Nguồn gốc của người Xạ Phang
Thứ hai, 00:00, 20/02/2017

(VOV4) - Theo ông Đinh Hồng Vận, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân tộc, Ban Dân vận Trung ương, cho đến nay chưa có một nhà khoa học hay một công trình nào nghiên cứu riêng rẽ về tộc người Xạ Phang ở nước ta.





Người Xạ Phang là một tộc người di cư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Họ có cùng nguồn gốc với dân tộc Hoa và là một nhóm nhỏ trong cộng đồng dân tộc Hoa.


Về ngôn ngữ, trong cuốn sách “Người Xạ Phang ở Điện Biên” do Bảo tàng tỉnh Điện Biên biên soạn, thì họ nói ngôn ngữ thuộc nhóm Hoa - Hán.

 

Thiếu nữ người Xạ Phang. Ảnh: danviet.vn



Tại sao họ có tên gọi Xạ Phang? Ông Đinh Hồng Vận lý giải dựa trên những dữ liệu ngôn ngữ và địa lý: "Về cái tên Xạ Phang, bây giờ cũng chưa có tài liệu nào nghiên cứu, nhưng mà chúng tôi tìm hiểu người ta nói đây là dân tộc thiểu số ở bên Trung Quốc. Họ cũng không phải là một dân tộc của Trung Quốc mà chỉ là một nhóm tộc người ở Trung Quốc di cư sang Việt Nam. Cái chữ Xạ Phang là đọc chệch chữ Hạ Phương, tức là người ở vùng phía Nam, họ tự nhận là người Hạ phương từ Trung Quốc sang Việt Nam".


Việc ghép người Xạ Phang vào nhóm dân tộc Hoa, theo ông Vận, dựa trên những tiêu chí: "Chỉ thị 62 của Ban bí thư Trung ương Đảng, sau đó là chỉ thị 501 của Thủ tướng Chính phủ quy định: Người Hoa là những người gốc Hán ở Trung Quốc và những người dân tộc thiểu số ở Trung Quốc đã Hán hóa và con cháu của họ sinh ra, lớn lên ở Việt Nam, nhập quốc tịch Việt Nam, cho đến nay vẫn giữ được những đặc trưng dân tộc, chủ yếu là phong tục tập quán, ngôn ngữ và họ tự nhận là người Hoa. Người Xạ Phang từ Trung Quốc sang, cho đến nay chúng tôi tìm hiểu thì có nhiều nét văn hóa giống người Hoa ở vùng nông thôn, miền núi từ cách ăn mặc đến tổ chức cưới xin đến lễ tết".


Về chữ viết, dân tộc Xạ Phang sử dụng chữ Hán để viết các câu đối trang trí ở gian thờ vào dịp lễ tết. Trước đây, người Xạ Phang sử dụng chữ Hán rất phổ biến trong giao dịch, giao tiếp, văn tự. Tuy nhiên hiện nay, số người biết đọc, biết viết chữ Hán không nhiều.

 

Địa bàn cư trú của người Xạ Phang ở Việt Nam chủ yếu là các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó nhiều nhất ở tỉnh Điện Biên. Do sinh sống gần gũi với người Mông, người Thái nên văn hóa của họ cũng có những nét tương đồng.
            
Dân tộc Xạ Phang sinh sống rải rác ở các xã, huyện biên giới Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà. Đây cũng là địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số như Thái, Mông. Có lẽ do sinh sống lâu đời, gần gũi với người Thái và người Mông nên một số nét văn hóa của người Xạ Phang có sự tương đồng với hai tộc người này.

 

Đám cưới truyền thống của người Xạ Phang.  Ảnh: baomoi.com

 

Anh Lò Văn Hoàng, cán bộ Bảo tàng tỉnh Điện Biên, cho rằng: tên bản của người Xạ Phang, thường được đặt theo tiếng dân tộc Mông hoặc dân tộc Thái. Thí dụ bản Tà Hàng. Đây là một bản nằm bên con suối Nậm Hàng. “Tà” tức là bến, “Hàng”  là tên con suối. Bản  Tà Hàng có ý nghĩa là nơi nghỉ chân. Bản này được đặt tên theo tiếng dân tộc Thái. Hay như bản Đệ Tinh. Đệ là nước và Tinh là êm ả, nghĩa là dòng suối chảy êm ả, theo tiếng Mông.


Trước đây, người Xạ Phang thường du canh du cư. Điều đó cũng được thể hiện qua cách họ đặt tên bản của mình. "Người Xạ Phang, trong quá trình sinh sống thì cũng di chuyển từ nơi này đến nơi khác, nên tên bản cũng có nhiều sự thay đổi. Ví dụ như bản Huổi Lèng, “Huổi” tức là quay về, “Lèng” tức là rộng lớn, tức là trở lại vùng đất  rộng lớn. Trước đây người dân đã từng sinh sống ở Huổi Lèng này, thế nhưng họ đã di chuyển đến một nơi khác, nay thì quay lại bản Huổi Lèng".


Người Xạ Phang ở Điện Biên chủ yếu là làm nương rẫy, mỗi năm chỉ canh tác một vụ. Lúa thường được ưu tiên trồng ở những mảnh đất mới phát, thường ở cách xa nhà. Còn những mảnh đất gần nhà, canh tác lâu năm, bạc màu thì bà con thường để trồng ngô, sắn và đậu tương.


Trước kia, người Xạ Phang chỉ trồng lúa nương nhưng hiện nay đã cánh tác ruộng nước. Ngoài trồng trọt, người Xạ Phang chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm và cũng có nghề thủ công truyền thống. Tuy nhiên, nghề có phần kém phát triển hơn so với một số dân tộc khác như Thái, Mông. Đồng bào chủ yếu đan lát mây tre, làm nghề rèn hoặc tự sửa chữa nông cụ, đóng bàn ghế đơn giản.

 

 

 

Hoài Thu/VOV4 TH

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC