Yên Bái: Nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú
Thứ sáu, 00:00, 16/11/2018 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án sắp xếp lại quy mô mạng lưới trường, lớp học; chất lượng giáo dục ở Yên Bái có những chuyển biến rõ nét. đối với học sinh bán trú bữa ăn hàng ngày của các em cũng đảm bảo hơn.

 

 

Trước đây, mỗi ngày, em Hờ A Khua, học sinh lớp 5, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, phải đi bộ 2 tiếng để đến trường. Do nhà ở bản xa, nên việc trễ giờ học rất hay xảy ra.

Nhiều hôm trời mưa, gió rét, em tới trường với bộ quần áo phong phanh ướt nhép, lấm lem đất bùn. Thương con, bố mẹ cho Khua mang gạo, củi và muối trắng xuống ở trọ cùng các anh chị lớn hơn gần trường. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt và bữa ăn hàng ngày của em cũng như nhiều bạn khác vô cùng thiếu thốn.

Thực hiện việc sắp xếp lại quy mô mạng lới trường, lớp học, nhiều trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái được hợp nhất, đổi thành mô hình Trường phổ thông dân tộc bán trú. Từ đó, giúp các em có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt hơn.

Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp cách trung tâm huyện Văn Yên  hơn 60km. Nhà trường có hơn 700 học sinh, trong đó trên 500 em ở bán trú, với 100% là dân tộc thiểu số như: Dao, Phù Lá, Nùng, Mông...

Thực hiện mô hình bán trú, trường  gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, đưa học sinh từ các điểm lẻ ra trường chính, những thiếu thốn về cơ sở vật chất càng nhân lên gấp bội. Việc đảm bảo nguồn thực phẩm, chất lượng bữa ăn cho lượng học sinh lớn như vậy ở vùng sâu, vùng xa như Lang Thíp cũng là một thách thức lớn.

Trước những khó khăn đó, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các thầy cô giáo trong nhà trường đã có những cách làm để cải thiện bữa ăn và đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho học sinh.

Ngoài những hỗ trợ của nhà nước, Nhà trường thực hiện việc nâng cao chất lượng bữa ăn cho các cháu bằng cách cho các cháu cùng với thầy cô trồng rau, nuôi gà. Ngoài việc trồng rau, nhà trường chú trọng đến giáo dục kỹ năng sống cho các cháu thông qua các hoạt động lao động, sản xuất và hướng nghiệp dạy nghề cho các em học sinh ngay bắt đầu từ cấp Tiểu học.

(Trồng rau sau giờ học ở Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp (Văn Yên)

Tỉnh Yên Bái hiện có 50 trường phổ thông dân tộc bán trú và 52 trường có học sinh bán trú, với trên 22 nghìn học sinh. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh Yên Bái cũng có nhiều chính sách ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 – 2020 là một ví dụ điển hình, có tác động tích cực đối với các trường học ở vùng cao Yên Bái.

Trong năm học, mỗi học sinh được hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền mua sắm bổ sung dụng cụ thể dục thể thao phục vụ cho các hoạt động văn hóa, văng nghệ… Như vậy, về cơ bản các em được đảm bảo các điều kiện ăn ở, nên đã góp phần thu hút học sinh ra lớp, duy trì tỉ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cho các em.

Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh, các trường học ở Mù Cang Chải, cũng như các nhà trường ở các địa phương trong toàn tỉnh đều có những cách làm hay, sáng tạo, giúp học sinh là con em các dân tộc có điều kiện và sức khỏe tốt nhất trên con đường lĩnh hội tri thức./.

 

Thừa Xuân/VOV Tây Bắc

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC