Cai, huyện Mường Khương còn làm xôi 7 màu để ăn mừng Tết độc lập. Với họ, đó là 7 tháng gian nan, vất vả chống lại giặc giã của người Nùng. Có màu đỏ thẫm như máu của những người đã anh dũng hy sinh, có màu vàng tang thương tượng trưng cho những mất mát, ly tán mà mỗi gia đình người Nùng Dín phải chịu đựng. Màu xanh nõn chuối như ước vọng mùa xuân đoàn tụ của người Nùng. Và cả màu đỏ tươi như chiến thắng hào hùng của người dân Nùng Dín.
Ông Vùi Chảo Sín, ở xã Sín Chéng, huyện Si ma cai nói, ăn Tết Độc lập phải có xôi đỏ. Không tế xôi đỏ, không tế xôi 7 màu thì chưa phải là ăn Tết độc lập. 
"Người Nùng ở trên núi không có nước nấu cơm thì nó mổ trâu, lấy tiết trâu bỏ vào cơm. Người Nùng mới bảo là ăn tháng 6, phải làm cơm đỏ ăn tháng 6. Tháng bảy mới đến Mường Khương, đánh nhau đến Mường Khương thì Mường Khương mới ăn tháng 7".

Còn ông Trần Chí Nhân, phó trưởng phòng văn hóa thông tin huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang cho biết, cùng với xôi đỏ, người Nùng nơi đây còn mang cả cành hoa lau lên bàn thờ để cúng.
"Ở bàn thờ bao giờ cũng có bông hoa lau. Bây giờ một số nhà cũng bỏ rồi nhưng cội nguồn là phải có. Bông hoa lau và bông lúa phải có để trên bàn thờ trong lễ cúng tết độc lập 1/6. Họ quan niệm, thời gian trước đây người Nùng sau khi chạy vào rừng trong khu đấy có rừng lau. Người ta giành chiến thắng khởi phát đầu tiên trong khu rừng lau. Nó có sự tích đấy cho nên trên bàn thờ bao giờ cúng cũng phải có túm lau rừng". 

Mừng Tết độc lập: Trước cúng trời, sau cúng tổ tiên
Ông Vàng Thung Chúng, người Nùng Dín ở thôn Tùng Lâu, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, Lào Cai bảo, ngày trước ở quê ông, bà con mỗi khi làm lễ cúng Tết Độc lập, mỗi gia đình sẽ tổ chức cúng báo, cảm tạ trời trước, sau đó cúng gia tiên. Lễ này ở quê ông sẽ cúng vào lúc trước khi trời sáng.

"Cúng trời chỉ có trưởng dòng họ mới cúng thôi chứ không phải tất cả các gia đình đều cúng đâu. Mỗi làng bản có 1 – 2 trưởng dòng họ thay mặt làm mâm cúng trời, nhà. Người ta làm một cái sàn lịch sự ở trước sân nhà vừa cúng trời, vừa làm sàn phơi thóc, phơi ngô, phơi quần áo trên đấy. Phải làm rượu nếp cẩm, làm xôi màu, mổ con gà cúng tại chỗ và cúng trước khi trời sáng. Tức là 1 giờ đêm đã phải làm rồi, cúng xong thì cũng đến 5 giờ sáng. Đồng bào tưởng nhớ giây phút chiến thắng kẻ thù trước lúc trời sáng cho nên phải làm trước trời sáng để tưởng nhớ sự kiện đấy. Nhưng mấy chục năm nay nghi lễ cúng trời đã bỏ rồi, bây giờ chỉ cúng tổ tiên trong nhà thôi. Nó cầu kỳ, phức tạp quá".

Ở huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, ngoài tổ chức Tết Độc lập ở từng gia đình, duy nhất bà con người Nùng ở xã Pố Lồ có một nghi lễ cộng đồng trong dịp Tết này. Bà con người Nùng ở đây có hẳn một sự tích lý giải về nghi lễ cộng đồng trong ngày Tết độc lập của mình.
Ngày xưa, người Nùng ở Hoàng Su Phì sinh sống chủ yếu tại các xã Pờ Ly Ngài, Pố Lồ, Sán Sả Hồ. Nghề chính để sinh sống là trồng lúa nương và trồng ngô. Có một năm, Người Nùng bị mất mùa do vua trời Hạn Hung hay ngủ quên không cử thần nông xuống cai quản ruộng nương khiến cho chuột bọ, chim chóc thường xuyên phá hại mùa màng.
Một hôm, có một tộc trưởng người Nùng sinh sống ở địa bàn xã Pố Lồ nằm mơ thấy Hạn Hung hiện về phán: Muốn làm ăn yên ổn thì hãy lập một đàn lễ để cầu xin Hạn Hung phù hộ. Thức giấc, người tộc trưởng nọ gọi các gia đình lại để kể lại lời báo mộng của Hạn Hung. Cuối cùng, cả làng thống nhất cầu xin Hạn Hung cho một vật chứng để làm tin. Đêm hôm ấy trời bỗng nhiên nổi sấm chớp ầm ầm và có tiếng sét đánh ngay trên khu rừng thuộc thôn Cóc Mưi Thượng. Hôm sau mọi người lên xem thấy giữa khu rừng mọc lên một cột đá hình trụ có bốn cạnh dài chừng 1,5 mét, đó chính là hòn đá thiêng mà Hạn Hung đã gửi xuống để làm tin.
Thấy lời cầu xin đã ứng nghiệm, các gia đình đã tổ chức mổ trâu để cúng tế Hạn Hung. Trước khi cúng, con trâu được buộc vào cột đá để thầy cúng làm phép trao lại cho Hạn Hung, sau đó mổ thịt chia đều cho các gia đình. Năm ấy, Hạn Hung đã phù hộ cho các gia đình người Nùng trong xã được mùa to.
Từ đấy, cứ vào dịp ngày 1 tháng 6 âm lịch hàng năm, các gia đình của cả xã lại góp tiền mua một con trâu đến buộc vào cây cột đá để cúng tế Hạn Hung che chở cho nhân dân, đem lại mùa màng tươi tốt và khu rừng này đã trở thành rừng cấm được nhân dân bảo vệ như một nơi linh thiêng nhất và gọi là Đồi mổ trâu. 
Dâng Thần Nông bát nước trắng cùng trâu
Trong ngày Tết độc lập 1/6 âm lịch ở Hoàng Su Phì, Hà Giang bà con người Nùng các thôn Thu Mưng, Nàng Ha, Pố Lồ, Cao Sơn Thượng, Cao Sơn Hạ, Cóc Coọc, Đông Rìu, Ngàm Buồng của xã Pố Lồ; thôn Nậm Dế xã Thèn Chu Phìn và thôn Pố Lũng, thị trấn Vinh Quang sẽ mổ trâu cúng tế. Người Nùng ở các xã còn lại chỉ mổ gà, dê hoặc lợn cúng.
Cứ luân phiên mỗi năm một lần, bà con của từng thôn sẽ góp tiền của mua trâu cúng thần Nông ở Đồi Mổ Trâu. Sáng sớm ngày mùng 1, người đàn ông đại diện cho từng gia đình của 10 thôn có mặt đông đủ tại Đồi Mổ Trâu ở thôn Cóc Mưi Thượng làm lễ. Họ buộc trâu vào “cột đá thiêng” mà vua Hạn Hung ban tặng. Sau khi cúng giao trâu xong, họ sẽ thịt trâu và chia đều cho mỗi hộ gia đình mang về cúng tế ở nhà.

Bà con cúng Thần Nông ngoài trời ở sàn phơi thóc, sau đó mang vào nhà cúng tổ tiên. Bởi vậy, trong bàn cúng Tết Độc lập của bà con người Nùng nơi đây không thể thiếu bát nước trắng. 

"Bát nước trắng, nước sạch lấy nước suối làm đồ tế. Nó liên quan đến truyền thuyết ngày xưa ông Hoàng Vần Thùng - vị thủ lĩnh của người Nùng đánh giặc khát nước. Và thứ hai liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp. Không có nước không cấy cày, mùa màng không tốt tươi nên bắt buộc phải có". - Ông Nhân lý giải
Mỗi năm đón Tết độc lập một lần, nhưng đó là ngày vui nhất của bà con người Nùng. Nếu bạn muốn một lần được trải nghiệm Tết Độc lập của bà con người Nùng hãy một lần đến thăm các bản người Nùng bạn nhé!

Thu Cúc/VOV4


HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC