Then, dân ca nghi lễ của người Tày
Thứ năm, 00:00, 16/11/2017 Hải Huyền bt chương trình Hải Huyền bt chương trình
​VOV4.VN - Câu then của người Tày hiện đã được trình diễn trên sân khấu, phổ biến rộng rãi trong công chúng. Nhưng xưa kia, người Tày chỉ hát then trước ban thờ.

 

“Ngày trước người ta chỉ hát then trước bàn thờ”…

“Ngày xưa, then không được hát trên sân khấu như bây giờ. Then chỉ được hát ở trước bàn thờ, nơi linh thiêng nhất trong gia đình” – Nhà thơ Dương Thuấn, công tác tại Ban văn học dân tộc miền núi, người Tày sinh tại Bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn, cho biết. 

Hát then là một thể loại dân ca nghi lễ của người Tày, mang màu sắc tín ngưỡng, thuật lại cuộc hành trình lên thiên giới để cầu xin Ngọc Hoàng ban phước. Vì thế, khi hát then, nhất định người ta phải thắp hương.


Nghệ nhân Hà Ngọc Cao biểu diễn Then trong nghi lễ cúng vía của đồng bào dân tộc Tày, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: langvietonline.vn

Then có hàng trăm nội dung khác nhau. Người ta phải hát đúng 3 ngày, 3 đêm mới hết những chương đoạn của then. Điều này bắt nguồn từ nguồn gốc ra đời của then. Then được thần thánh hóa, do trời hoặc một vị thần nào đó giao phó cho người hành nghề hát then.

“Tôi phỏng vấn nhiều ông bà then, thậm chí những người then mới hiện nay 16 – 17 tuổi hoặc 20 – 30 tuổi, họ đều nói rằng nếu buộc họ phải chép toàn bộ lời then họ hát ra giấy thì họ đều không làm được. Họ chỉ thuộc khi thắp hương lên, khi họ kết giao với một bộ phận nào đấy thì lúc đấy họ mới thuộc. Lúc đấy họ mới có thể hát 3 ngày, 3 đêm” – ông Dương Thuấn nói.

“Những người có “căn” then mới biết hát”…

Ngày xưa, không phải ai cũng biết hát then. Chỉ một số gia đình, dòng dõi làm then hoặc người có “căn” then mới biết hát. Khi hát, dứt khoát phải có chùm xóc nhạc, cây đàn tính. 

Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian, cây đàn tính không chỉ là nhạc cụ thiêng của người hành nghề, nó còn là một biểu tượng mang tính âm dương. “Cái cần đàn biểu tượng cho tính dương, bầu đàn là tính âm. Đó là tín ngưỡng phồn thực. Then liên quan đến các tín ngưỡng cổ xưa và nó đã được cụ thể hóa” – TS Yên nói.

Tín ngưỡng vạn vật hữu linh thể hiện trong then

Đặc biệt, hình ảnh quả trứng được bày trong mâm lễ cúng khi làm then đã thể hiện tín ngưỡng cổ xưa của người Tày. Quả trứng trở thành một vật có linh hồn gọi là nàng trứng. Những người có “căn” làm then ngày xưa được gọi là các bà tiên, là một dạng tiền của then. Họ có thể cầm những quả trứng trong tay để đi làm lễ.

Hiện nay vẫn còn tục làm then trong mâm cúng có một quả trứng để thu nhập “hồn vía”.

Liên quan đến quan niệm vạn vật hữu linh còn có hình ảnh con chim én. Người Tày quan niệm, chim én là một con vật thanh sạch và họ coi ông bà then là những người có khả năng liên hệ giữa cõi trần và cõi dương, những ông then bà then được ví như con én đưa tin. 

Trong lễ then, bao giờ người ta cũng đặt con én cắt bằng giấy trên bát hương cúng. Nó sẽ thay mặt cho thầy then đi giao tiếp với thần linh trên trời. Và những biểu tượng trên mâm cúng cũng đều mang ý nghĩa phồn thực.

“Nó thể hiện qua cây đàn tính, qua các văn bản, lời cúng, đặc biệt trong các nghi lễ cấp sắc của các ông thày then bao giờ cũng có quan niệm: ông thầy then khi đã đi hành nghề rồi phải kết duyên với một vị thần linh, có một người vợ âm. Khi hành nghề bao giờ cũng phải tưởng về tín ngưỡng phồn thực là thờ sinh thực khí của nam, nữ. Họ hình dung 2 bát hương trên bàn thờ của họ là bộ ngực người vợ của họ. Và trong quá trình hành lễ thì họ tưởng về quan hệ vợ chồng. Đấy là tín ngưỡng phồn thực, một tín ngưỡng rất cổ xưa của cư dân nông nghiệp. Đến bây giờ nó đã phôi phai đi rồi” - TS Nguyễn Thị Yên cho hay.

 

 

Đỗ Quyên/VOV4

Hải Huyền bt chương trình

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC