Sử thi Ê Đê
Thứ ba, 10:52, 06/06/2023 Đỗ Quyên/VOV4 Đỗ Quyên/VOV4
VOV4.VOV.VN - Sử thi Ê Đê là những áng văn vần, tồn tại qua cách truyền khẩu với hình thức hát kể.

 

Rủ rỉ lời khan

Nơi bếp khách trong ngôi nhà dài Ê Đê của làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, bà H’Hoa Niê ngân nga từng lời kể khan.

Bà kể câu chuyện về chàng trai có tên Púk K’lông với một miền đất hứa. Từng lời kể có vần, có điệu cùng chất giọng khỏe khoắn đã khêu gợi sự tò mò của người nghe.

Sử thi của người Ba Na được gọi là H’mon; Jrai gọi là Hri; M’nông gọi là Ót N’trong… còn người Ê Đê gọi sử thi của mình là klei khan. Klei có nghĩa là lời, bài; khan có nghĩa là hát kể.

Sử thi ra đời trong điều kiện xã hội loài người có những biến động lớn về những cuộc di cư lịch sử, đặc biệt là những cuộc chiến tranh giữa các thị tộc, bộ lạc để giành đất sống ở vùng rừng núi Tây Nguyên xa xưa. Các thế hệ kế thừa qua truyền khẩu.

Cũng giống như sử thi của các dân tộc sinh sống ở Tây Nguyên, K’lei khan tồn tại dưới dạng hát kể. Trong những cuộc vui sinh hoạt cộng đồng, người giỏi Klei khan sẽ được mọi người yêu cầu hát cho nghe.

Nơi chòi rẫy hay trong ngôi nhà dài, hay trong lễ bỏ mả những lời kể khan sẽ được các nghệ nhân diễn xướng một cách sinh động qua giọng hát, qua ánh mắt, thần thái… của riêng mình.

Nghệ thuật trong sử thi

Không gian của sử thi cũng chính là không gian lễ hội của đồng bào. Ở Tây Nguyên, từ tháng 12 đến tháng 3 là tháng người Ê Đê gọi là “mùa ăn năm, uống tháng”. Đó là khoảng thời gian nông nhàn, mùa bước vào những lễ hội, cúng tế thần linh, tổ tiên, ông bà. Và đó cũng là mùa mà xưa kia, những lời kể khan luôn vang vọng trong những nếp nhà dài.

Dân ca Ê Đê có câu: “Thiếu tiếng khan, tiếng khứt, tiếng chiêng như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối”. Sử thi đi vào cuộc sống tinh thần của người dân một cách nhẹ nhàng như thế.

Hơn bao giờ hết, sử thi gắn bó với cuộc sống cộng đồng, phản ánh mọi khía cạnh của đời sống của xã hội Tây Nguyên, từ con người, thiên nhiên, đến thế giới thần linh, lịch sử, văn hóa… Bởi thế, sử thi được các nghà nghiên cứu gọi đó là bách khoa thư của một tộc người.

Bà H’Hoa Niê, người Ê Đê huyện Cư M’gar, Đắc Lắc lý giải: “Tất cả mọi mặt đời sống. Nói về những chàng trai, hiếu khách, có hiếu với bố mẹ, rất dũng cảm, biết yêu quê hương, yêu đất nước, những người biết giữ gìn buôn làng… cũng là những lời họ tự đặt ra. Những nhân vật trong sử thi, trường ca như Đăm San là nhân vật vừa thực, vừa hư. Những nhân vật anh hùng như quê hương, đất nước mới đây thì đó là nhân vật thật. Nhưng từ đời này qua đời khác họ luôn luôn ghi nhớ”.

Nội dung của sử thi chứa đựng những biến cố của dân tộc, xoay quanh chiến công của những anh hùng có công bảo vệ buôn làng. Những nhân vật trong sử thi đại diện cho ước vọng của cộng động, đấu tranh vì lý tưởng nhân văn cao cả, nhân vật anh hùng là yếu tố trung tâm.

Điều đặc biệt, những nghệ nhân dân gian thường sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa, ước lệ để làm bật lên tính cách, tài năng nhân vật, tạo nên một yếu tố kỳ ảo trong sử thi.

Và trong lời kể đậm đặc những thủ pháp nghệ thuật ấy, hát kể sử thi lại thường diễn ra trong không gian tĩnh lặng của buổi tối hay khi màn đêm buông xuống. Nó khiến cho người nghe như được sống trong không gian kỳ ảo cùng với các nhân vật sử thi.

Sử thi có hàng trăm câu văn vần, phải là người có trí nhớ tốt, có giọng hay và khỏe, thì mới có thể thuộc và hát kể sử thi cuốn hút người nghe. Ngoài trí nhớ thiên bẩm, nghệ nhân phải am hiểu phong tục tập quán, có trải nghiệm mới thể hiện được những lời khan chân thật nhất.

Ngày trước, hầu như buôn làng nào của người Ê Đê, M’nông hay Jrai, Xê Đăng, Ba Na cũng đều có nghệ nhân biết hát sử thi. Mỗi khi có dịp lễ hội, lễ cúng quan trọng của cộng đồng, người già, con trẻ lại tụ họp tại nhà dài nghe hát sử thi. Giờ, người biết sử thi, biết hát kể sử thi đã vô cùng hiếm.

Đỗ Quyên/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC