Nhà dài như tàu lửa
Tại mỗi làng, người Ca dong cư ngụ tập trung trong những nếp nhà dài. Những gia đình lớn, nhỏ cùng cư trú trong một nếp nhà cụ thể. Mỗi khi có thành viên đến tuổi dựng vợ, gả chồng, họ nối thêm một bếp dành cho đôi vợ chồng mới cưới ra ở riêng.
Nhà dài của người Ca dong làm bằng tre, nứa chắc chắn. Sàn nhà cách mặt đất chừng 1m – 1,5m. Theo ông Nguyễn Thanh Phương người Ca dong ở thôn 2, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, trước đây, nhà dài của người Ca dong có khi hơn chục bếp.
Người Ca Dong ở huyện Bắc Trà My. Ảnh: bienphong.com.vn
“Có nhà là cả chục bếp luôn. Chưa nói như Cà Dong ở Trà Don, một nhà là cả làng luôn. Hồi đấy là một nóc nhà ở nguyên một cái làng dài y như tàu đó. Cứ là mỗi hộ một bếp. Ở Trà Mai là không ở tập thể như một số nơi khác. Chỉ cao nhất là 5 – 7 bếp thôi. Là dài nhất, còn ít là 3 bếp – 2 bếp. Nếu cả làng mà tách riêng là 15 – 30 chục hộ đó. Nương rẫy họ đi làm chung hết. Làm kho, rồi thu hoạch chung rồi chia ra.”. – Ông Phương nói.
Nhà dài được phân khu riêng biệt. Vị trí đầu tiên là dành cho chủ nóc, tức là chủ nhà dài, sau đó mới đến các thành viên khác. Phía trước mỗi bếp có một hành lang làm lối đi chung. Và ở không gian nơi đầu hồi, giữa nhà dài đều có các cầu thang đi lên thuận tiện cho việc đón tiếp khách của mỗi bếp. Chủ bếp là đàn ông. Còn chủ nhà dài là người đàn ông cao tuổi nhất. Ông tham gia vào hội đồng già làng với tư cách là người đại diện cho gia đình, có trách nhiệm điều khiển các thành viên trong gia đình tham gia sản xuất, thực hiện nhiệm vụ của làng… là biểu tượng cho sự gắn kết, đồng lòng của mỗi nóc.
Khi lập một ngôi làng mới, ngoài việc lựa chọn đất gần nguồn nước, thuận tiện cho sản xuất, sinh hoạt của các thành viên thì họ phải mời thầy cúng đến thực hiện các nghi lễ liên quan đến tâm linh. Mục đích là xin phép các vị thần đất, các vị thần thiên nhiên đồng ý cho dựng làng.
Bằng việc đặt những hạt gạo vào trong chiếc chén tại nơi đất được chọn rồi úp lại kín kẽ, hôm sau nếu hạt gạo còn nguyên, chứng tỏ thần linh đã chấp nhận lời thỉnh cầu của dân làng. Ngược lại, họ phải đi tìm nơi ở mới để tránh những điều không may mắn. Đó là quan niệm của người Ca dong.
Nơi linh thiêng của mỗi nếp nhà dài
Nhà sàn của đồng bào Ca Dong ở huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi. Ảnh: baoquangngai.vn
Nhà dài không chỉ là đơn vị cư trú của người Ca dong, nó còn là biểu trưng cho tiềm lực kinh tế, tài nghệ của các thành viên trong làng. Làng lớn mạnh, giàu có sẽ có những nét vẽ, điêu khắc, nơi cột chính, trên các kèo lớn của ngôi nhà. Dù được trạm, trổ công phu, nhưng những họa tiết đó đều rất gần gũi với cuộc sống thường ngày, với thiên nhiên cây cỏ, với những gì mà người Ca dong gắn bó.
Ông Phương cho hay, họ khắc trên cột, kèo chính những con chim, con sóc, rồi con ếch, con nhái…“Khắc ra đẹp lắm. Vì cuối năm về là cúng, như trường hợp tổ chức trâu huê là phải có đầy đủ hết. Các loại chim rừng, rồi cá, ếch, nhái,… tất tần tật là phải có hết để làm. Gia đình mà giàu có trong đó trong đó có chóe, thanh la, không thiếu một cái gì cả. Trưng bày luôn ở trong nhà đó. Người Ca dong gia đình giàu sang họ làm nhà rất công phu, nhà rộng, to. Đến năm mà họ trúng, họ ăn trâu huê là họ làm rất lớn”.
Không chỉ có vậy, những nếp nhà dài giàu có còn trưng bày những thứ đồ quý giá như chiêng, chóe, thanh la. Nhưng những thứ đồ giá trị, quý hiếm ấy chỉ đến dịp lễ hội, ăn trâu huê họ mới đem ra sử dụng. Còn những ngày bình thường họ cất rất kỹ tận trong rừng sâu, nơi mà chỉ có người chủ nóc mới biết.
Ông Phương bảo, chỉ có dịp có lễ hội người làng mới được chiêm ngưỡng những đồ vật quý ấy. Bởi chúng được gia chủ đem vào tận rừng sâu cất giữ. “Không để ở trong nhà, sợ là hỏa hoạn, rủi ro bị chi là hắn tiêu hết. Chôn cất là chỉ có người thân nhất tức là anh chủ và anh mô thân nhất, con trai đầu hay là ai ở trong đó để biết đi làm, tới đó khắc giấu. Sợ là tình trạng ăn trộm, ăn cắp. Tất cả những gì có giá trị cao là họ đem đi hết. Không để ở nhà. Mấy ông nhà giàu còn sống là họ chôn cất, giấu không cho ai biết. Khi mà ông mất, cả nhà tìm là không biết chỗ mô. Trong nhà chỉ một người biết. Anh có trách nhiệm, rồi sau này ông cụ ra đi ông phải gửi gắm chi của của cha của mẹ để lại cho con cái”.
Trong mỗi nếp nhà dài, nơi linh thiêng nhất đó chính là buồng cúng. Họ dành riêng cho vợ chồng ông chủ nóc được phép vào trong đó làm thực hành các nghi lễ cúng bái. Buồng cúng này thường đặt ở vị trí đầu hồi ngôi nhà, nơi gần với khu vực ở của vợ chồng chủ nóc. Đàn bà, con gái tuyệt đối không được bén mảng đến.
Dù ngày nay, người Ca dong không còn ở trong những nếp nhà dài nữa, nhưng những phép tắc do ông bà để lại con cháu vẫn giữ gìn và truyền đời. Nhà gạch được dựng lên, nhưng những người ôm niềm nhớ về những giá trị truyền thống như ông Nguyễn Thanh Phương vẫn giữ lại một khu đất cạnh ngôi nhà gạch khang trang để dựng nhà sàn, vách tre, nứa. Ông và gia đình sinh hoạt song song cả hai không gian này. Ông bảo, đó là cách để con cháu mình biết được truyền thống của người Ca dong.
Thu Cúc/VOV4
Viết bình luận