Buôn Mông, dự án nửa vời, định cư mà không định canh
Thứ sáu, 00:00, 12/01/2018
VOV4.VN - Dự án tái định cư Buôn Mông tại xã Ea Kiết, do Phòng Dân tộc huyện Chư M’gar (Đắc Lắc) làm chủ đầu tư. Mục đích là đưa những hộ người Mông di cư ngoài kế hoạch đang sống ở vùng rừng sản xuất thuộc lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Buôn Gia Vầm về định cư, ổn định đời sống. Với số vốn đầu tư lên đến 16 tỷ đồng, khởi động đã 10 năm nay, nhưng dự án không mang lại kết quả như mong muốn.

 

Đó là đa số bà con vẫn bám lấy nương rẫy ở trong rừng chứ không chịu về nơi định cư.

Khu tái định cư nằm áp sát đường nhựa liên huyện, có tên là Buôn Mông. Trưởng thôn Hoàng Văn Páo cho biết: Khi chuyển về đây, mỗi gia đình được cấp 600 m2 đất để dựng nhà, lập vườn. Người dân được làm sổ hộ khẩu, cưới nhau được đăng ký kết hôn, sinh con được làm giấy khai sinh... Nhưng về buôn mới, chỉ có lũ trẻ con là mừng, bởi chúng đi học rất gần, trường lớp khang trang, lại có điện thắp sáng để học bài, xem ti vi. Người lớn thì không ai muốn, bởi không có đất để sản xuất, nhà cửa lại bố trí san sát, trồng đám rau đã khó, nuôi con gà, con lợn lại càng khó hơn.

Ông Páo nói: “Là thôn trưởng nên mình phải gương mẫu chuyển nhà, chứ bà con  đa số không chịu di dời. Người ta đang băn khoăn là nếu chuyển ra ngoài này thì sợ nhà nước thu đất nên không muốn ra. Thứ hai nữa là người dân tộc thích ở gần nương rẫy, rau ráng tự trồng mà ăn. Mà ra ngoài này, nhà nước cũng chỉ tạo điều kiện là cấp cái lô đất ở thôi. Còn đất sản xuất ở trong kia, đến mùa màng, ngày nào cũng phải ra vào thì tốn kém”.

Phơi cà phê trong vườn nhà ở tiểu khu 540 - Vẫn là đất rừng

Tiểu khu 540 và 544 lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Gia Vầm là nơi sinh sống của bà con người Mông di cư ngoài kế hoạch từ nơi khác đến. Rừng ở đây đã bị xâm lấn chỉ còn lác đác, thay vào đó là những vườn cà phê bung hoa trắng ngát, vườn hồ tiêu và vườn điều nối tiếp nhau miên man từ quả đồi này sang quả đồi khác.

Xen giữa vườn cây công nghiệp là những ngôi nhà cái thì đơn sơ, cái thì kiên cố. Chúng tôi vào một ngôi nhà gỗ bề thế nằm giữa vườn cam trĩu quả. Chủ nhân là người đàn ông mộc mạc, chân chất. Ông tự giới thiệu mình tên là Ma Seo Chảo, sinh năm 1953, đã từng đi bộ đội và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1999, vì miếng cơm manh áo mà bìu ríu vợ con đến đây khai đất lập nghiệp.

Những năm đầu, gia đình chỉ phát rừng tỉa lúa, trồng ngô. Khi đã dư lúa để chăn nuôi, thừa ngô để nấu rượu thì chuyển sang trồng cà phê, hồ tiêu, và cây điều. Gần 20 năm tạo lập cơ nghiệp, nay gia đình đã có của ăn của để. Nhưng lúc nào ông Chảo cũng nơm nớp lo âu vì trên danh nghĩa đây vẫn là đất rừng của Công ty lâm nghiệp Buôn Gia Vầm, sẽ bị cưỡng chế, thu hồi.

Ông Ma Seo Chảo

Anh Ma Xuân Chính, sinh năm 1980, vào đây lập nghiệp từ năm 1999. Cũng năm ấy anh Chính lấy vợ và sinh con. Anh Chính cho biết: con trai của anh giờ sắp cưới vợ, nhưng nó vẫn chưa làm giấy khai sinh bởi vì không ra buôn tái định cư mà vẫn ở lại làng cũ. Hiện tại nơi đây vẫn còn tới 84 hộ, vì thế người dân mong muốn được chính quyền làm khai sinh và cấp sổ hộ khẩu để ổn định cuộc sống ở khu vực này.

Anh Ma Xuân Chính đang thu hoạch cam

Năm 2014, dự án định cư ở Ea Kiết xem như kết thúc với việc vận động 67 hộ về lập thành Buôn Mông mới. Thế nhưng ở buôn cũ, số hộ không giảm mà ngày càng tăng. Theo ông Trần Thanh Lâm, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Vầm, hiện tại đã có 216 hộ xâm lấn hơn 1.000 ha đất lâm nghiệp của công ty này, và đã biến thành đất ở và vườn cây công nghiệp.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng phòng Dân tộc huyện Chư M’gar - đơn vị làm chủ đầu tư dự án này, cho biết: Năm 2014, huyện lập dự án xin tỉnh đầu tư xây dựng con đường từ buôn mới định cư vào vùng sản xuất, tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, ổn định  đời sống. Nhưng dự án mở đường này đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Theo ông Anh: “Huyện đề nghị công ty bàn giao về cho huyện thêm 20 ha để mở rộng dự án và tiếp tục vận động bà con ra khu tái định cư. Quan điểm của huyện là cương quyết không để bà con ở trong ấy”.

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết, việc bà con không chịu về khu tái định cư mới mà vẫn ở lại làng cũ trong rừng là có nhiều nguyên nhân. Trong đó, quan trọng nhất là khu định cư không có đất sản xuất, bà con phải vượt ngược đoạn đường cả chục km để vào nơi ở cũ làm nương rẫy. Cùng với thiếu vốn nên việc quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án này không đến nơi đến chốn, thực hiện nửa vời, không phù hợp với thói quen sinh hoạt của người Mông nên đã không thu hút được bà con về buôn mới.

Lập dự án định cư để ổn định người dân từ những địa phương khác di cư ngoài kế hoạch đến xâm lấn rừng làm nhà sinh sống là chủ trương đúng của tỉnh Đắc Lắc.  Thế nhưng dự án định cư ở Buôn Mới mới dừng ở chỗ cấp đất ở cho người dân, còn đất sản xuất vẫn chấp thuận cho bà con quay về nơi cũ để làm nương rẫy là điều rất bất cập. Rừng, đất rừng vẫn bị xâm lấn. Đây là hệ quả của dự án nửa vời: định cư mà không định canh.

 

 

 

Lê Xuân Lãm/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC