Dừa trong tâm thức người Khmer
Từ xa xưa, trong mỗi phum, sóc của người Khmer Nam Bộ luôn có sự hiện diện của cây dừa. Những đứa trẻ Khmer lớn lên đều có bóng dáng dừa soi mát, ru cho giấc ngủ tuổi thơ êm trôi.
Một nghi thức trong lễ hội cúng dừa của người Khmer. Ảnh: baosoctrang.org.vn
Sống ở xứ dừa, bà con đã tận dụng loài cây thiên nhiên ưu đãi phục vụ cho đời sống của mình. Người ta thường lấy lá dừa lợp nhà, lấy trái làm thức ăn, lấy nước dừa làm đồ uống. Món cốm dẹp trứ danh của đồng bào Khmer mà không trộn với nước dừa béo ngậy cũng mất đi hương vị đặc trưng.
Không chỉ có thế, tàu dừa được bà con chẻ ra làm lạt buộc, hay tước bỏ lá phơi tàu dừa thật khô để bắc giàn mướp, giàn bầu, khổ qua…
Những thân gỗ dừa lâu năm qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã trở thành những dụng cụ gia đình như chiếc bàn, cái ghế… Trước đây, ở vùng người Khmer còn có một nghề đó là nghề sửa dừa. Người thợ dùng dao nhọn sắc vệ sinh dừa cho sạch sẽ tránh chuột ăn, đuông dừa phá hoại.
Đó là trong cuộc sống thường ngày, còn trong tâm linh, dừa mà đặc biệt là nước dừa có ý nghĩa thiêng liêng hơn bao giờ hết. ThS Hứa Sa Ni, Phó trưởng khoa Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM cho biết: “Lễ tang người ta cũng sử hai loại nước: nước mưa, nước trái dừa. Trước nghi thức thu gom xương cốt người đã khuất sau hỏa táng, họ lấy nước tưới lên. Người ta quan niệm, có như thế mọi thứ mới sạch sẽ, tốt đẹp. Để cho cảm giác là thanh tẩy được tội lỗi và sạch sẽ để tạo một sự an lành, tốt đẹp trong tương lai”.
Vì xem quả dừa chứa đựng thứ nước tinh khiết nên bà con Khmer đã sử dụng thứ nước ấy trong nhiều lễ thức long trọng. Ngoài tang ma, trong lễ cưới, nước dừa cũng có mặt trong các nghi lễ đặc biệt.
TS Nguyễn Mạnh Cường, Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, ngày cưới, khi mang lễ vật đến nhà gái, người ta bố trí anh ta đứng trên hòn đá. Cô dâu cúi xuống làm động tác chặt quả dừa, lấy khăn nhúng vào nước dừa rồi lau chân cho chú rể. “Nước là một sự thanh tẩy. Chú rể bước vào nhà thì mọi thứ cũng phải sạch sẽ, tốt đẹp”.
Nước dừa còn được sử dụng trong nghi thức cúng thần sen Krông Pờ li cai quản vùng đất người Khmer sinh sống. Đó là sự tôn kính người Khmer bày tỏ dâng đến bề trên.
Rước đại lịch đón năm mới
Người Khmer lấy tháng Chét và Pisak theo âm lịch Khmer, tức là ngày 13 hoặc 14 hay 15, 16 tháng 4 dương lịch để làm ngày lễ vào năm mới. Đây là thời điểm bà con đã thu hoạch hoa màu, thóc lúa xong xuôi, có dịp nghỉ ngơi dài ngày nên bà con sẽ làm lễ đón năm mới, hay còn được gọi là Tết Chol Chnam Thmay.
Tết Chol Chnam Thmay là ngày bà con đón vị tiên nữ giáng trần – đó là con gái của Phạm Thiên – vị thần tối cao ở thượng giới trong tâm thức của người Khmer.
Dâng hoa trong nghi lễ đón Phạm Thiên của Tết Chol Chnăm Thmay tái hiện tại Làng văn hóa
Phạm Thiên có 7 người con và mỗi năm người Khơ me sẽ đón một vị tiên nữ khác nhau xuống trần gian để bảo trợ cho con người một năm mới an lành.
Tết Chol Chnam Thmay diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu tiên người dân sẽ lên chùa làm lễ. Sau khi đi 3 vòng quanh chánh điện, các nhà sư sẽ thực hiện lễ cầu bình an cho người dân.
Anh Thạch Chăm Rơn, trưởng đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Đây là một nghi lễ quan trọng của ngày Tết. Ngày đầu tiên là ngày rước phật lịch. Trong nghi lễ rước phật lịch có rước đầu Phạm Thiên đi xung quanh chánh điện 3 vòng, sau đó được đưa vào cúng bái. Mục đích tụng kinh cho vị thần mang lại phước lành cho đồng bào, phật tử trong năm mới an khang thịnh vượng”.
Ngày thứ hai của lễ Chol Chnam Thmay là ngày phật tử dâng cơm cho sư sãi vào buổi sáng và buổi trưa ở chùa. Buổi chiều, mọi người đến chùa làm lễ đắp núi cát để mong gặp nhiều điều may mắn, tốt lành trong năm mới và cầu mong có những cơn mưa cho mùa màng tốt tươi. Ngày nay, trong một số chùa của người Khmer ở Nam Bộ có thay hình thức đắp núi cát bằng đắp núi thóc, gạo.
Tắm tượng phật, tắm cho cha mẹ
Ngày thứ 3 là ngày thêm tuổi của Tết Chol Chnam Thmay. Trong ngày này, buổi sáng người dân sẽ tiếp tục dâng cơm cho các sư và nghe thuyết pháp trên chùa. Buổi chiều, mọi người đốt đèn nhang, dâng lễ vât, đưa nước có ướp hương thơm để làm lễ tắm phật. Đây là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng đối với đồng bào Khmer.
Sư Kim Tuệ, trụ trì chùa Khmer tại làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, nghi thức tắm tượng Phật liên quan nhiều đến tâm thức ứng xử với nước của người Khmer. Tắm để thể hiện tưởng nhớ lòng từ bi của đức phật vô lượng đến chúng sinh, đồng thời nhắc nhở phật tự tu tập, thanh lọc tâm ô nhiễm. Nước thơm sau khi tắm Phật, đồng bào Khmer mang về nhà tắm cho người lớn tuổi để cầu chúc sức khỏe, bình an, mong một năm mới tất cả gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.
Cùng với việc hồi đáp, báo hiếu cha mẹ còn sống, các gia đình cũng thỉnh mời chư tăng cầu siêu cho những người quá cố. Kết thúc ngày Tết là nghi lễ tắm Phật tại từng gia đình và dâng bánh chúc mừng ông bà cha mẹ và xin tha thứ những lỗi lầm, thiếu sót trong năm cũ, để sang năm mới mọi người trong gia đình phấn đấu tốt hơn, cầu mong vạn sự như ý.
Thu Cúc/VOV4
Viết bình luận