Đánh giá kết quả giám sát phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Thứ năm, 00:00, 28/12/2017
VOV4.VN - Công tác đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi vẫn còn tồn tại hạn chế, như nhu cầu sinh kế bức thiết, vấn đề cốt lõi để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số triển khai còn chậm và chưa hiệu quả - đó là vấn đề được đưa ra tại hội nghị Đánh giá kết quả giám sát phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

 

Sáng nay, tại nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì Hội nghị “Đánh giá kết quả giám sát; triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo Nghị quyết số 48 của Quốc hội”.

Đa số các đại biểu đồng tình với nội dung báo cáo giám sát chỉ ra, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, công tác đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi vẫn còn tồn tại hạn chế, như nhu cầu sinh kế bức thiết, vấn đề cốt lõi để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số triển khai còn chậm và chưa hiệu quả. Qua giám sát, các đại biểu cho rằng, tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo luôn có biến động đã ảnh hưởng lớn đến công tác thực hiện chính sách đầu tư và thụ hưởng chính sách xã hội của các đối tượng liên quan.

Đại biểu tham luận tại hội nghị

Đại biểu Đinh Duy Vượt, đoàn Gia Lai, nêu ví dụ thực tế chưa hợp lý theo Quyết định 50 ngày 3/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ: “Tiêu chí trong đó thôn có tổ dân phố nghèo từ 35% trở lên, vậy có thực tế không. Tương tự là tiêu chí xã, phường…Tôi cũng đề nghị xem lại thôn đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn có cả phường thì rõ ràng là không thực tế, mà không thực tế thì không phát huy hiệu quả”.

Nhiều đại biểu phân tích, việc phân định địa bàn miền núi, vùng cao mới chỉ căn cứ vào yếu tố độ cao so với mực nước biển và tiêu chí số đơn vị hành chính để xác định là tỉnh, huyện, xã là vùng cao. Nhiều nơi, địa bàn trung du, đồi núi thấp cũng được xếp loại vùng miền núi hay vùng núi một số tỉnh  đồng bằng có tính chất khác biệt với miền núi vùng cao.

Bên cạnh đó, việc mở rộng các tiêu chí và kết quả phân định chưa chính xác ở một số địa phương dẫn đến sự chênh lệch đáng kể trong xếp loại giữa các vùng khiến việc hoạch định, tổ chức thực hiện một số chính sách trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số vừa thiếu, vừa chồng chéo, khó quản lý, khó thực hiện; đôi khi dẫn đến sự thiếu bình đẳng về đầu tư và chính sách an sinh xã hội. 

Các đại biểu kiến nghị các bộ, ngành tham mưu chính phủ rà soát thấu đáo đối với các chính sách không còn phù hợp, cũng như tiêu chí phân bổ ngân sách tránh việc phân bổ ngân sách không hợp lý; xây dựng chính sách tổng thể, trong đó quan tâm xây dựng Luật chính sách đặc thù và những vùng đặc biệt biệt khó khăn; bảo đảm quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, trong đó, ưu tiên các địa bàn miền núi vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo…

 

  

 

 

Thu Hằng/VOV-Trung tâm Tin

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC