Lớp học tình thương của cô giáo người Khmer cao tuổi
Thứ hai, 00:00, 20/11/2017
VOV4.VN - Chứng kiến những cảnh đời cơ cực, thất học của nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô giáo Trần Thị Mươn đã mở lớp học tình thương tại nhà. Gần 7 năm duy trì, lớp học tình thương của cô Mươn trở thành địa chỉ thân thuộc cho những học trò nghèo.

 

Lớp học tình thương dành cho các em học sinh nghèo ở phường 5, thành phố Sóc Trăng, là ngôi nhà cấp 4 có phần xập xệ vì xây dựng đã lâu. Hơn 30 em nhỏ, tuổi từ 4 đến 12, say sưa đánh vần từng con chữ theo cô giáo.

Bà Dương Thị Tuyết, người thường đưa rước cháu đến lớp, chia sẻ, lớp học tình thương là do cô Trần Thị Mươn tự mở. Lớp học cũng chính là nhà cô giáo. Cháu của bà đến đây vừa được học chữ, lại được cô cho tập, cho viết. Nhờ lớp học của cô giáo Mươn, nay cháu bà đã có thể viết và đọc chữ.

Cô giáo Trần Thị Mươn và lớp học tình thương tại gia đình của mình

Cô Trần Thị Mươn hiện đã ngoài 60 tuổi. Cô Mươn bộc bạch, cuộc sống của bà con ở khóm 3 còn nhiều cơ cực, thiếu thốn. Nhiều gia đình phải tất bật bươn chải kiếm sống bằng nghề xe ôm, bán vé số; một số gia đình phải rời xa quê lên các tỉnh miền Đông để làm thuê làm mướn, gửi lại con nhỏ cho ông bà. Bọn trẻ không có điều kiện để đến trường. Thương các em, cô quyết định mở lớp tình thương. 

"Thấy các em nhỏ không được học hành, không biết chữ rất là tội nghiệp. Mình không có gì giúp các em, chỉ có tấm lòng và tấm thân này thôi để soi sáng cho các em biết đọc, biết viết. Tôi mở lớp học tình thương tại nhà này cũng được 7 năm rồi" - cô Mươn kể.

Trong căn phòng chật hẹp hơn 15m2, hơn 30 em nhỏ hăng say đánh vần từng chữ theo cô giáo. Ghế nhỏ dành để ngồi, ghế cao hơn thì làm bàn viết, bảng viết là một góc tường nhà được sơn màu đen.

Em Lâm Quách Thị Cẩm Tú, 12 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ba mẹ lên Bình Dương kiếm sống, nên không có điều kiện để đến trường như bạn bè cùng trang lứa. Em đến với lớp học tình thương của cô giáo Mươn. Sau 3 năm, em đã có thể đọc, viết thành thạo.  

Năm đầu mở lớp học tình thương này, chỉ vài ba đứa theo học, học sinh phải ngồi dưới nền nhà. Học trò nghèo đến với lớp học tình thương tăng dần, có lúc gần 40 em. Cô Mươn trích một phần tiền gia đình để trang bị ghế ngồi, tập viết. 

Và mỗi buổi học đi qua, dưới sự dìu dắt, dạy dỗ của cô Trần Thị Mươn, những đứa trẻ nghèo có thêm kiến thức để vững bước trong tương lai.

 

 

 

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC