Gia Lai: Tập trung giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số
Thứ tư, 10:15, 23/03/2022 Thu Ha bt- 2 ảnh Thu Ha bt- 2 ảnh
VOV4.VN – Với 12,09% hộ nghèo, trong đó, phần lớn là người dân tộc thiểu số, Gia Lai đã và đang triển khai nhiều giải pháp tạo sinh kế, hỗ trợ việc làm, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhằm giúp bà con dần vươn lên, thoát nghèo bền vững.

 

Sáng sớm tinh mơ đi cạo mủ cao su cho công ty, sau đó lên rẫy chăm cà phê, chiều về đến nhà lại tất bật chăm sóc con bò sắp đẻ, nhưng chị Rơ Lan Iêk (ở làng Krêl, xã Ia Krêl, Đức Cơ) lại rất hài lòng về sự vất vả ấy. Chị kể, chồng mất sớm, một mình chị nuôi 3 con đang tuổi ăn, tuổi học. Trước đây, 4 mẹ con thường xuyên đứt bữa do việc làm thuê của chị lúc có lúc không, rẫy cà phê thì già cỗi.

Năm 2018, chị Rơ Lan Iêk vay 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội để tái canh vườn cà phê. Năm tiếp theo, chị được một công ty cao su đứng chân ở xã nhận vào làm công nhân, rồi được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Dù mức lương công nhân chưa cao, nhưng chị đã có nguồn thu nhập ổn định, mua được bò sinh sản, có tiền nuôi con ăn học.

Gia đình chị Iêk là một trong số 53 hộ ở xã Ia Krêl vừa thoát khỏi diện nghèo trong năm 2021. Thời gian qua, nhằm hỗ trợ các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, các ngành chức năng địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật và triển khai một số mô hình tái canh cà phê, nâng cao chất lượng vườn cây. Ngân hàng chính sách xã hội huyện về tận xã giao dịch để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Chính quyền địa phương phối hợp với người uy tín trong cộng đồng vận động bà con không bán đất, mà nâng cao trình độ để thoát nghèo.

Nhiều hộ dân tộc đã vay vốn nuôi gia súc, tạo thu nhập ổn định thoát nghèo

Ông Rơ Mah Quách, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Krêl cho biết: Khó khăn nhất bây giờ là đất đai ngày càng hẹp, gia đình con cái ngày càng đông. Diện tích ít, thì thu nhập ít. Nhưng muốn thoát nghèo, con em trong thôn, buôn phải chịu khó học, hết cấp 2, cấp 3, phải có trình độ, có bằng cấp thì mới được vào làm cho các công ty.

Xã Ia Krel, huyện Đức Cơ có hơn 2.100 hộ dân, tại 10 thôn, buôn. Trong đó, 35% dân số là người dân tộc thiểu số. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn 13,4%. Bà Nguyễn Thị Thúy Loan, Chủ tịch UBND xã Ia Kêl, cho biết, năm 2022, địa phương đặt mục tiêu giảm 2,2% hộ nghèo, tương đương 47 hộ. Do đó, lãnh đạo xã đã liên tục tăng cường công tác tuyên truyền để thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong nhân dân, giúp họ mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuấtchăn nuôi. Bên cạnh đó, tạo công ăn việc làm cho các hộ nghèo, không có đất sản xuất; giới thiệu việc làm; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ nghèo, đặc biệt là 47 hộ nghèo trong kế hoạch thoát nghèo năm 2022.

Theo chuẩn nghèo đa chiều, hiện tỉnh Gia Lai còn 12,09% hộ nghèo. Trong đó có tới 88% số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, từ 2016 đến 2021, tỉnh Gia Lai đầu tư trên 1.270 tỷ đồng, triển khai các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo học nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...

Theo Kế hoạch số 314/KH-UBND vừa được UBND tỉnh Gia Lai ban hành cuối tháng 2 vừa qua, năm 2022, địa phương phấn đấu giảm 2% số hộ nghèo toàn tỉnh, 3% hộ nghèo người dân tộc thiểu số. Ông Phạm Trần Anh- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết,  Sở sẽ đồng hành cùng các địa phương để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo năm 2022 của tỉnh. Ngành lao động, thương binh, xã hội sẽ tham mưu cho chính quyền, cấp y cơ sở xây dựng những giải pháp cụ thể, hỗ trợ các hộ dân thoát nghèo. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ trung ương; tích cực phối hợp với các tổ chức, đoàn thể huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp, từ cộng đồng, xã hội để đầu tư cho người nghèo phát triển sản xuất”../.

 

Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên

Thu Ha bt- 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC