Trong 2 ngày 28 và 29/6, tại thành phố Đà Nẵng, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp cùng các đối tác tổ chức Hội thảo Tổng kết Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em thiệt thòi tại Việt Nam – giai đoạn 2”. Hội thảo có sự tham gia của gần 130 đại biểu là đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường và cán bộ giáo viên, phụ huynh của 6 tỉnh/thành phố tham gia dự án và một số tỉnh, thành phố khác.
Được thực hiện từ năm 2020-2022 với sự tài trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Italy, Dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em thiệt thòi tại Việt Nam – giai đoạn 2” do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em triển khai với sự phối hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo một số địa phương và thực hiện tại Đà Nẵng, Quảng Bình, Hải Phòng, Tiền Giang, Đồng Tháp và Điện Biên. Dự án nhằm góp phần tăng cường chất lượng giáo dục mầm non và tiểu học thông qua cải thiện mức độ sẵn sàng đi học, kết quả học tập và thực hành vệ sinh trong trường học của trẻ em, bao gồm các em nhỏ thiệt thòi tại các tỉnh dự án.
Dự án nhằm góp phần cải thiện mức độ sẵn sàng đi học cho các em nhỏ thiệt thòi
Các phát biểu tại buổi Hội thảo đều khẳng định: Dự án đã mang lại lợi ích cho 54 trường mầm non và tiểu học, tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 4000 cán bộ giáo viên, giúp hơn 6000 cha mẹ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ Cha mẹ. Nhờ thực hiện Dự án, điểm trung bình về khả năng sẵn sàng đi học của trẻ Mầm non đã tăng 15%, và khả năng đọc hiểu của học sinh tiểu học (lớp 2) đã tăng hơn 2,5 lần trong 2 năm thực hiện dự án.
Dự án đã mang lại lợi ích cho 54 trường mầm non và tiểu học
Bà Lê Thị Thùy Dương- Giám đốc Chiến lược và hiệu quả chương trình- Tổ chức Cứu trợ trẻ em Việt Nam khẳng định: Giai đoạn 2 của dự án là giai đoạn các hoạt động dự án được triển khai dưới cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Qua gần 2 năm đối phó với dịch bệnh COVID, dự án đã nỗ lực hỗ trợ giáo viên nâng cao khả năng xây dựng giáo án với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và sử dụng các phần mềm hỗ trợ tương tác cho người học. Tuy 2 năm COVID là giai đoạn vô cùng khó khăn trên toàn cầu nhưng nó cũng giúp cho chúng ta trở nên linh hoạt và sáng tạo hơn trong việc kết nối với học sinh và phụ huynh, giúp những sản phẩm điện tử thời COVID như các chương trình tin nhắn sử dụng các bản thu âm, bản ghi hình hỗ trợ cho giáo viên tự học từ xa, giúp phụ huynh biết cách hỗ trợ con học tập tại nhà, học sinh tự tổ chức hoạt động bổ ích cho bản thân và cùng nhóm bạn phát huy được giá trị trong mọi hoàn cảnh ở tương lai.
Giai đoạn 2 của dự án được triển khai cả trực tiếp và trực tuyến.
Bà Mai Thị Liên Giang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Cùng với việc xây dựng câu lạc bộ cha mẹ, dự án đã mang đến cho các trường một mô hình sinh hoạt hay và thú vị trong việc kết nối phụ huynh với nhà trường để hỗ trợ giáo dục toàn diện cho học sinh. Tôi khá ấn tượng với mô hình trại đọc của dự án vì đã giúp các trường đổi mới hoạt động trại đọc và các tiết đọc thư viện đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mô hình này đã được nhân rộng ra toàn tỉnh, giúp các tiết thư viện, các tiết đọc mở rộng có thêm nhiều màu sắc, thu hút học sinh đến với thư viện một cách hứng thú và làm giàu ngôn ngữ cho học sinh một cách tự nhiên.
Hội thảo là dịp để các đại biểu cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm
...và học hỏi lẫn nhau.
Trong 2 ngày diễn ra Hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Huế - những địa phương được hưởng lợi từ các dự án của Tổ chức Cứu trợ trẻ em chia sẻ về kinh nghiệm triển khai dự án và cùng nhau thảo luận về kế hoạch duy trì tính bền vững của dự án, đồng thời đề xuất các hoạt động trong giai đoạn tiếp theo./.
Thu Hà/VOV4
Viết bình luận