Dân tộc Cờ lao nơi địa đầu Tổ quốc
Chủ nhật, 19:09, 08/08/2021 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Dân tộc Cờ lao là 1 trong 16 dân tộc có số dân dưới 10.000 người ở Việt Nam. Hà Giang – mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc là địa bàn cư trú chú yếu của tộc người này. Dù dân số ít, nhưng người Cờ lao lại có vốn văn hóa vô cùng đặc sắc.

3 nhóm địa phương

Theo tài liệu của ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam có 4.003 người Cờ lao sinh sống. Trong đó, Hà Giang có trên 2.900 người phân bố ở các huyện Hoàng Su Phì, Đồng Văn, Yên Minh, Vị Xuyên, Mèo Vạc, Bắc Quang, TP Hà Giang. Trong đó, tập trung đông nhất tại xã Túng Sán của huyện Hoàng Su Phì, xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nguyên giám đốc bảo tàng dân tộc học Việt Nam, từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, do những biến động của lịch sử, người Cờ lao đã bắt đầu có những đợt di cư, khai phá vùng đất mới. Và họ đến Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau.

"Để khai phá vùng đất mới để sinh sống, họ cứ theo con đường di cư từ Quý Châu vào Vân Nam. Có nhóm dừng ở Vân Nam, có nhóm lại đi tiếp. Và khi ở Vân Nam thì người Cờ Lao chia thành hai nhóm. Một nhóm đi theo con đường sông để xuống đến Hoàng Su Phì và phần lớn ở đấy đều là vùng núi đất. Còn một nhóm khác thì đi theo con đường đến Hà Giang thông qua con đường để đến Đồng Văn, Mèo Vạc. Với hai con đường như vậy cộng đồng Cờ Lao đã tách nhau ra trong vòng hơn 300 năm nay". - Ông nói.

Trang phục của phụ nữ Cờ lao. Ảnh: Internet

Trong quá trình di cư ấy, cộng đồng dân tộc Cờ lao đã hình thành 3 nhóm địa phương: Cờ Lao xanh, Cờ Lao đỏ, Cờ lao trắng. Dấu vết di cư còn thể hiện trong những bài cúng, những ngôi mộ chí của dòng họ. 

"Những cư dân đến sau bao giờ khi làm nương, làm ruộng bao giờ cũng phải thờ những người khai phá trước, rất nhiều ruộng thổ canh hốc đá của người Cờ lao họ phải thờ cúng. Khi người ta cúng cơm mới, người ta gọi thần của cái tên đấy. Những người Cờ Lao, người Pu Péo là những người đến đây rất là lâu rồi". 
Nhận ra người Cờ lao không khó
Hiện nay, ở Hà Giang, người Cờ lao chủ yếu có các họ như: họ Vần, họ Hồ, họ Min, họ Cáo, họ Sú, họ Sáng, họ Giàng, họ Vàng, hay còn được gọi là họ Vương và họ Chảo, còn được gọi là họ Triệu. Trong đó, họ Min, họ Cáo là hai dòng họ lớn và có uy tín nhất.

"Người Cờ lao trắng có họ Vần, họ Hồ, họ Sềnh, họ Chảo là những dòng họ rất là đông ở nhóm này. Đấy cũng là những dòng họ di cư theo nhóm đầu tiên đến vùng Cờ lao ở Hà Giang. Còn người Cờ lao xanh thì chủ yếu là chỉ có 1 họ thôi. Đấy là họ Sáng. Nhóm Cờ lao xanh ít người cho nên hiện nay chỉ còn mỗi một nhóm dòng họ đấy là họ Sáng. Còn người Cờ lao đỏ ở Hoàng Su Phì đấy lại phổ biến các dòng họ như họ Min, họ Cáo, họ Sú, họ Chéng, họ Chảo".
Tuy nhiên, theo ông Trần Chí Nhân, Phó trưởng phòng văn hóa thông tin  huyện Hoàng Su Phì, hiện người Cờ lao không còn họ Hồ, họ Giàng nữa do tục đổi họ của cộng đồng này. Khi một người làm rể gia đình khác, họ của người đó sẽ phải đổi thành họ của gia đình anh ta làm rể. Và trong số các dòng họ của người Cờ lao thì họ Min, họ Cáo là hai dòng họ có tiếng nói cũng như uy tín lớn trong cộng đồng này.

"Trong tất cả các họ này, họ Min chiếm đa số. Người nào họ Min họ có tiếng nói khá quan trọng trong cộng đồng. Và ít nhất là họ Chảo. Trong đó, thì họ Min và họ Cáo là hai dòng họ lớn nhất và rất có uy tín trong vùng này. Trong các nghi thức đám ma, bao giờ cúng tế cho người chết đối với người Cờ lao của họ Min bao giờ cũng kéo dài hơn". - Ông Nhân cho hay.


Phụ nữ Cờ lao hái chè shan tuyết. Ảnh: danvan.vn

Cũng theo ông Nhân, nhận ra người Cờ lao không khó. Phụ nữ Cờ lao vấn tóc, đội khăn buộc theo nếp về phía sau. Họ mặc áo dài, xẻ tà và cài cúc bên nách phải. Áo may đến đầu gối, trang trí những khoảnh vải nhiều màu ở cổ tay, nẹp áo, phần cổ. Hầu hết phụ nữ các nhóm đều mặc như vậy, chỉ khác màu sắc ở một vài hoạt tiết.
"Trên các hoa văn, họa tiết của người Cờ lao đỏ ở Hoàng Su Phì đặc biệt là các miếng thổ cẩm ở trên hai cái yếm: yếm trước và yếm sau của người phụ nữ và trên cái viền cổ áo, viền nẹp áo, khuy áo thì thường họ màu đỏ. Sợi chỉ màu đỏ. Và đó là màu chủ đạo. Ngoài ra thì có một số sợi màu như trắng, xanh. Đối với một số cộng đồng người Cờ lao xanh ở bên mạn phía bắc của tỉnh Hà Giang thì trang phục chủ yếu nền vải màu xanh và các hoa văn, họa tiết của họ có thể nó gần tương tự như nhau về cấu trúc của bộ trang phục khuy áo, nẹp áo, cổ tay và váy, yếm, giống nhau. Nhưng cái màu trên bộ trang phục đó thì chủ yếu màu chủ đạo là màu xanh".
Phát hiện thú vị trong ngôn ngữ của người Cờ lao
Hiện nay, chỉ có người Cờ lao trắng là giữ được tiếng mẹ đẻ. Các nhóm khác hầu như không còn. Chỉ một số gia đình nhớ được một vài từ ngữ, các thuật ngữ và các tiếng chỉ đồ dùng cũng như sinh hoạt bằng tiếng Cờ Lao của mình. Còn lại, họ sử dụng tiếng Quan Hỏa.
"Trước đây, tất cả các cư dân sống ở Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh đều biết và đều sử dụng tiếng Quan Hỏa. Nhưng cho đến hiện nay, tiếng Quan Hỏa ở thế hệ thanh niên thì không còn được mấy người nói được tiếng Quan Hỏa nữa. Bây giờ người ta chuyển sang nói tiếng phổ thông".
PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho hay, đầu thế kỷ XX, các nhà nhân học, dân tộc học đã phát hiện ra một điều thú vị trong ngôn ngữ của người Cờ lao có những yếu tố của ngôn ngữ Chăm. Và ngược lại, khi nghiên cứu ngôn ngữ Chăm, các nhà ngôn ngữ học lại phát hiện nhóm ngôn ngữ này lại giống với những cư dân sống trên đảo Hải Nam, tức cư dân biển. Và đặc biệt, những cư dân sống ở đảo Hải Nam lại có những từ vựng cơ bản giống với người Cờ lao. 
"Câu trả lời cho đến hiện nay chưa có, nhưng có nhiều những giả thiết khác nhau. Có một số người giả định rằng, xưa kia, cư dân ở Nam Đảo tức là cư dân từ Indonesia, Malaisia do sự biến động của lục địa, do sự biến động của đất đai. Lúc đấy có thể Đông Nam Á hải đảo còn nối liền với Đông Nam Á lục địa còn chưa bị tách ra thành biển cho nên mối quan hệ giữa cư dân từ Malaisia, Indonesia, rồi đến Tây Nguyên của chúng ta rồi dần dần đi lên lục địa, rồi lên trên đảo Hải Nam. Thì đây có thể là một luồng di cư từ phương Nam đi lên và nó đã tạo ra những điểm giao lưu văn hóa và ngôn ngữ như vậy. Nhưng cũng có ý kiến khác, một giả định khác là không phải họ đi từ phía nam, mà có thể có một luồng di cư đi từ phía bắc đi xuống phía nam chăng? Thì hiện nay có những dấu hỏi như vậy. Nhưng chỉ biết một điều chắc chắn rằng, cả ba ngôn ngữ này có mối quan hệ với nhau rất là chặt chẽ, và nó có một mối quan hệ với cư dân Chăm". PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhận định.
Duy nhất nhóm Cờ lao ở Hoàng Su Phì có miếu thờ Hoàng Vần Thùng
Trong 3 nhóm địa phương người Cờ lao thì chỉ duy nhất nhóm Cờ lao sinh sống ở Hoàng Su Phì có cúng miếu thờ Hoàng Vần Thùng hay còn gọi là Hoàng Văn Đồng, Hoàng Dìn Thùng. Người Cờ lao đỏ nơi này tôn thờ ông là vị thần hoàng bảo hộ cuộc sống.
Lễ thức quan trọng nhất trong năm của người Cờ lao đỏ ở Hoàng Su Phì là lễ cúng miếu Hoàng Vần Thùng diễn ra vào ngày Thìn đầu tiên của tháng 7 âm lịch. Đối với người Cờ lao đỏ ở Hoàng Su Phì, ông là người có công khai sơn, lập địa, dạy cho người Cờ lao biết sống quần tụ thành làng, thành bản. Quần cư để cùng nhau đoàn kết, chống chọi thiên tai, địch họa. Họ có hẳn miếu thờ ông ở trên núi Tây Côn Lĩnh.
"Trong các miếu thờ của ông ở thôn Tả Chải nó vẫn còn 3 bàn thờ. Ban thờ này có bài vị viết tên tuổi, cũng như các công trạng của ông đấy viết bằng chữ Hán. Trong quá trình cúng cũng khá là lạ. Nó mang tính chất là hiến tế đồng thời nó mang tính cộng đồng rất cao". - Ông Nhân cho hay.
Trước ngày cúng tế thần hoàng, các gia đình người Cờ lao đều phải họp bàn, thống nhất lễ vật dâng cúng. Tùy từng điều kiện các gia chủ, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít thì góp ít, quan trọng là lòng thành. Cả làng sẽ góp tiền mua một con lợn thật to cùng 4 con gà ngon để dâng lên cho Hoàng Vần Thùng. 
Ngày tổ chức, đại diện các gia đình sẽ đi đến miếu thờ. Trước sự chủ trì của thầy cúng, các lễ vật được mang đến trước ban thờ. Thầy cúng khấn báo xin phép thành hoàng, các thế lực siêu nhiên cho phép làm lễ. Sau khi nhận được sự đồng ý, họ tiến hành mổ sống các con vật ngay tại miếu mà không được cắt tiết.

Sau đó, họ lấy bộ lòng của con vật đặt trên tấm lá chuối rừng và hiến tế. Cúng xong, họ tiếp tục mang 4 con gà và con lợn ấy đi làm lông và luộc chín rồi cúng lần thứ hai, rồi tổ chức ăn uống tại nơi cúng tế.

Lâm Thanh/VOV4




 
HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC