Xã Mồ Dề, huyện vùng cao Mù Cang Chải có trên 3.000 cử tri, sống rải rác ở các bản. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc tuyên truyền về công tác bầu cử qua hệ thống loa truyền thanh và loa kéo di động là rất hiệu quả và an toàn.
Cử tri dân tộc Mông, xã Suối Giàng huyện Văn Chấn xem danh sách niêm yết cử tri tại điểm bầu cử. Ảnh: TTXVN
Anh Sùng A Sơ, cán bộ văn hóa xã Mồ Dề cho biết, cán bộ cơ sở được giao nhiệm vụ chở loa đến các thôn bản đều là người dân tộc thiểu số, rất am hiểu về cách suy nghĩ của đồng bào mình, cũng như nắm rõ thời gian người dân ở nhà hay đi làm nương để bật loa đúng lúc, đúng chỗ.
"Với chức năng nhiệm vụ của mình, tôi thường xuyên mở loa truyền thanh ở xã 2 buổi/ngày, chủ yếu là buổi sáng và buổi chiều. Loa lưu động thì ít nhất 3 ngày đi lần lượt các bản một lần, chủ yếu chọn thời gian bà con đang ở nhà để mọi người hiểu biết và nắm rõ tầm quan trọng của công tác bầu cử". - Anh Sơ chia sẻ.
Qua công tác tuyên truyền, hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, cũng như quyền và nghĩa vụ của bản thân, nên cử tri vùng cao Mồ Dề ai cũng rất háo hức, mong đến ngày đi bỏ phiếu để chọn ra những người đủ đức, đủ tài đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình.
Cử tri Sùng A Lử ở bản Nả Háng, xã Mồ Dề phấn khởi, bày tỏ niềm mong chờ đến ngày cầm lá phiếu đi bầu cử. "Chúng tôi đã được trực tiếp tham gia tiếp xúc các ứng cử viên tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, được nghe chương trình hành động của từng người, thế nên rất mong chờ tới ngày được cầm lá phiếu tự tay lựa chọn những người ưu tú nhất đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của cử tri vùng cao".
Hơn 60 tuổi đời, nhiều lần được đi bỏ phiếu bầu ra các đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, năm nay, lần đầu tiên ông Khang Vảng Khua ở bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha chứng kiến dịch bệnh diễn biến phức tạp đúng dịp tổ chức bầu cử. Tuy nhiên, ông và các cử tri không lo lắng, bởi thấy được những nỗ lực của các cấp chính quyền và của lực lượng chức năng trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, cũng như triển khai công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử rất chu đáo.
"Tôi mong muốn các cấp chính quyền sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác chống dịch và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho bầu cử, để đến ngày bầu cử, tôi cũng như các cử tri yên tâm đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình".
Được gặp gỡ và nghe chương trình hành động của các ứng cử viên qua các buổi tiếp xúc cử tri; đặc biệt, thấy các ứng cử viên đều là những người có trình độ, nhiều người trẻ tuổi, tỷ lệ ứng cử viên là người dân tộc khá cao... cử tri vùng cao Mù Cang Chải bày tỏ tin tưởng, kỳ vọng những người trúng cử sẽ đóng góp công sức, trí tuệ của mình cho sự phát triển chung của đất nước, cũng như của quê hương Mù Cang Chải như cử tri Sùng Thành Công, xã Chế Cu Nha.
"Được biết, trong số các ứng cử viên ứng cử đại biểu Quốc hội trên địa bàn có 3 ứng cử viên là nữ là người dân tộc Mông, tôi thấy rất tự hào về các ứng cử viên này. Chúng tôi cũng mong muốn các ứng cử viên trẻ người dân tộc thiểu số sẽ được cử tri tin tưởng bầu vào Quốc hội.
Huyện Mù Cang Chải có 68 đơn vị bầu cử, 92 tổ bầu cử với hơn 38.200 cử tri, đa phần là đồng bào dân tộc Mông. Ông Phạm Văn Quynh, Thủ trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử huyện Mù Cang Chải khẳng định: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị bầu cử đã được huyện triển khai hoàn tất.
"Việc bố trí địa điểm bỏ phiếu, cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ cho ngày bầu cử đến nay, các điểm bỏ phiếu, các tổ bầu cử đã được trang bị đầy đủ. Trong ngày 23/5 là ngày bầu cử huyện đã ban hành văn bản phân công các đồng chí Thường trực huyện ủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên BCH Đảng bộ, lãnh đạo cơ quan, ban ngành, đoàn thể đến dự và chỉ đạo tại 92 tổ bầu cử trên địa bàn".
Cùng với cả nước, cử tri huyện vùng cao Mù Cang Chải đã sẵn sàng cho ngày hội non sông, tất cả đều đang hướng về ngày bầu cử với niềm tin và kỳ vọng lớn.
Đinh Tuấn - A Lù/CQTT Tây Bắc
Viết bình luận