Học song ngữ, học sinh dân tộc thiểu số thích đến trường
Thứ năm, 00:00, 19/01/2017

(VOV) - Việc thí điểm giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại một số trường học sinh dân tộc thiểu số trong mấy năm qua cho thấy chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt. Học sinh tiếp thu nhanh kiến thức, mạnh dạn và tự tin hơn, hứng khởi khi đến trường.

 

Khảo sát hơn 1.000 học sinh từ mầm non đến tiểu học của 3 dân tộc Mông, Gia rai và Khmer ở 3 tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết việc triển khai chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt-tiếng dân tộc thiểu số) đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa.

 

Các em đạt được tiến bộ không chỉ ở những môn khoa học tự nhiên mà cả ở những môn khoa học xã hội, nhất là môn Tiếng Việt. Tỷ lệ xếp loại khá, giỏi của học sinh học song ngữ cao hơn hẳn so với học sinh không học.

 

Học sinh học song ngữ có kết quả học tập cao hơn hẳn so với học sinh không học. Ảnh: baomoi.com


Vàng Thị Liên, dân tộc Mông, học sinh Trường Tiểu học Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cho biết: “Từ lớp 1 đến lớp 5 em đều đạt học sinh giỏi. Mặc dù năm nay em đã lên cấp hai, không còn được học song ngữ nữa, nhưng những kiến thức ở tiểu học đã giúp ích cho em rất nhiều. Những bài Toán khó, không thể giải được, em có thể hỏi han các bạn  bằng ngôn ngữ của mình”.


Tiếng mẹ đẻ là ngôn ngữ thứ nhất, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai. Việc sử dụng hai ngôn ngữ linh hoạt, tiếng mẹ đẻ hỗ trợ cho tiếng Việt trong quá trình dạy học giúp học sinh hiểu được các khái niệm, thuật ngữ khó trong bài. Thời lượng sử dụng mỗi ngôn ngữ cũng thay đổi theo từng khối lớp. 

 

Đến lớp 3, khi năng lực đọc hiểu tiếng Việt đã được nâng cao, học sinh có thể diễn đạt suy nghĩ của mình bằng 2 ngôn ngữ. Sự tác động tự nhiên giữa 2 ngôn ngữ giúp cho các em tiếp thu được kiến thức và tiếp tục học lên cao với kết quả cao.

 

Ông Nguyễn Trọng Ngoạn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học IaPhí, huyện ChưPah, Gia Lai, cho biết: “Chúng tôi đánh giá điểm từ 5 trở lên là 100%, học sinh đạt điểm từ 7 trở lên gần 70% và 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. Tất cả những em khi được xét vào trường phổ thông dân tộc nội trú hầu như đều ở những lớp song ngữ này”.


Theo các giáo viên, việc triển khai dạy học song ngữ tạo môi trường sư phạm thân thiện, cởi mở. Nếu chưa hiểu bài hoặc còn e ngại tham gia hoạt động tập thể thì các em có thể diễn đạt được suy nghĩ củng mình bằng tiếng mẹ đẻ với thầy cô giáo.


Ông Hà Đức Đà,- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục dân tộc, cho biết: “Kết quả các bài kiểm tra đối tượng học sinh song ngữ khi tiếp lên các lớp học cao hơn có điểm khá giỏi cao hơn. Vấn đề mà các tỉnh vùng dân tộc miền núi luôn gặp khó khăn về tỷ lệ chuyển cấp từ tiểu học lên THCS, từ THCS lên THPT thì tỷ lệ chuyển cấp của học sinh song ngữ luôn đạt 100%. Tỷ lệ chuyên cần rất cao và lưu ban, bỏ học hầu như không có. Học sinh song ngữ hòa nhập với cấp học mới một cách tự tin và năng động”.


Thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục biên soạn và phổ biến tài liệu thử nghiệm chương trình nâng cao thực hành giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số. Từ đó, sẽ tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên được tiếp cận và thực hiện phương pháp giáo dục mới, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em dân tộc thiểu số.

 

Các địa phương cũng sẽ được cung cấp thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, học liệu phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp cho tất cả các trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn.

 


Thu Hiền/VOV-Trung tâm Tin

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC