Cách ứng xử với thiên nhiên của người Hà Nhì
Là dân tộc thiểu số sống ở vùng cao phía Tây Bắc, đồng bào Hà Nhì có nền văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc mình. Tết mùa mưa Dế khù chà được tổ chức vào tháng 5 âm lịch hàng năm. Và trong dịp Tết này không thể thiếu cây đu.
Từ trước ngày cúng Tết mùa mưa, các gia đình trong bản đã lên rừng tìm tre mang về làm đu. Mỗi hộ sẽ dựng riêng cho mình một cây đu nhỏ trong nhà.
Dây treo vào xà nhà. Cây đu này dài khoảng 3m, họ sẽ dành riêng cho trẻ nhỏ trong gia đình chơi.
Còn một cây đu lớn, thanh niên trai tráng trong bản sẽ tham gia dựng trên bãi đất trống giữa bản, để Tết cả bản sẽ vui chơi.
Anh Khoàng Xì Hừ, người Hà Nhì bản Mé Gióng, xã Ka Lăng cho biết. “Ý nghĩa của dựng cây đu này là trong thời gian Tết cho bà con vui chơi, giải trí. Dựng cây đu này là Tết mùa mưa của người Hà nhì. Như mình sơ kết ấy. Mình trồng hết mùa màng các thứ xong mình cúng mùa màng mong phát triển như ý”.
Chu Nhù Pư người Hà Nhì bản Mé Gióng, xã Ka Lăng bảo, người Hà Nhì rất tôn trọng thiên nhiên, thần linh.
Cũng như con người, mỗi cỏ cây, vạn vật đều có linh hồn. Trong quá trình làm ăn sản xuất, cuốc đất, phạt cỏ làm nương… con người đã phạm vào thiên nhiên. Nhờ có thiên nhiên mới có được mùa no ấm. Cho nên, Tết mùa mưa cũng là dịp con người tạ tội, bày tỏ sự biết ơn của mình đối với cỏ cây, vạn vật, thần linh.
“Mình làm cây đu này mình kể cho con cháu nghe hồi xưa các ông bà, tổ tiên đã làm nương phạm vào cây. Nhờ có cây cối xanh như thế mà mình có một mùa mưa thuận hòa, vụ mùa của mình được tốt. Mình làm đu ở trong nhà cũng để nói cho trẻ nhỏ biết phải bảo vệ cây cối”. – Chu Nhù Pư nói.
Còn anh Mạ Lý Phạ trưởng bản Mé Gióng, xã Ka Lăng bảo, đu mình trên dây cao cũng như một sự tạ lỗi với thần linh, với trời, với cỏ cây vạn vật. Đó cũng là cách tôn trọng thiên nhiên từ xa xưa của bà con người Hà Nhì.
“Hai người cũng chơi được, một người cũng chơi được. Gái ngồi, trai đứng cứ thế mà chơi đu. Đấy là một hình thức tạ tội, xin lỗi thiên nhiên trong quá trình làm ăn đã xúc phạm đến thiên nhiên”. – Anh Mạ Lý Phạ lý giải.
Cúng đu
Cây đu của cả cả bản thì cao tầm 6 – 7m. Trục đỡ là 6 thanh tre, chia đều hai bên tương ứng. Chân tre cắm sâu vào lòng đất, xòe rộng như chạc ba chân, đỡ lấy cây tre bắc ngang trên đỉnh. Đây là nơi buộc dây đu, tạo ra một khoảng không rộng để hai người có thể chơi thoải mái.
Theo anh Mạ Lý Phạ, trưởng bản Mé Gióng, trước kia, người Hà Nhì thường dựng đu ở ngoài cổng bản, nơi có những cây cổ thụ, cành lá xum xuê, đủ vững chãi để làm đu.
Trước kia bà con thường lấy dây rừng làm dây đu, giờ đã có dây thừng. Chỉ cần buộc dây vào nơi cành cây to, chặt che làm ghế đu là mọi người có thể chơi đu thỏa thích.
Ngày đầu tiên của Tết mùa mưa, sau khi cúng Tết, ăn cơm xong chủ nhà sẽ dựng đu trong nhà. Dây đu được buộc vào xà nhà. Xong xuôi, chủ lễ buộc một cành cây lá gai vào đu và không ai được phép đụng vào. Sau đó, gia chủ sẽ làm lễ cúng đu.
Khấn lễ, ông đứng cạnh đu và đọc những lời hàm ý xua đuổi những ma xấu, ma ác ra khỏi nhà, ra khỏi bản, không được quấy nhiễu dân làng, chỉ còn những điều lành ở lại, xin thần linh cho cuộc chơi đu diễn ra suôn sẻ, thành công.
Thực hiện nghi lễ cúng đu xong họ sẽ cho trẻ nhỏ chơi đu trong nhà. Còn người lớn sẽ kéo nhau ra sân bản cùng nhau chơi cây đu lớn.
Đu càng cao càng may mắn
Đồng bào Hà Nhì quan niệm, rừng và cây rừng đều có linh hồn như con người. Mỗi cây rừng có một vị thần chủ thiêng liêng.
Trong trường ca “Xa Nhà Ca” của người Hà Nhì có nói rằng: các vị thần đã tạo ra 4 loài cây chủ đầu tiên là dương xỉ, cỏ lau, cỏ tranh, cây chít. Các loài cây này cùng thần chủ của chúng được phái xuống mặt đất làm ra rừng. Sau đó tre, gỗ cũng được phái xuống mặt đất.
Khi vào rừng kiếm củi, hái rau hay chặt cây đồng bào Hà Nhì đều phải xin thần cai quản cây rừng. Rừng linh thiêng vì mỗi loại cây, mỗi vũng nước đều có thần chủ. Con người xâm phạm đến cây rừng đều bị trừng phạt.
Cơ chế linh thiêng ấy đã tạo nên sức mạnh bảo vệ rừng, tạo ra ý thức tự giác, buộc mọi người phải tôn trọng rừng. Tri thức dân gian đó của đồng bào Hà Nhì đã tạo nên sự ngưỡng vọng và tôn kính với thiên nhiên.
Và khi cây rừng được mang về dựng làm đu, đồng bào sẽ làm lý để xua đi những điều không may mắn, xui xẻo, tai nạn đối với mọi người khi chơi đu cũng như chạm vào cây rừng. Người Hà Nhì làm lễ cúng đu là vì lẽ đó.
Tết mùa mưa, khi chơi đu bà con kiêng không được ngã bởi họ sợ những điều xui xẻo sẽ đến. Đặc biệt trai gái Hà Nhì sẽ tham gia chơi nhiệt tình trò chơi này. Họ hò nhau đu xa, đu cao cho không khí thêm vui. Người Hà Nhì quan niệm: đu càng cao, càng xa càng gặp nhiều may mắn, năm ấy càng được mùa.
Chu Nhù Pư cho biết, những ngày Tết mùa mưa là những ngày vui nhất của bản người Hà Nhì. Mọi công việc đồng áng tạm gác lại, trâu bò được nghỉ ngơi, các gia đình không đi nương, không đi xa. Họ chỉ ở nhà vui chơi mấy ngày Tết.
Trai gái Hà Nhì sẽ có dịp hẹn hò, tìm hiểu trong những cuộc chơi đu. Gia đình, dòng họ thăm nhau, cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm sản xuất, cùng quây quần thưởng thức bữa cơm gia đình chế biến từ những gì mình làm ra.
Trong câu hát ngẫu hứng cất lên bên mâm cơm ấm áp, tiếng cười giòn tan hân hoan về một mùa vụ mới với những hy vọng no ấm, hạnh phúc tràn đầy.
Viết bình luận