Văn hóa người Xê đăng ở Kon Tum
Thứ sáu, 00:00, 18/12/2020 HH BTCT + 2 ảnh HH BTCT + 2 ảnh
VOV4.VN - Mỗi năm một lần, người Xê đăng ở Kon Tum có lệ ăn lúa thừa. Xưa, nếu trong làng có chuyện chẳng lành, bà con tin thần không cho ở nên già làng phải đi tìm mảnh đất mới.

Kinh nghiệm chọn đất làm nhà
Dân tộc Xê đăng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ me, ngữ hệ Nam Á. Là cư dân nương rẫy, họ thường định cư ở lưng chừng núi, sống quây quần thành từng làng. Tên của người Xê đăng không có họ kèm theo, nhưng có từ chỉ định giới tính: nam là A và nữ là Y. 
Xưa kia, sống du canh, du cư, người Xê đăng tin vào sức mạnh siêu nhiên, các “ma”, các “thần” như “ma tổ tiên”, thần sông, thần đất, thần suối… Đó là lý do mà bà Y Sinh, người Xê đăng ở thị trấn Đắc Tô, huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum cho biết, không phải tự nhiên người Xê đăng bỏ làng, tìm đất định cư mới.


Bà con Xê đăng tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam

"Họ ở làng mình thấy, ủa sao đau ốm miết. Họ cho rằng thần linh ở đất đấy không cho bà con ở. Lúc đó, mấy ông già người ta đi chọn đất". - Bà Sinh nói.
Cũng như nhiều dân tộc khác sống ở vùng Trường Sơn Tây Nguyên, già làng người Xê đăng có uy tín nhất, sẽ đảm nhiệm việc đi tìm nơi ở mới cho làng. Chọn được mảnh đất ưng ý, ông chặt một cây lồ ô, chẻ làm đôi rồi rắc thóc, gạo, muối bỏ vào trong đó và cắm xuống đất. Sáng mai nếu thóc, gạo còn nguyên chứng tỏ, thần linh đã đồng ý cho người dân dựng làng. Ngược lại, ông già làng phải tiếp tục tìm mảnh đất khác.
"Họ chặt một cây lồ ô, hoặc một cây nứa chẻ làm đôi. Khi người ta để ban đêm mà gạo, thóc nó đi đâu. Nếu nói như bây giờ là kiến nó tha, mối nó tha chẳng hạn. Họ chặt một ống nứa, nếu ngã ngửa hết thì coi như nó không tốt.
Nghe qua có vẻ như lạc hậu, nhưng sâu xa, như bà Y Sinh nói, gạo mất do mối tha, chứng tỏ đất ấy có mối ở, rất bất lợi cho việc dựng nhà. Đó là kinh nghiệm quý báu bao đời người Xê đăng truyền lại cho con cháu.
Chọn được đất, người dân bắt đầu lập làng. Bà con sống trong những ngôi nhà sàn thấp hình chữ nhật, lợp mái tranh, vách gỗ. Sàn trên là chỗ ở và sinh hoạt của gia đình, sàn dưới để nông cụ và nuôi gia súc. Thông thường trong một ngôi nhà sàn truyền thống của họ sẽ có hơn một thế hệ sinh sống. Nhà có bao nhiêu bếp, sẽ có bấy nhiêu hộ tương ứng. 

Cả làng tiếp khách

Sống hòa mình vào thiên nhiên, được thiên nhiên che chở, nên từ thế hệ này sang thế hệ khác những nơi gần sông, gần suối, thuận lợi cho việc lấy nước sinh hoạt sẽ được người Xê đăng chọn để lập làng. Bao giờ người Xê đăng cũng đặt tên làng mình theo con suối làng sở hữu. Hoặc cũng có khi bà con đặt theo tên rặng núi mình định cư.
Gần gũi với thiên nhiên, người Xê đăng chất phác, hồn nhiên như cây cỏ. Làm khách làng người Xê đăng cả làng sẽ đón tiếp tại ngôi nhà rông. Già làng làm chủ, mỗi gia đình ai có gì, mỗi nhà một ít đều mang ra nhà rông đãi khách. Rau sắn, măng rừng, khoai mì… đơn sơ là thế nhưng là cả tấm lòng người Xê đăng dành trọn cho khách đến chơi. Đặc biệt, dù có khó đến đâu, thì mâm cơm đãi khách sẽ không thiếu một con gà trống. 


Phụ nữ Xê đăng chơi đàn Klông pút trong trang phục truyền thống

Làng người Xê đăng không có cổng làng vững chãi. Những mái nhà sàn quần tụ xung quanh mái nhà rông cao lớn. Nhưng khi làng có việc hệ trọng cổng sẽ được dựng lên ở nơi đầu làng. Ví như bà con làm lễ mở kho lúa đón thần lúa về làng hay làm cây nêu ăn trâu hoặc ngày trỉa lúa đầu tiên, ngày ăn lúa mới… đều có những quy định riêng với người lạ.

Ông A Bóc người Xê đăng ở thôn Đắc Song, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum bảo lúc trỉa lúa hoặc ăn lúa mới khách lạ không được vào nhà, phải đợi ở nhà rông chừng khoảng 1 - 2 tiếng họ làm lễ xong mới được vào. 

"Kiêng như thế để hồn lúa, hồn người vào kho lúa trước. Người ta cắm bông lau ở cổng. Người lạ biết ý sẽ không vào. Đấy là ngày xưa thôi, giờ bỏ rồi. Vào sẽ phải cúng lại".

"Không ăn lúa thừa năm ấy không được mùa"

Dịp tháng 5 – tháng 6 hàng năm người Xê đăng ở Kon Tum vào mùa trỉa lúa. Đây là mùa bà con xuống giống, với hình thức canh tác chọc lỗ, tra hạt để bắt đầu một vụ mùa mới trong năm. Và đó cũng là dịp duy nhất bà con gói bánh ốc sên, ăn lúa thừa. 
"Lúa thừa có nghĩa là tháng 4, tháng 5 người ta trỉa xong 1 tháng. Lúa thừa là lúa giống. Dù có thiếu đi chăng nữa họ đi vay, đi mượn để họ ăn vào tháng 5, tháng 6. Ăn lúa thừa có nghĩa là lúa dư trỉa trên rẫy đó. Người ta trỉa không hết. Còn lại một ít họ về giã họ ăn. Bánh nếp đấy". 
Bà Y Sinh ở cho biết, chọn được ngày trăng đẹp, trăng tròn đầy, bà chủ nhà sẽ cầm nắm thóc giống lên nương. Tại khoảng rẫy đã cắm bông chít trước đó, bà tra hạt làm phép. Bà sẽ thực hiện điều này trước tiên, sau đó, con cháu trong gia đình mới theo sau làm nốt công việc xuống giống còn lại của cả rẫy lúa của gia đình.
"Nếu giả sử họ đi trỉa luôn thì tốt, người đàn bà đó phải đi chọc trước. Xong tất cả mọi người mới đi trỉa sau. Còn nếu người ta lấy ngày thì chỉ một nhà, một người đi trỉa lấy ngày thôi. Họ tự họ khấn hôm nay là ngày lành tháng tốt, thần linh đã chọn cho chúng tôi, cũng mong thần linh giúp đỡ làng chúng tôi, gia đình của chúng tôi năm nay lúa tốt. Thu hoạch nhiều bắp, nhiều mì. Gia đình ấm no. Nhà nào làm xong ăn trước. Khi ăn bà chủ nhà sẽ ăn đầu tiêng, xong mới cho các con mỗi người một miếng, một miếng. Không ăn năm đấy không được mùa đâu. Làm lễ ăn chung tại nhà rông thì già làng cúng".

Thu Cúc/VOV4




HH BTCT + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC