“Quả còn” mang ước vọng năm mới của người Tày
Thứ bảy, 13:46, 17/02/2024 Nông Thị Diệp/VOV Đông Bắc Nông Thị Diệp/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Trong tâm thức của người Tày, quả còn tượng trưng cho may mắn, tài lộc. Xuân sang các bản làng của người Tày lại tổ chức "Hội Tung còn" với hình ảnh quả còn tung bay trong gió đầy cuốn hút, chứa đựng những ước vọng, ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.

 

Từ mùng 4 Tết, từng đoàn, từng tốp gái trai người Tày, Nùng mặc những bộ quần áo chàm rộn ràng rủ nhau đi chơi hội. Và trong lễ hội Xuân, không thể thiếu các trò chơi dân gian như đánh quay, tung còn, đánh yến, đánh pam, lày cỏ hay đẩy gậy... trong đó trò chơi tung còn thường thu hút nhiều người tham gia nhất.

Ông Đàm Văn Tá (78 tuổi, ở Xã An Lạc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng) cho biết: "Hồi còn trẻ chúng tôi chơi tung còn vui lắm, vừa chơi tung còn vừa lượn Hà Lều, chúng tôi thường chơi tung còn ở những bãi ruộng đã gặt hái xong, hoặc ở bãi đất rộng bằng phẳng tập trung được nhiều người. Khi chơi chia làm 2 đội nam và nữ đứng đối diện nhau rồi tung quả còn qua vòng ở trên đỉnh cây còn, đội nào thắng sẽ được thưởng vui lắm".

Quả còn được làm bằng 4 mảnh vải màu ghép lại thành từng múi, được xếp thành 4 góc thể hiện 4 phương hội tụ, bên trong được nhồi hạt bông, thóc, ngô hay hạt cải... để cầu mong sự sinh sôi, nảy nở.

Dây còn cũng được khâu bằng vải, dài khoảng nửa sải tay, một đầu đính vào điểm tâm giao của hình vuông quả còn, bốn góc của quả còn được đính thêm các tua vải nhiều màu đẹp mắt và giúp quả còn định hướng khi được tung lên. Các tua này còn biểu trưng cho những tia nắng, tia mưa cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Từ cuối tháng 11, đầu tháng chạp các chị em phụ nữ trong bản đã tất bật khâu còn để chuẩn bị cho dịp Tết.

Bà Lộc Thị Loan ở bản Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang tâm sự: "Tết là phải có còn, các thanh niên nam nữ, bà con trong bản Tết năm nào cũng chơi tung còn với nhau để vui vẻ sau một năm lao động vất vả và cầu cho mùa màng năm mới thuận lợi, quả còn này đem lại may mắn cả năm cho bà con".

Nếu khâu quả còn là công việc của phụ nữ thì dựng cây còn (cây nêu) được coi là việc của cánh đàn ông. Cây còn là cây tre thẳng cao từ 15 đến 20m, phía trên có một vòng tròn để làm đích ném, vòng tròn một mặt dán giấy đỏ biểu tượng cho mặt trời, mặt kia dán giấy vàng biểu tượng cho mặt trăng. Khi ném còn người chơi cầm gần cuối đoạn dây quay quả còn vài vòng rồi mới tung lên, quả còn bay trúng vào giữa vòng còn trên cột tre thì thắng cuộc.

Để ném trúng vòng còn không chỉ cần may mắn mà còn phải có kỹ thuật. Lực tay khi quay tùy thuộc vào chiều cao cây còn và hướng gió.

"Nếu như hết Tết, kết thúc lễ hội mà không ai ném được thủng mặt giấy dán ở vòng nhật nguyệt thì bắt buộc phải có cách làm cho vòng còn thủng không thì bà con cả xã làm ăn sẽ không được thuận buồm xuôi gió nên người ta phải làm cho thủng thì năm mới làm ăn mới dễ". - Chị Ngô Thị Chín ở xóm Nà Bản, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết.

Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, khi ném còn, người ném cố tung cao để vượt qua vòng tròn tượng trưng cho mặt trời xua đi mọi điều bất hạnh và khi quả còn rơi xuống, người đón còn đón lấy cái may mắn, tốt đẹp, cho một năm mới. Chính vì thế người đón còn phải đón cho khéo không để quả còn rơi xuống đất.

Theo ông Dương Sách ở huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, xưa người già không chơi tung còn, chỉ có thanh niên nam nữ. Ngoài những ý nghĩa về tâm linh, đây cũng là một hình thức để giao lưu giữa các chàng trai, cô gái, để họ có cơ hội tìm hiểu nhau.

"Vì có lễ hội mới tập trung đông người từ nhiều địa phương đến, không phải chỉ trong phạm vi một làng nên trai gái của làng này sẽ chơi với làng kia. Như vậy sẽ có dịp để gặp gỡ, làm quen với nhau. Sau lễ hội nếu chàng trai cô gái phải lòng nhau sẽ trao nhau quả còn hẹn ước. Vì vậy, quả còn còn được tượng trưng như vật giao duyên, chở bao ước vọng hạnh phúc của người Tày, Nùng". - Ông Sách nói.

Hiện nay, đến các khu du lịch homestay của người Tày, chúng ta dễ dàng bắt gặp những quả còn rực rỡ màu xanh, đỏ, tím, vàng... bắt mắt được treo ở khung cửa sổ.

Chị Lộc Loan, chủ cơ sở homestay Triệu Cường ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết, quả còn được gia đình chị và nhiều cơ sở homestay ở đây lựa chọn để trang trí căn hộ, điều này không chỉ có ý nghĩa trang trí cho căn nhà mà còn thể hiện mong ước, khát vọng của người Tày về cuộc sống no đủ, sung túc, may mắn.

Tung còn không chỉ đơn thuần là một trò chơi dân gian của người Tày mà còn đang được hướng đến là môn thể thao thi đấu mỗi dịp lễ hội hay khi Tết đến, xuân về. Trò chơi tung còn vừa có tính văn hóa vừa có tính thể thao, đồng thời rèn luyện sự tinh tế, khéo léo cho người chơi. Người chơi vừa được giao lưu, kết duyên, vừa gắn bó, đoàn kết cộng đồng.

Trước đây, trò tung còn hầu như chỉ phổ biến trong cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mường. Nhưng hiện nay, bất cứ ai, thuộc bất cứ dân tộc nào đều có thể tham gia vào hội tung còn và nhận được sự cổ vũ của tất cả mọi người.

Nông Thị Diệp/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC