Người Nùng Dín – Cư dân sống vùng thung lũng
Thứ ba, 14:36, 30/05/2023 Đỗ Quyên/VOV4 Đỗ Quyên/VOV4
VOV4.VOV.VN - Ở nước ta, người Nùng Dín là một nhánh địa phương của dân tộc Nùng. Họ sinh sống chủ yếu ở Lào Cai, Hà Giang. Tại Lào Cai, nhóm Nùng Dín có khoảng hơn 27.000 người, tập trung tại các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bảo Thắng. Trong đó, huyện Mường Khương có số lượng đông nhất. Cho đến nay, đồng bào còn bảo lưu nhiều nét văn hóa

 

Ở nhà trình tường lợp ngói máng

Người Nùng Dín định cư ở vùng thung lũng lòng chảo. Đó thường là nơi có thế đất rộng, bằng phẳng, màu mỡ, có rừng, có suối. Bởi vậy, hàng trăm năm qua, làng bản của người Nùng Dín đều tựa lưng vào núi, phía trước nhìn về khoảng không bao la rộng lớn.

Địa thế thuận lợi ấy đã giúp người Nùng Dín mở rộng canh tác lúa nước, trồng ngô, trồng hoa màu cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm như trâu, ngựa, lợn, gà, vịt…

Cũng như nhiều cộng đồng dân tộc anh em, nghề thủ công của đồng bào Nùng Dín rất phát triển như nghề dệt, đan lát, rèn và nhất là nghề làm ngói máng.

Trước đây, các gia đình người Nùng Dín ở Mường Khương, Si Ma Cai cũng tự học, tự làm ra ngói lợp nhà cho mình, cho anh em dòng họ. Thời hưng thịnh, những lò ngói của làng luôn đỏ lửa.

ThS Vàng Thung Chúng, nguyên cán bộ Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai, người Nùng Dín ở thôn Tùng Lâu, xã Tung Chung Phố, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương cho biết, xã Nấm Lư, Pha Long của huyện Mường Khương trước đây nổi tiếng nghề làm ngói máng. Bà con chọn đất đồi vàng, không pha đá. Qua rất nhiều lần nhào với nước bằng hình thức trâu quần, đất nhuyễn mới cho vào khuôn đúc viên.

“Quần đất nhuyễn hết rồi người ta mới cho vào khuôn. Mỗi một khuôn của nó được 4 viên. Sau khi đổ khuôn xong người ta phơi khô mới cho vào lò đốt. Quan trọng là lò đốt. Mỗi một lò chứa độ 4.000 viên ngói thôi. 4.000 viên ngói chỉ đủ cho 2 gia đình”. – Ông Chúng nói.

Trong truyền thống, người Nùng Dín ở nhà trình tường, chôn cột, quá giang, lợp mái gianh. Nhà có điều kiện mới làm nhà trình tường 3 tầng, lợp ngói âm dương. Nếu nhà nào có tay nghề khá, ngói tốt có khi dùng đến 20 năm mới phải đảo mái nhà một lần.

Mỗi lò ngói như thế tốn hàng chục khối củi. Cách làm lại công phu, củi nên bà con dần chuyển sang lợp ngói proximang. Nghề làm ngói máng mai một dần.

Dù vậy, những mái ngói đất nung trường tồn cùng với ngôi nhà của người Nùng Dín ở Mường Khương như chứng tích vàng son của nghề làm ngói máng. Bao năm qua, chúng vẫn che chở, làm nơi ấm êm cho con người, lưu giữ những ký ức buồn vui của người Nùng Dín.

Thổ địa của người Nùng Dín

Sống cộng cư thành từng làng bản, quy tụ với nhau 10 – 15 nóc nhà, người Nùng Dín đoàn kết, gắn bó và tương trợ lẫn nhau. Và mỗi bản như vậy đều có một thổ địa cai quản theo quan niệm của người Nùng Dín.

Theo đó, thổ địa cai quản về khí hậu, cây trồng, vật nuôi cũng như chăm lo cuộc sống con người. Nên họ coi trọng thổ công. Trong từng gia đình, trong từng bản, từng vùng, đồng bào cũng có sự phân chia chức năng, quyền hành, cách thức thờ cúng thổ địa khác nhau.

Người Nùng Dín đặt bàn thờ thổ địa dưới bàn thờ gia tiên với quan niệm trên trời là Ngọc Hoàng, dưới là con người và thổ địa ở dưới đất. Với thổ địa của làng, người ta sẽ cúng ở một mái đá hay gốc cây đằng sau của làng và chỉ do một nhóm liên gia tổ chức. Một số địa phương người ta nâng cao hơn thành thổ địa của làng. Như thôn Na Bù của thị trấn Mường Khương.

Ngoài ra, theo ông Hoàng xín Hòa, người Nùng Dín ở xã Nấm Lư, Mường Khương, họ còn có một thổ địa khác cai quản cả một vùng rộng lớn. “Người Nùng còn có Đổng Chứ. Những thổ địa kia chỉ là một thành phần sai  khiến của ngài ấy thôi. Còn thần hoàng kia mới là tổng chỉ huy. Họ thờ trong rừng cấm, cúng thần hoàng cai quản bản làng”.

Hằng năm, nhằm ngày 30 tháng Giêng và 30 tháng 6 âm lịch, bà con Nùng Dín lại thành kính cúng thổ địa làng mình. Nhưng từ nửa tháng trước, người ta đã họp bàn việc đóng góp để mua lễ vật dâng cúng. Làng có điều kiện thì cùng góp lợn to, nếu không thì lợn nhỏ.

Dù đó là lệ làng nhưng ai cũng vui vẻ trên tinh thần tự nguyện, bởi cúng cho làng cũng là cúng cho bản thân gia đình mình. Người Nùng Dín cũng từ đó thêm gắn kết keo sơn.

Thiêng hóa rừng

Nơi người Nùng Dín ở luôn có rừng. Bà con dành riêng một khu rừng cấm để thờ thổ địa, sơn thần. Họ quan niệm vạn vật hữu linh và rừng là nơi có thần ngự trị, trông coi cuộc sống của dân làng. Với họ, đó là nơi để người Nùng Dín an cư, lập nghiệp, nuôi sống cộng đồng. Cho nên, họ đã thiêng hóa rừng để bảo vệ nguồn sống của mình.

Ông Vàng Thung Chúng cho hay, người Nùng Dín ở Lào Cai thường có hai khu rừng cấm. Một khu rừng ở đầu bản và một khu rừng ở cuối hay giữa bản. Vị trí này tùy vào nơi đồng bào sinh cư, lập nghiệp người ta giữ lại để cúng sơn thần.

Điều đặc biệt là người ta sẽ lập bàn thờ sơn thần ở gốc cây cổ thụ to nhất. 30 tháng Giêng hàng năm bà con sẽ làm lễ cúng rừng.

3 ngày cúng rừng, người Nùng Dín kiêng không đi làm, phụ nữ nhất là phụ nữ có thai hoặc chồng có vợ mang thai cũng không được đi đến rừng cấm. Gia đình có tang cũng không được lại gần để tránh những điều không may.

Những quy định trong lễ cúng rừng, cúng sơn thần, thổ địa cho đến nay vẫn được người Nùng Dín truyền lại cho cháu con.

Đỗ Quyên/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC