Dự án tái định cư Ia Bia liệu có đem con bỏ chợ?
Thứ ba, 00:00, 14/11/2017
VOV4.VN - Dự án làng tái định cư Ia Bia, xã Ia Le, (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) triển khai từ năm 2008, với gần 100 hộ người Gia rai được di chuyển từ rừng sâu về sinh sống. Gần 10 năm về định cư nơi làng mới, ngỡ tưởng cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi, phát triển, ấy vậy mà bà con vẫn bìu ríu với khó khăn, thiếu thốn mọi bề. Một chủ trương tốt đẹp nhưng thực hiện không đến nới đến chốn, nhất là trong khâu khảo sát, quy hoạch.

 

Làng Ia Bia, thuộc xã Ia Le, huyện Chư Pưh nằm trong dự án tái định canh, định cư Kênh Chông, được thành lập từ năm 2008. Làng có 98 hộ, với hơn 500 nhân khẩu, đều là các hộ dân dân xâm lấn đất rừng, được chính quyền địa phương vận động về ở chung một làng.

Về nơi ở mới, mỗi hộ được nhận một căn nhà xây kiên cố, 1 sào rưỡi đất vườn, 1 ha đất rẫy. Với hệ thống điện, đường sá, trường học với tổng kinh phí đầu tư hơn 6 tỷ đồng, dự án có mục tiêu ổn định cuộc sống, chấm dứt du canh du cư, phá rừng làm rẫy của các hộ dân. Nhưng sau gần 10 năm chuyển về làng mới, cuộc sống người dân vẫn chưa ổn định.

Người dân Ia Bia phải đi cách xa hơn 10km để lấy nước sạch

Nước giếng ở đây nhiễm phèn và vôi, đựng trong chậu sẽ đóng cặn màu trắng; dùng để nấu cơm, lúc cơm chín có màu xanh dương nhạt; dùng để tắm thì cơ thể ngứa ngáy, tóc khô. Ông Rơ Mah Chik, thôn trưởng làng Ia Bia cho biết, uống nước này một thời gian, vợ chồng ông và nhiều người dân khác trong làng bị bệnh sỏi thận.

“Nhiều người ở đây mắc bệnh sỏi thận. Gia đình nào có khả năng thì đi khám, đi mổ. Gia đình nào không có khả năng thì chịu khó bệnh vẫn ở trong người. Dù nước đào, hay nước khoan, từ năm đó tới giờ là không sử dụng được. Nước nấu cơm, nước uống phải đi lấy từ làng Puối A, Puối B, xã Ia Le mình. Còn nước tắm, bà con phải chịu khó phải tắm thôi” - ông Chik nói.

Tình trạng thiếu đất sản xuất cũng gây ra nhiều khó khăn cho người dân Ia Bia. Nhiều năm nay, dù mỗi hộ đã nhận sổ đỏ 1 ha đất rẫy, nhưng thực tế, toàn bộ 98 ha đất này đã bị người dân các xã Ia Le, Ia Blứ, huyện Chư Pưh, canh tác trước đó hơn chục năm. Họ không giao lại cho chủ hợp pháp, dù chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động. Còn diện tích 1 sào rưỡi đất vườn hầu hết là đất cát pha, lẫn nhiều sỏi, nghèo dinh dưỡng, lại thiếu nước quanh năm, nên cây điều cũng khó sinh trưởng.

Đất vườn ở làng Ia Bia khó cannh tác, nên phần lớn để cỏ dại mọc

Chị Rơ Mah H’Klam cho biết, vì thiếu đất sản xuất, lúc nông nhàn, vợ chồng chị đi làm thuê kiếm tiền trang trải. Vào mùa, vợ chồng, con cái bìu ríu nhau vào rẫy ở làng cũ cả tháng, khiến việc học của các con năm nào cũng gián đoạn.

Chị H’Klam bảo: “Dĩ nhiên ở đây gần phố thì tốt hơn. Hôm bữa, người ta vào giao đất cho mình, mình có gặp chủ rẫy, ông ấy nói đất này là đất của tôi mười mấy năm rồi. Cả làng này không ai dám làm chỗ đó. Đất vườn trồng điều thì 8 năm nay không ra trái. Cho nên bây giờ, mình tính phá đi, sang năm trồng mỳ  hay trồng đậu đen vậy thôi”.

Khó khăn, thiếu thốn cứ thế bủa vây, gần chục năm sau khi về làng mới, dù đã an cư, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn không buông tha cho dân làng Ia Bia. Đến nay, 97/104 hộ  trong làng vẫn thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Ông Lê Thanh Việt, chủ tịch UBND xã Ia Le, cho biết, chính quyền địa phương  không biết làm gì để giúp người dân Ia Bia thoát nghèo.

Ông Ksor Y Ngông, Trưởng phòng Dân tộc huyện Chư Pưh, thì thừa nhận chính quyền địa phương đang gặp khó trong việc tìm hướng giải quyết việc cấp đất cho bà con: "Giải pháp mà chúng tôi đang áp dụng là tuyên truyền, vận động bà con tự nguyện trả lại đất cho 98 hộ. Riêng nước sinh hoạt, chờ tiền đầu tư thì quá lớn, ngân sách địa phương quá ít ỏi, khả năng không đáp ứng được. Giải pháp sắp tới, UBND huyện giao cho phòng chuyên môn nghiên cứu mời thầu đầu tư đem nước sạch từ nơi khác về vùng này.”

Dự án định canh định cư tiêu tốn nhiều tiền bạc nhưng do thiếu cẩn trọng trong khâu khảo sát, quy hoạch nên không mang lại hiệu quả. Định cư nhưng không định canh thì chẳng khác gì đem con bỏ chợ?

 

 

 

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC