Cây dổi, hướng đi mới cho bà con người Mường
Thứ sáu, 00:00, 20/09/2019 Việt Phú BT CT + 2 ảnh Việt Phú BT CT + 2 ảnh
VOV4.VN - Yếu tố làm nên sự hấp dẫn của món ăn xứ Mường này phải kể đến một số loại gia vị, trong đó có hạt dổi, thứ hạt có vị thơm, giúp tăng hương vị và độ ngon cho các món ăn. Với loại hạt gia vị này, chị em người Mường ở xã Chí Đạo huyện Lạc Sơn đã phát triển thành một sản phẩm bản địa mang lại giá trị kinh tế cao. Người làm nên thành công đó chính là chị Bùi Thị Lợi.

Đối với người dân Mường Be, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, cây dổi đã gắn bó với họ từ rất nhiều đời nay. Cái thứ quả nhỏ màu đen sẫm ấy là thứ gia vị không thể thiếu trong mâm cơm hàng ngày. Không những vậy, đây còn được coi là một loại thuốc tự nhiên chữa các bệnh về xương khớp rất hiệu quả.

Theo ông Vũ Hòa, Giám đốc công ty cổ phần thương mại Thái Hưng, nói đến gia vị thì có lẽ Việt Nam đứng vào nhóm những nước có nhiều loại và có tính đặc trưng nhất.  Chính vì thế, trong xu thế hội nhập, nếu biết tận dụng tiềm năng lợi thế này thì đây có thể coi là cây thế mạnh để những bà con vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Bởi tiềm năng cây dổi là rất lớn, cây gia vị này không những ngon và giá thành cũng không hề rẻ, khoảng 2 triệu đồng/kg.

Chị Bùi Thị Lợi  giới thiệu sản phẩm dổi tươi tại Hà Nội.

Với giá thành cao như vậy, song từ trước đến nay loại cây này cũng chưa được bà con khai thác cho hiệu quả và biến thành lợi thế... Nhanh nhạy hơn mọi người, chị Bùi Thị Lợi, tổ trưởng tổ hợp tác Mường Be nhận ra tiềm năng của loại hạt này và cũng là người xây dựng mô hình khởi nghiệp từ cây dổi

Ý tưởng khởi nghiệp của chị Bùi Thị Lợi về kế hoạch trồng và kinh doanh các sản phẩm được chế biến từ cây dổi được chị em trong bản Be ủng hộ. Với những chị em trước đây chỉ biết đến ruộng vườn, nay chuyển sang kinh doanh bước đầu thấy nhiều bỡ ngỡ. Song nhờ sự trao đổi kinh nghiệm với nhau, người biết hướng dẫn người chưa biết... nhóm khởi nghiệp của chị Bùi Thị Lợi giờ đã có 15 thành viên và  thành lập tổ hợp tác.

Dựa vào nguồn cây dổi có sẵn với độ tuổi từ 35-100 năm và việc ươm, cấy ... đến nay tổ hợp tác của chị Lợi đã có hàng nghìn cây dổi cho hạt, với sản lượng khoảng 1 tấn/năm. Với giá bán khoảng 2 triệu đồng/kg hạt thì đây thực sự là cây xóa đói giảm nghèo cho chị em người Mường ở Chí Đạo. Cho đến thời điểm này, sản phẩm dổi của tổ hợp tác mới chỉ dừng lại ở việc buôn bán nhỏ lẻ, thì trường bó hẹp và thực sự khách hàng cũng chưa biết đến giá trị của hạt dổi ở Mường Be, do vậy, chị Lợi mong muốn có sự hỗ trợ nhiều hơn ở các tổ chức xã hội

Quả dổi tươi một trong những gia vị rất đặc trưng ở xứ Mường

Phong trào khởi nghiệp hiện nay đang tiếp tục lan tỏa rộng khắp. Điều đáng mừng là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các mô hình khởi nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều với phạm vi và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn. Họ là những người nông dân, những người phụ nữ dân tộc tài năng. Mô hình khởi nghiệp của chị Bùi Thị Lợi ở xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình là một trong hàng trăm mô hình của chị em phụ nữ các dân tộc thiểu số. Đây chính là những ví dụ sinh động, khích lệ chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, những ai đang muốn khởi nghiệp hãy thực sự tự tin, mạnh mẽ, quyết tâm.

Chị Bùi Thi Lợi cũng rất mong muốn truyền cảm hứng cũng như tạo mọi điều kiện cho các chị em hoặc những ai có chung ý tưởng kinh doanh liên quan đến sản phẩm hạt dổi.  Chị  sẵn sàng chia sẻ, tư vấn và phối hợp cộng tác. Các bạn muốn tìm hiểu mô hình trồng dổi của chị Lợi có thể về bản Be, xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình hoặc liên hệ theo số điện thoại 0394729675.

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT CT + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC