Chơ ro - Cư dân sinh tụ lâu đời ở vùng Đông Nam Bộ
Thứ hai, 00:00, 22/07/2019 HH bài HH bài
VOV4.VN - Tên gọi của tộc người này trải qua nhiều thời kỳ. Năm 1979, theo quyết định 121 của Hội đồng Ban dân tộc, tộc danh Chơ ro được sử dụng chính thức.

 

Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ me

Người Chơ ro ở Việt Nam có khoảng 27.000 người, tập trung chủ yếu ở Đồng Nai với khoảng 16.000 người. Số còn lại ở các tỉnh Bình Thuận, Bình Dương và Bình Phước.

Riêng ở Đồng Nai, người Chơ ro tập trung ở Vĩnh Cửu, Định Quán, Xuân Lộc, Long Khánh, ở vùng dọc núi Chứa Chan và xã Tà Lài. Hiện một nhóm sống ở Phước Bình, Long Thành.


Nhà dài của người Chơ ro. Ảnh: nongnghiep.vn

Tên gọi của tộc người này trải qua nhiều thời kỳ. Năm 1979, theo quyết định 121 của hội đồng ban dân tộc, tên tộc danh Chơ ro được sử dụng chính thức. Còn tên của họ là Chrau - Jro, trong đó Chrau có nghĩa là Người, Jro là một danh từ riêng chỉ cộng đồng của họ.

Theo nghiên cứu của TS Lâm Nhân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, người Chơ ro là lớp cư dân cư trú xa xưa ở miền núi Nam Đông Dương. Đây là tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – khơ me. 

"Từ kết quả nghiên cứu khảo cổ học dựa trên những xương cốt cho thấy, người Chơ ro sống từ xa xưa ở vùng Đông Nam bộ và là chủ nhân của vùng đất này. Trong quá trình ở vùng đất miền núi phía nam có nhiều biến động của lịch sử, nhất là trong 2 thời kỳ kháng chiến, cộng đồng phải di cư, dồn vào ấp chiến lược, thành ra vốn văn hóa cũng dần mai một. Tuy nhiên, họ cũng giữ được những nét đặc trưng riêng, tiêu biểu của tộc người này". - TS Nhân nói.

Bên cạnh những minh chứng khảo cổ học, người Chơ ro cũng có truyền thuyết kể về nguồn gốc của tộc người mình. Chuyện kể rằng, xưa có hai vợ chồng hạ sinh được 3 người con gái. Chẳng may hai vợ chồng mất sớm. 3 cô gái mồ côi phải tự sống qua ngày. Sau đó họ lại bị lạc mất nhau. Mỗi người một nơi, lấy chồng, sinh con đẻ cái. Từ đó có người Chơ ro như bây giờ.

Ba vùng đất 3 người con gái định cư là Pôprưng, Pôptoi và Pôplau, ứng với ba vùng của mảnh đất Đồng Nai ngày nay: vùng núi Vĩnh Cửu, vùng núi Chứa Chan của Xuân Lộc và vùng giáp Bình Thuận.

Cá sấu và cây gõ mật – vật tổ của người Chơ Ro 

Người Chơ ro có 2 họ lớn: Chrau Lun (Cá Sấu) và Bi Cu (Cây gõ mật). Ngoài ra còn các họ ít người từ nơi khác đến chung sống, như: Chư La, Bô Glao, Chư Giá… Theo ông Nguyễn Điện Biên, trưởng ấp Lý Lịch 1, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai: do phải dồn dân, lập ấp chiến lược dưới thời Mỹ, Ngụy năm 1962, nên tên họ của người Chơ ro có nhiều thay đổi.

"Dân tộc Châu ro ở ngoài Phú Túc, Đồng Xoài, Túc Trưng là họ Điểu. Dân đó trước đây sống trong vùng ấp chiến lược, vùng kìm kẹp của chế độ ngụy quân, ngụy quyền. Cho nên bắt buộc phải sử dụng một họ một để dễ quản lý. Còn riêng ở đây, bà con dân tộc ở đây họ chính gốc là họ Hồng. Còn rất nhiều họ: Phạm, họ Huỳnh, họ Đỗ, họ Trần... là có cái gốc người Kinh". 

Lý giải về việc người Chơ ro có dòng họ cá sấu, hay cây gõ mật, TS Lâm Nhân cho biết, nó liên quan đến vật tổ của người Chơ ro. Từ dòng họ, người Châu ro có thể nhận ra nhau.

"Họ chọn con cá sấu hay đầu nguồn suối hay một cái gì đó kiêng cữ, để họ phân biệt với nhau. Hai người đi xa gặp nhau phải hỏi nhau có kiêng cái gì không. Nếu kiêng con cá sấu thì tuyệt đối không được cưới nhau nữa rồi. Phải xa nhau ngay. Nếu như biết cùng dòng họ mà vẫn cưới thì có thể bị đuổi khỏi làng. Tên của họ đặt cũng rất là hay. Ví dụ, ông Điểu Sao, tên là Sao thì ông đặt tên con ông ấy là Điểu Bao, Điểu Dao,... theo vần. Người nào mới mất đi, đứa trẻ sinh ra đầu tiên sẽ lấy cái tên của người đó. Họ cứ nối dần, nối dần, đọc tên là biết con nhà mình".

Phải có hoa văn hình mu rùa trên áo

Người Chơ ro xưa kia thường tự trồng bông, nhuộm sợi, dệt vải làm khố, váy, áo và chăn. Xưa, nam giới đóng khố ở trần. Nữ giới để trần quấn váy.

Khác với dân tộc khác, chiếc váy quấn dài trên mắt cá chân của phụ nữ Chơ ro có những hoa văn trắng hình móng tay, hình chim cô, hình mắt cú chạy ngang. Ông Nguyễn Điện Biên cho hay: Dù thêu hoa văn gì trên váy hoặc khố, hoa văn hình mu rùa tuyệt đối không được phép quên. Đó chính là cách người Chơ ro nhận ra nhau.


Đỗ Quyên/VOV4



HH bài

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC