Thoát nghèo từ cây chè ở bản Ven
Thứ năm, 00:00, 12/07/2018 Việt Phú + 2  ảnh Việt Phú + 2 ảnh
VOV4.vn - Nói đến chè, nhiềungười nghĩ ngay đến những vùng chè nổi tiếng ở Thái Nguyên, Tuyên Quang, hay Phú Thọ. Song, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã vùng khó Xuân Lương của huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) vẫn tự tin phát triển cây chè, với tư duy: chất lượng quyết định sự thành công. Sau bao vất vả để xây dựng được thương hiệu “chè bản Ven”, giờ đây, nhiều gia đình ở bản nghèo này đã trở thành triệu phú.

 

 

Một màu xanh ngắt của chè phủ kín sườn đồi, trải dài con đường dẫn vào bản Ven. Những cây chè cao ngang người được đốn tỉa bằng, thỏa thuê đón nắng sớm… Bản Ven hiện lên đẹp như một bức tranh. Năm nay, bản Cao Lan được mùa.

Pha một ấm chè ngon mời khách, anh Hoàng Văn Hà hồ hởi kể chuyện cây chè. Chè bản Ven đã có từ lâu, nhưng đời cha ông chỉ làm thủ công, thủ công từ cách trị sâu cho cây tới chế biến. Và cũng chính việc chăm bón, chế biến thủ công đó mà hương vị chè ở đây lấy lòng được mọi người nếu được một lần thưởng thức. Chính bởi ngon, lại sạch, nên chè bản Ven được nhiều người hỏi mua để thưởng thức, để làm quà biếu tặng, và cả đặt mối để thu mua số lượng nhiều. Có chỗ đứng trên thị trường, có thương hiệu, cây chè đã làm đổi thay diện mạo cả một vùng quê được xếp vào diện đặc biệt khó khăn này. Anh Hoàng Văn Hà chia sẽ trồng chè gấp từ 3-4 lần trồng lúa, với giá bán trung bình từ 150 đến 200 nghìn đồng mỗi năm anh cũng thu về khoảng 200 triệu.

 “Nhờ chè mà hết nghèo” – cụm từ ấy thường được người Cao Lan ở bản Ven nói mỗi khi có dịp ngồi hàn huyên, chuyện trò. Cũng như gia đình anh Hoàng Văn Hà và nhiều gia đình ở bản, gia đình chị Trần Thị Mai cũng từ một hộ nghèo mà nay có của ăn của để. Kinh tế khá giả từ chè, nên chị Mai nghĩ cách phát triển cây chè mạnh hơn để tạo công ăn việc làm cho bà con trong bản mỗi khi đến vụ thu hái.

 

(Anh Hoàng Văn Hà bên đồi chè gia đình. Ảnh VP)

Theo ông Ninh Quảng Nghiệp, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lương, nhờ vào cây chè mà số hộ nghèo của bản Ven cứ vợi dần. Bà con không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước như trước kia. Nhiều người còn tìm hiểu cách làm chè organic, kết nối tìm kiếm thị trường. Nếp nghĩ, cách làm của người dân bản Ven đã thực sự năng động.

Chè bản Ven đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Chè xanh bản Ven”.  Hiện nay, sản phẩm chè khô bản Ven đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng hương vị, màu sắc. Bí quyết nằm ở cách sao chè, giữ hương mà không dùng phụ gia, canh tác theo quy trình VietGap, không chất bảo quản, không phun thuốc bảo vệ thực vật, chỉ dùng các chế phẩm sinh học để chăm sóc cho cây. Các ruộng được kiểm soát tất cả các quy trình. Mỗi đồi chè đều cắm bảng ghi rõ tên chủ ruộng, ngày phun thuốc. Khi phát hiện bệnh, tất cả các ruộng được hái chạy, sau đó, xử lý phun đồng loạt để hiệu quả hơn.

Khác với nhiều nơi, chè bản Ven lá to, búp xanh hơn. Nước pha xong, xanh và đậm hương thơm. Để búp chè mềm mại, xoăn chặt, chín đều, không bị gãy, bà con sao, vò cẩn thận để cánh chè cứng chắc. Bí quyết làm chè của người Cao Lan ở bản Ven là: khi chè đã nguội thì rải xuống nền đất đã được làm sạch chừng 1 giờ để lấy hương “âm”, đóng bảo quản trong thùng xốp một tuần rồi mới đưa ra đóng gói sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Đông, Phó trưởng phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Yên Thế, bên cạnh những thuận lợi về thổ nhưỡng và bí quyết để tạo nên sản phẩm chè thơm ngon, thì cây chè bản Ven cũng còn một số khó khăn. Có thương hiệu không có nghĩa là việc tiêu thụ sản phẩm được nhanh chóng. Huyện Yên Thế đang cùng bà con bản Ven đẩy mạnh việc giữ gìn thương hiệu song song với việc giữ gìn và  nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu chăm bón đến khi thành sản phẩm đưa ra thị trường.

 

(Chè bản Ven giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Ảnh VP)

Bí thư xã Xuân Lương – ông  Ninh Quảng Nghiệp chia sẻ thêm, khó khăn đối với người dân bản Ven không phải là nguồn vốn mà quan trọng nhất vẫn là thị trường tiêu thụ. Nhận rõ điều đó mà huyện và xã đang cố gắng để chè bản Ven được có mặt ở các hội chợ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Chỉ khi tìm thêm được những mối liên doanh, liên kết lớn hơn, khi đó mới có thể giúp gia tăng giá trị cho cây chè bản Ven.

Song, dù cây chè bản Ven có chỗ đứng ít hay nhiều trên thị trường thì người dân ở đây vẫn cho rằng: điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn cho cây chè, giữ được cách chăm bón và chế biến truyền thống.

 

 

 

   Việt Phú/VOV4

Việt Phú + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC