Nghệ nhân dân gian cần được dành cho một vị thế xứng đáng
Thứ ba, 00:00, 06/12/2016

(VOV4) - Vai trò của các nghệ nhân - những người truyền nghề là vô cùng quan trọng, bởi họ là người trực tiếp sáng tạo, lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, không phải ở đâu nghệ nhân cũng được dành cho một vị trí xứng đáng.





 

Tại Ngày hội văn hóa Mông toàn quốc lần thứ 2 (Hà Giang) vừa qua, không ít nghệ nhân bày tỏ sự tiếc nuối khi những nét đặc trưng văn hóa của của địa phương mình không được chính những chủ thể văn hóa thể hiện. Phần lớn các tiết mục văn nghệ dân gian trên sân khấu đêm khai mạc và bế mạc đều do các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, trong khi đó các đoàn đều mời rất nhiều nghệ nhân tham gia Ngày hội.

 

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Thanh Hóa, cho biết: tỉnh có đoàn nghệ nhân đông đảo, đại diện cho 15.000 người Mông sống ở 46 bản, chuẩn bị rất công phu, với tinh thần nhiệt tình. Nhưng thật tiếc, vị trí dành cho họ quá ít:

 

"Khi chúng tôi có kế hoạch đưa về thì cũng không có gì khó khăn cả, nghệ nhân tham gia ngày hội đông đảo, mình được lựa chọn đầu tư tập luyện. Sống theo chòm theo bản, nên văn hóa của họ phát triển lắm. Tôi nghĩ bất kỳ ngày hội của dân tộc nào cũng nên tổ chức cho những người tham gia, nhất là các nghệ nhân, cảm thấy được giao lưu nhiều hơn".

 

Tại Ngày hội văn hóa Mông ở Hà Giang, phần lớn tiết mục đều do các nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn. Ảnh: baomoi.com

 

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Thái Nguyên, đề nghị: "Đây là hoạt động văn hóa của dân tộc Mông, nên mình nghĩ tất cả các hoạt động phải là người Mông thì mới cho họ phát huy, gìn giữ bản sắc dân tộc thực sự. Được trình diễn, được trao đổi giữa các ngành Mông, nhánh Mông thì người ta sẽ gìn giữ tốt hơn".

 

Luật Di sản văn hóa đã quy định: "Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ và có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…".

 

Đối với đội ngũ nghệ nhân thực hành trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thì cần có những chính sách vừa cụ thể, vừa tổng thể, theo giai đoạn, quy trình, xuyên suốt và có tính lâu dài. Trước hết là chính sách cho nghệ nhân đảm bảo cuộc sống. Chính sách này thể hiện bằng các nội dung cụ thể như: trợ cấp sinh hoạt, cấp thẻ bảo hiểm, hỗ trợ chăm sóc y tế,…

 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Nghị định về chính sách đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó đưa ra mức trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, bảo hiểm y tế cho những nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể có hoàn cảnh khó khăn.

 

Ông Trần Quốc Oanh, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Du lịch tỉnh Bắc Kạn, cho biết: "Tỉnh Bắc Kạn có những giải pháp rất cụ thể, một là tuyên truyền vận động để nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tự hào về vốn văn hóa rất riêng của mình; hai là thành lập các CLB khèn Mông, đàn môi để gìn giữ bản sắc; ba là để các nghệ nhân truyền dạy cho các thế hệ trẻ phát huy tốt đẹp hơn truyền thống văn hóa dân tộc mình. Trên con đường gìn giữ bản sắc, chúng tôi không bao giờ để các nghệ nhân đơn độc mà đề xuất lên UBND tỉnh có những chính sách cụ thể".

 

Việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cũng được coi là sự ghi nhận xứng đáng dành cho các nghệ nhân đã có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc, trước nguy cơ ngày càng mai một. Hoạt động này đã được nhiều địa phương triển khai.

 

Ngoài ra, cần tạo điều kiện, môi trường diễn xướng để nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể mà mình đang nắm giữ, giúp họ sử dụng, phát huy hiệu quả các tri thức bản địa nhằm duy trì, sáng tạo văn hóa, góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. 

 

Các nghệ nhân dân gian là hạt nhân đại diện tinh túy nhất của mỗi dân tộc trong việc bảo tồn những nét đẹp văn hóa.

 

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC