Ông trưởng họ quyền lực của người Si la
Người Si la có 5 họ. Đó là các họ: Giàng, Lỳ, Pờ, Hù, Lý. Mỗi dòng họ sẽ có một người trưởng họ, quán xuyến mọi công việc của cả họ người Si la.
Ông Hù Chà Dó, người Si la ở bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, Lai Châu bảo, từ tang ma, cưới xin, các lễ lớn trong năm, mọi công to, việc nhỏ của dòng họ đều một tay ông trưởng họ quyết định.
Dân tộc Si la yêu dân ca, dân vũ
"Cúng lúa mới mình phải cúng ở bàn thờ của chủ hộ là trưởng dòng họ. Gia đình có người mất phải báo cho trưởng họ. Trưởng họ nhập vào bàn thờ tổ tiên. Ông ấy có quyền phân xử mọi việc đúng, sai của dòng họ. Mình phải tôn trọng, nếu không nghe lời ông ấy thì mời anh sang thờ tổ tiên họ khác" - Ông Dó nói.
Theo phong tục của người Si la, ông trưởng họ sẽ phải là người lớn tuổi nhất của dòng họ. Người trưởng họ mất đi, người ta sẽ chọn người lớn tuổi kế cận ông để đảm nhiệm. Và chức vụ này chỉ có đàn ông đảm nhiệm.
Bà Hù Cố Xuân ở bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, Lai Châu chia sẻ: "Đối với dân tộc Si la ai là lớn tuổi, dù là tàn tật hay là khuyết tật, lớn tuổi trong dòng họ thì phải làm dòng trưởng họ. Chứ không phải cha truyền con nối".
Hòn đá thiêng của người Si la
Sinh sống ở mảnh đất cực tây của Tổ quốc, người Si la thường cư trú thành từng bản. Mỗi bản có khoảng 10 – 15 nóc nhà. Bà con thường làm nhà thưng ván gỗ, tre, nứa, mái gianh để ở. Mỗi ngôi nhà có 2 – 3 gian.
Được biết, những gia đình có bàn thờ tổ tiên như gia đình trưởng họ thường sẽ có 3 gian. Còn những gia đình bình thường sẽ có 2 gian. Nhưng nếu bố mẹ mất phải làm 3 gian nhà để lập bàn thờ. Một gian là gian của các con, một gian khách và một gian có bàn thờ với bố mẹ, ông bà.
Bạn có biết, trong khuôn viên ngôi nhà người Si la vị trí nào quan trọng nhất? Đó là bếp. Nhưng không phải bếp nào cũng như nhau. Mỗi gia đình sẽ có 2 bếp. Từ cửa chính bước vào ngôi nhà, bên trái là bếp nấu, nơi phụ nữ phụ trách. Ở chính giữa ngôi nhà người ta đặt 3 hòn đá tròn trịa là 3 ông đầu rau. Đó là bếp chính của ngôi nhà, là bếp đàn ông, phụ nữ không được lại gần. Bởi đó là bếp thiêng của người Si la.
Với gia đình ông trưởng họ, cách 3 hòn đá này khoảng 2m là chiếc ta leo bằng tre giống như giàn phơi gác bếp thu nhỏ. Đây chính là bàn thờ của người Si la. Chỉ có gia đình trưởng họ sẽ có bàn thờ trên 3 hòn đá này, còn những gia đình bình thường bàn thờ được treo trên bức vách bên cạnh giường buồng của đôi vợ chồng chủ nhà.
Người Si la tin rằng, ở 3 hòn đá này tổ tiên luôn ngự trị để sưởi ấm, trông coi bếp lửa. "Ba hòn đá này Si la gọi là hòn đá thiêng. Phù hộ gia đình, mỗi hộ gia đình, tổ tiên, bố mẹ. Hòn đá thiêng đặt ngay ở chỗ gian này". - Bà Xuân cho hay.
Thậm chí, 3 hòn đá này người Si la có một tên riêng để đặt cho nó. Trong quan niệm tâm linh của đồng bào, mỗi hòn đá có nhiệm vụ thiêng liêng khác nhau.
"Ba hòn đá này không bao giờ ai động được vào đấy, nấu nướng sinh hoạt ở đây. Người ta đặt tên cho từng hòn đá. Hòn đối diện với chỗ thờ gọi là hòn đá thờ. Một hòn để giữ hồn cửa. Một hòn giữ linh hồn những tài sản, gia sản của mình để ở đối diện chạn bát. Còn một hòn thẳng với thờ, đối diện với thờ để giữ hồn các con cháu khỏe mạnh, gia tài, gia sản các thứ mình làm được nhiều, đảm bảo cho các cháu có nhiều sức khỏe, mau lớn, học hành thông minh. Vạn vật hữu linh nên trong nhà cũng có thần cai quản, bảo hộ".
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận