Quảng Ngãi thúc đẩy khởi nghiệp từ chương trình mục tiêu
Thứ tư, 08:37, 02/08/2023 Hoàng Minh/VOV4 Hoàng Minh/VOV4
VOV4.VOV.VN - “Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” là một trong những nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ nguồn lực của Chương trình, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để tổ chức, cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.

    Xác định khởi nghiệp trở thành động lực phát triển

Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, nhất là trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nội dung này được cụ thể hóa tại Tiểu dự án 3, Dự án 3 về Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tỉnh Quảng Ngãi có 5 huyện miền núi, tập trung đông đảo bà con người đồng bào dân tộc thiểu số với rất nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, dược liệu và du lịch. Làm cách nào để phát huy những tiềm năng, lợi thế đó, là trăn trở của các cấp chính quyền và đồng bào trong tỉnh. Ông Võ Phiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Để tận dụng được các tài nguyên thiên nhiên, con người, văn hóa bản địa thì khơi dậy khát vọng ước mơ khởi nghiệp, là một trong những việc cần làm và phải làm để chúng ta tận dụng được hết lợi thế, tiềm năng đó, biến lợi thế tiềm năng đó thành cơ hội, thành sự phát triển, thành miếng cơm manh áo và để phục vụ cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tươi đẹp hơn."

Trong thời gian qua, khu vực miền núi Quảng Ngãi cũng đã xuất hiện những mô hình khởi nghiệp được đánh giá là thành công bước đầu, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, nhìn chung, khởi nghiệp là con đường đầy khó khăn thách thức, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, nơi điều kiện không mấy thuận lợi. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Quảng Ngãi vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn khoảng cách so với các địa phương khác trong cả nước, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Nhiều thanh niên dân tộc ở Quảng Ngãi có những ý tưởng hay, nhưng vẫn chưa biến thành hiện thực. Những đề tài, dự án vẫn còn đang dang dở và nhiều sản phẩm vẫn chưa được thương mại hóa. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đem đến nguồn lực quan trọng, góp phần hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp, khơi dậy và thúc đẩy đam mê khởi nghiệp, đưa phong trào khởi nghiệp đến sâu, rộng trong giới trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

 Nhiều giải pháp tiếp sức thanh niên khởi nghiệp

Cụ thể, các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ; Chi phí hợp đồng đặt hàng các cơ sở nghiên cứu thử nghiệm, phát triển sản phẩm, dịch vụ; Chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương thương sản phẩm, cùng nhiều hình thức hỗ trợ khác. Cuối năm ngoái, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Kế hoạch số 182 về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tháng 4 năm nay, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thành lập Câu lạc bộ thanh niên Khởi nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Đây là nơi thu hút, tập hợp thanh niên, tạo điều kiện giúp đoàn viên, thanh niên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát huy sức trẻ, sự sáng tạo trong phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau có những mô hình khởi nghiệp thành công. Ông Trần Văn Mẫn, Trưởng Ban Dân Tộc tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Câu lạc bộ khởi nghiệp miền núi cũng là một cách làm mới và cũng là sáng kiến để tạo thành tổ chức được hỗ trợ. Chúng tôi thấy rất cần thiết phải có tổ chức này để tập hợp lực lượng anh em thanh niên trẻ. Những người khát khao khởi nghiệp được kinh doanh. Chúng tôi sẽ hỗ trợ thông qua tổ chức này để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cấp  và mở rộng lực lượng này. Lúc đó là sẽ có rất nhiều chương trình có thể hỗ trợ để cho môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa phương sẽ tốt lên. Hệ sinh thái khởi nghiệp kinh doanh ở địa phương sẽ tốt lên."

Hoàng Minh/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC