Gia đình thuộc diện hộ nghèo, thiếu đất sản xuất, chồng qua đời cách đây 3 năm vì bạo bệnh, chị H Rung Mlô (amí Trâm) ở buôn Ea Kjoh A, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ phải một mình gồng gánh nuôi 2 con đang tuổi đi học. Do hoàn cảnh khó khăn như vậy, chị được hỗ trợ một con bò cái sinh sản và một cặp dê giống để chăn nuôi. Cùng với đó, thông qua dự án “Vươn mình” chị được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để đàn vật nuôi phát triển tốt.
“Vươn mình” là dự án do tổ chức nhân đạo chống đói nghèo toàn cầu và cứu trợ khẩn cấp (CARE quốc tế) tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm phát triển cộng đồng và các đơn vị tài trợ đang triển khai tại Đắk Lắk. Theo đó, trong 2 năm 2023-2024, dự án hướng đến việc thúc đẩy phát triển sinh kế cho nông hộ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số ở 2 xã Ea Drông và Cư Bao, thị xã Buôn Hồ.
Dự án sẽ đồng hành trực tiếp với khoảng 4.000 người dân theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, từ cách làm chuồng trại, phối trộn thức ăn, phòng bệnh cho vật nuôi; đến những kỹ năng cân đối thu chi, tiết kiệm chi tiêu; Hướng dẫn thành lập và duy trì các mô hình tiết kiệm, huy động nguồn vốn cộng đồng để tạo vốn vay cho bà con; Tổ chức các hoạt động gặp gỡ, tiếp cận các đơn vị thu mua, chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Xa hơn nữa là hướng đến xây dựng các sản phẩm OCOP.
Trong 2 năm, dự án đặt mục tiêu góp phần cải thiện cuộc sống cho khoảng 15.000 người và lan tỏa giá trị nhiều hơn cho cộng đồng, với đối tượng ưu tiên là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Bà Vũ Lan Hương, Quản lý dự án của tổ chức CARE quốc tế Trong dự án, chúng tôi có 3 mảng hoạt động chính, đó là các hoạt động liên quan đến nâng cao năng lực về phát triển sinh kế, bao gồm những nội dung liên quan đến kỹ thuật sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; Hỗ trợ để bà con nâng cao kỹ năng quản lý tài chính và tiếp cận các nguồn vốn phục vụ sản xuất. Điều quan trọng là để phát triển sinh kế bền vững, tiếp cận với thị trường, bán được sản phẩm. Dự án đặt mục tiêu song hành cùng cộng đồng để tăng cường sự liên kết giữa các thành viên trong cộng đồng và thúc đẩy tiếng nói và vai trò của phụ nữ xuyên suốt từ chuỗi sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Cư Bao và Ea Drông là 2 xã thuần nông, với hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy 2 xã có nhiều điều kiện để chăn nuôi bò và dê, do đó, việc triển khai dự án được kỳ vọng mở ra cơ hội để người dân phát triển kinh tế hiệu quả hơn.
Ông Võ Văn Sự, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Buôn Hồ cho biết, điều kiện tự nhiên của Buôn Hồ nói chung và hai xã này nói riêng về khí hậu, thời tiết đều thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê và bò. Đặc biệt là sản phẩm dê hiện nay giá cả thị trường tốt, đầu ra ổn định. Triển khai dự án này là phù hợp với hai xã này. Mong là bà con sẽ có những chuyển biến nhận thức về hoạt động chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Và từ dự án này sẽ lan tỏa ra cộng đồng nhiều hơn./.
Viết bình luận