Theo phong tục của người Tày, Nùng, khi em bé sinh ra được một tháng tuổi sẽ được làm lễ “Khai bươn”, tức lễ đầy tháng, lễ thôi nôi. Đây là lễ thức đầu tiên trong mỗi đời người nên được chuẩn bị rất chu đáo, công phu.
Ngày đầy tháng của em bé, gia đình sẽ mời thầy cúng đến làm lễ với các loại lễ vật gồm: xôi ngũ sắc, gà luộc, rượu trắng, thịt lợn và đặc biệt không thể thiếu được bánh coóc mò để cúng bà Mụ, xin bà Mụ đặt tên cho đứa bé. Dịp này, gia đình cũng mời họ hàng, làng xóm đến ăn cơm và khi ra về đều tặng bánh coóc mò làm quà.
Bà Hoàng Thị Liễu ở xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho biết, khi làm lễ đầy tháng, gia chủ sẽ căn cứ vào số khách mời để gói bánh. Bởi nếu thiếu bánh làm quà sẽ thất lễ với họ hàng, khách khứa.
"Đến ngày làm lễ đầy tháng, người Tày sẽ mời họ hàng, bạn bè đến dự bữa cơm thôi nôi. Mỗi mâm đều phải có bánh coóc mò để phát lộc cho khách. Ở Cao Bằng mâm 8 người phải có 24 cái bánh coóc mò. Người già bảo đây là bánh coóc mò “khai hảy”, nghĩa là bán khóc đi để cho đứa trẻ khỏe mạnh, ngoan ngoãn ít quấy khóc". - Bà Liễu nói.
Trước ngày làm lễ, không khí chuẩn bị làm bánh coóc mò hết sức náo nhiệt. Các bà, các mẹ trong họ, trong xóm đến giúp gia chủ gói bánh. Gạo được chọn để làm bánh coóc mò là loại nếp thơm ngon, hạt to mẩy. Gạo sau khi vo sạch, vớt lên cho ráo nước, rồi mới gói bánh.
Bà Chu Thị Thúy ở thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn cho hay, lá dùng để gói bánh cũng tùy theo vùng miền. Có nơi gói bằng lá chít, nơi gói bằng lá chuối. Như ở Bắc Kạn lá chuối để gói bánh được tước thành miếng vuông, cuộn lại thành hình chiếc phễu rồi đổ nếp vào bên trong, vỗ nhẹ bên ngoài cho nếp chặt lại, gấp mép lá và dùng lạt chẻ thật mỏng để buộc bánh.
Công đoạn buộc lạt thoạt nhìn đơn giản nhưng lại là khâu quan trọng, quyết định chất lượng của chiếc bánh. Nếu buộc lỏng khi luộc nước tràn vào làm cho bánh bị nhão nhưng nếu buộc chặt quá, bánh sẽ khó chín do hạt gạo không nở được, dễ bị sượng.
Bà Chu Thị Thúy bảo, bánh sau khi gói sẽ được ngâm vào nước lạnh cho đến khi mặt nước không sủi tăm lên. Lúc đó, bánh đã ngấm đủ nước, như vậy luộc sẽ chín nhanh và đều. Người ta sẽ xâu bánh coóc mò thành từng chùm nhỏ. Mỗi chùm 3 chiếc cho vào nồi luộc khoảng hai giờ là bánh chín.
"Khi bánh chín có màu xanh nhạt của lá chuối, càng nhai càng cảm nhận được vị ngon, béo, dẻo của gạo nếp. Nếu nếp là loại “Khẩu nua lếch” thì bánh càng thơm. Tùy theo sở thích của mỗi gia đình, trước khi gói bánh có thể lấy hạt lạc tươi trộn với gạo hoặc làm nhân đỗ xanh. Người ưa ngọt có thể ăn bánh coóc mò kèm mật ong hay đường kính cũng được". - Bà Chu Thị Thúy chia sẻ.
Đến ngày chính, sau khi làm lễ thắp hương cúng gia tiên, cúng bà mụ, bà ngoại cháu bé sẽ lấy chiếc địu thổ cẩm địu bé lên lưng, cầm ô che, mang theo cặp sách, bút, vở đi ra đường tượng trưng như đưa đi học và không quên đem theo một túi bánh coóc mò để "bán" cho hàng xóm hay còn gọi là “Khai hảy” theo tiếng Tày, Nùng.
Theo ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội di sản Văn hóa tỉnh Lạng Sơn, đây là cuộc “bán dại, mua may” theo phong tục xa xưa. Người nào nhận bánh sẽ mừng tiền và dành những câu chúc em bé khỏe mạnh, may mắn và học hành giỏi giang. Khi làm lễ đầy tháng cho trẻ nhỏ, bà con thường làm bánh coóc mò là vì thế.
Ngày nay, bánh coóc mò không chỉ được làm trong lễ thôi nôi của trẻ nhỏ, bà con người Tày, người Nùng làm quanh năm bày bán tại các chợ phiên. Và thứ bánh ấy đã trở thành ký ức đẹp với tuổi thơ khi được các bà, các mẹ mang về mỗi khi đi ăn đầy tháng.
Ở một số nơi, sau mỗi vụ thu hoạch, bà con lại làm bánh coóc mò để mừng mùa lúa mới, đồng thời làm quà khen thưởng cho những đứa trẻ ngoan, vâng lời cha mẹ. Mỗi chiếc bánh là sự hòa quện của tình làng nghĩa xóm, sự mong chờ những điều tốt đẹp nhất của cha mẹ dành cho con cái và thấy được hương vị thơm ngon, sự dân dã, bình dị mang dấu ấn rất riêng của người Tày, người Nùng.
Viết bình luận