Người Ca dong và tinh thần cộng đồng
Thứ hai, 15:20, 13/06/2022 HH BTCT HH BTCT
VOV4.VN - Dưới chân núi Ngọc Linh, hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My là vùng đất sinh sống lâu đời của người Ca dong. Làng là đơn vị xã hội truyền thống duy nhất của đồng bào Ca dong.

Tình làng người Ca dong
Làng gồm nhiều nóc, có phạm vi đất đai riêng, ranh giới quy ước theo con suối, dòng sông, đỉnh núi. Tên làng sẽ đặt theo tên địa hình hoặc người đứng đầu làng. Điều đặc biệt là ở đó tình làng luôn gắn bó, đoàn kết, cố kết cộng đồng.
Ông Nguyễn Thanh Phương, người Ca dong thôn 2, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam nhớ về những ngày xưa cũ khi cả làng vui lễ ăn trâu huê. Nhà có điều kiện sẽ đãi cả làng nào rượu, nào gà, heo, trâu 7 ngày 7 đêm.

“Bà con gần xa là mời tập trung về hết. Họ đãi cả làng, cả xóm, cả xã luôn. 30 – 40 ché rượu bày ra mời tất. Ăn xong xuôi gia đình không còn một cái gì cả. Nhưng vì tinh thần đoàn kết nên nó vui vẻ, ăn uống hát hò, chiêng trống cả đêm”. – Ông Phương nói. 

Người Ca dong ở huyện Bắc Trà My. Ảnh: bienphong.com.vn

Đâu chỉ có vậy, nhà có nào có công, có việc người dân trong làng đều chung tay giúp đỡ. Làm nhà, làm rẫy, trỉa lúa, ma chay, cưới xin... hay bất cứ công việc gì cần giúp đỡ mỗi người trong làng đều một chân một tay phụ giúp. Cái tình làng gắn kết từ nếp sinh hoạt trong mái nhà dài cả chục nóc.
Đám hiếu thì không cần ai bảo ai, chỉ nghe tin nhà này có người mất, lập tức mọi người sẽ dừng hết công việc đến động viên, chia sẻ. Người gùi gạo, người mang con gà, bó rau… đem đến cùng gia đình lo liệu việc tang. Tình nghĩa của người Ca dong cứ lớn dần từ những điều nhỏ nhặt như thế.
Ông Phương bảo:“Cái này là tình cảm. Bà con họ tới buồn với gia đình. Đông vui, nấu nướng làm tất cả những gì có trong nhà để mà lo. Mục đích là động viên tinh thần vợ người cha, người chồng, người con, người cha hay thế nào đấy, động viên an ủi kịp thời cho bà con. Rất là tình cảm. Làm, khi mà về dù có đói, có rách chia sẻ cùng nhau để mà tập trung vô rất là tình cảm”. 
Cổng làng treo lá xanh không được xâm phạm
Làng người Ca dong ẩn sâu trong những dãy núi cao, giữa đại ngàn bao la hùng vĩ. Thiên nhiên ấy, càng khiến con người thêm xích lại gần nhau. Xưa, để tránh muông thú, giặc dã… người Ca dong khi có làng mới, cổng làng sẽ được dựng lên. Họ đặt cả giáo, mác, làm hình nhân… đặt tại đây để canh giữ sự bình yên cho dân làng. 
Theo ông Phương, một khi cổng làng đã treo lá xanh là không được xâm phạm. “Cái làng mà họ treo hai lá xanh ngay đường, cắm bên kia một cây, bên đây một cây với một cái dây họ bắc qua, treo mấy cái lá, cảnh báo trong làng có người chết xấu, hay gì đó là họ không vô. Họ đề phòng họ không vô”.
Cổng làng kiên cố bất khả xâm hại, che chở cho dân làng Ca dong. Ở nơi ấy, người Ca dong cũng đặt nhiều tín hiệu mỗi khi làng có việc. Khách đường xa đến hay người làng bên qua nhìn thấy cũng biết mà kiêng cữ. 
“Tức là ý họ sợ mang những cái gì cái xấu đó cho nơi khác. Nếu anh không biết, vào làng anh phải ở đến cuối cùng. Khi nào cúng xong họ mới cho về. Phải một tuần trở lên. Nhưng trước khi anh về làng của anh, anh phải kiếm một con chó để cúng đưa anh về làng. Nếu phát hiện ra lá xanh là họ không vô. Nếu cố tình bước vào sẽ bị phạt. Lớn nhất là con trâu”.
Cúng lúa mới – nghi lễ cộng đồng
Cuộc sống gắn với núi rừng, nương rẫy tự cung tự cấp, điều kiện canh tác lại khó khăn nên người Ca dong đã hình thành nên những niềm tin tín  ngưỡng nông nghiệp. Từ đó mà lễ cúng lúa mới ra đời. 
Ông Nguyễn Thanh Phương, người Ca dong thôn 2, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My cho biết, nghi lễ không chỉ là tổng kết vụ mùa mà còn là lòng biết ơn của dân làng dâng lên thần linh đã  ban mùa no ấm.
Tháng 9, tháng 10 làng vào vụ thu hoạch, cũng là lúc có lễ cúng lúa mới. Tết cơm mới, nhà nào cũng tổ chức nấu rượu, kiếm rau rừng, đặt bẫy thú… làm lễ. Đây là nghi lễ của cộng đồng nên làng hôm ấy hội họp đông vui. Họ phải đợi cả làng gặt xong mới tổ chức cúng mừng lúa mới. Làng người Ca dong có quy ước: Nếu năm ấy tổng kết vụ mùa, gia đình nào thu hoạch được nhiều cỡ trên 100 gùi lúa, gia đình ấy phải mổ heo mời làng.
“Nhà nào khá, được 100 – 300 gùi lúa họ tổ chức ăn heo. Ít nhất nó phải 7 ngày. Anh mô đạt 100 gùi trở lên, số lượng thu hoạch nhiều anh mới được làm. Còn anh dưới 90 là không. Không bắt buộc”. Ông Phương cho hay.
Ngày đi tuốt lúa mới, bà vợ già làng sẽ lên rẫy cùng với trầu cau, theo sau là con cháu trong gia đình và mọi người trong làng. Bà sẽ chọn bông đẹp nhất, mẩy nhất. Cùng với đó, bà khấn tạ thần linh cho lúa thu hoạch nhiều, cầu mong không có chim, chuột phá để kho lúa của bà con năm tiếp theo lại đầy. Sau khi khấn lễ tại ruộng bà sẽ hái bông lúa đẹp này gói cẩn thận vào trong lá mang về kho lúa. Khi bà mang lúa về kho nhà cũng là lúc mọi bắt đầu gặt hết đám lúa mới trên rẫy mang về nhà. Chờ ngày cả làng thu hoạch xong sẽ làm lễ cúng lúa mới. 
Cúng lúa mới là ngày vui của cả làng hết nhà nọ đến nhà kia họ mời nhau ăn bát cơm mới, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để năm tới vụ mùa lại bội thu.

Thu Cúc/VOV4

HH BTCT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC