VOV4.VN – Những hạn chế về cơ sở hạ tầng đã khiến cho việc nghe đài của bà con ở huyện Si Ma Cai, Lào Cai, gặp nhiều khó khăn.
Người bạn đồng hành tin cậy
Sín Chéng là một trong những xã khó khăn của huyện vùng cao biên giới Si Ma Cai. Nơi đây, những năm qua, phát thanh đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết của bà con dân tộc thiểu số.
Đồng bào Mông thôn Sản Chúng đang trả lời phiếu khảo sát tình hình nghe đài do Hệ VOV4 thực hiện
Ông Giàng Sình Củi, người Mông, ở thôn Sản Chúng, xã Sín Chéng, từ lâu đã có thói quen nghe đài. Cứ tầm 6 giờ sáng, 12 giờ trưa hay 17 giờ chiều, khi loa truyền thanh của xã cất tiếng thì dù bận công việc gì ông cũng dành thời gian nghe.
Không nghe được qua loa truyền thanh của thôn thì chiếc điện thoại di động là công cụ hữu ích để ông tiếp nhận thông tin trên làn sóng phát thanh của xã, của huyện và của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ông bảo, có nghe đài, cái đầu mình sáng lắm, biết được nhiều kiến thức mới có thể áp dụng trong cuộc sống. Năm ngoái, khi nghe chương trình nông nghiệp về kỹ thuật chăn nuôi lợn, ông đã áp dụng đầu tư mô hình. Cuối năm, gia đình ông Củi thu lời khá lớn.
“Tôi thường xem mạng internet, nghe đài. Có nhiều cái hay, ví dụ như tuyên truyền về pháp luật. Nó rất hay, giúp tôi hiểu biết. Tôi thường nghe kênh về nông nghiệp, tại vì tôi là người nông dân nên tôi thích cái này. Năm ngoái tôi nuôi hơn 10 con, bán được 80 triệu, mình có 40 triệu. Ở đây có chương trình của đài huyện Si Ma cai, đài tỉnh, đài Trung ương cũng có. Nội dung thường về chăn nuôi, sản xuất, phòng chống rét đậm, rét hại, bảo vệ môi trường... Giúp ích cho bà con rất nhiều” - ông Củi nói.
Không có đài, anh Sùng A Chá, ở thôn Sản Chúng, làm bạn với làn sóng phát thanh qua chiếc di động nhỏ của mình. Những kiến thức về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, hay kỹ thuật nông nghiệp phát sóng trên đài có sức hút rất lớn đối với anh:
“Mình rất muốn nghe đài tỉnh, đài trung ương nhưng mình không có đài. Mình hay nghe nhiều trên đài của di động thôi. Ở nhà trưởng bản, lúc nào ủy ban phát mình cũng nghe được. Mình rất muốn chương trình nhiều thông tin về chăm sóc sức khỏe, sản xuất, kỹ thuật chăn nuôi trong gia đình. Mình nghe để mình thu thập kỹ thuật chăn nuôi để sản xuất gia đình tốt hơn. Nghe đài, biết được kế hoạch hóa gia đình, không nên sinh con nhiều để cho vợ chồng khổ. Mình sinh được 2 đứa rồi, mình không muốn sinh nữa”.
Ông Sùng Lù Pao, Chủ tịch UBND xã Sín Chéng, cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bà con, xã đã trang bị thiết bị nghe đài cho các thôn, bản. 9/9 thôn, bản của xã đều có cụm loa phát thanh, tiếp sóng đài của huyện, của tỉnh và trung ương.
Để Đài nối dài cánh sóng đến với đồng bào thiểu số
Với bà con dân tộc thiểu số ở Si Ma Cai, nhu cầu tiếp nhận thông tin trên làn sóng phát thanh rất lớn. Tuy nhiên, do những hạn chế về địa hình, về cơ sở vật chất tại địa phương khi tiếp sóng đài của huyện, của tỉnh, đài Tiếng nói Việt Nam, khiến cho việc tiếp nhận thông tin trên làn sóng phát thanh của bà con nơi đây gặp nhiều cản trở.
Ông Sùng Lù Pao, Chủ tịch UBND xã Sín Chéng, cho hay, phần lớn các hộ đều làm nông nghiệp nên những thông tin liên quan đến sản xuất, chăn nuôi được bà con rất quan tâm. Ông kiến nghị Đài phát thanh của xã, của huyện cũng như của Trung ương nên tăng thời lượng phát sóng nội dung này.
Là địa phương có đông đồng bào Mông sinh sống, số lượng người biết tiếng phổ thông cũng khá nh, ông Lù Sính Pao mong muốn có thêm nhiều chương trình tiếng dân tộc để phục vụ bà con nơi đây.
Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) Lào Cai đã xây dựng, phát sóng nhiều chương trình tiếng phổ thông và các chương trình tiếng dân tộc thông qua hình thức thu phát sóng trực tiếp hoặc gửi băng xuống cơ sở.
Ngoài chương trình tiếp phát sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH Lào Cai đã xây dựng 3 chương trình tiếng phổ thông, 3 chương trình tiếng dân tộc Mông, Dao, Giáy (thời lượng 30 phút/chương trình), để phát từ 2-4 lần vào các thời điểm sáng, trưa, chiều, tối mỗi ngày trên hệ thống máy phát thanh FM 5KW.
Đối với 7 huyện vùng cao, vùng lõm, không tiếp nhận được sóng của Đài thì được chuyển băng chương trình về các đài huyện để phát.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưởng, Chủ tịch UBND xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai, do địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp, việc bắt sóng Đài tiếng nói Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn. Có thời điểm sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam bị sóng Trung Quốc lấn át. Vì vậy, cũng có thời gian địa phương không sử dụng đài.
Để khắc phục tình trạng này hiện tại, xã đã phải sử dụng cả hệ thống truyền thanh không dây và lắp đặt chảo vệ tinh để vừa tiếp sóng Đài TNVN, vừa tiếp sóng đài truyền thanh của huyện, của tỉnh. Anh Giàng Seo Giơ, cán bộ văn hóa xã, phụ trách đài truyền thanh xã Sán Chải, cho hay, xã có 11 cụm loa không dây, trong đó 5 cụm lắp chảo vệ tinh, 6 cụm còn lại bắt sóng trực tiếp từ trạm của xã, của huyện.
“Tuy nhiên, trong giờ phát sóng, chỉ có 2 cụm, tức cụm tại ủy ban và cụm tại khu gần đài của huyện là bắt được sóng của xã thôi. Theo chương trình đưa thông tin về cơ sở thì mỗi năm mỗi cụm loa có 2 triệu kinh phí để sửa chữa. Cứ cụm nào bắt sóng Trung Quốc là cơ sở chúng tôi chủ động lắp chảo vệ tinh để nó át sóng Trung Quốc đi thì mình bắt được sóng của Đài TNVN”.
Máy phát công suất thấp cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến việc tiếp sóng đài TNVN, đài tỉnh bị hạn chế. Vì vậy, ông Nguyễn Hữu Hưởng đề xuất việc đầu tư máy phát công suất lớn là việc cần thiết để Đài nối dài cánh sóng với đồng bào thiểu số.
Lâm Thanh/VOV4
Viết bình luận