Đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về 62 huyện nghèo
Thứ tư, 00:00, 09/08/2017 THU HÀ/VOV4 THU HÀ/VOV4
VOV4.VN - Tại 62 huyện nghèo của 25 tỉnh, thành trên cả nước còn thiếu tới gần 600 bác sĩ. Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại 62 huyện nghèo” (gọi tắt là dự án 585) của Bộ Y tế ra đời năm 2014 nằm làm dịu bớt cơn khát bác sĩ, cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng, chăm sóc sức khoẻ cho người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Mùa hè năm 2017 này, 7 bác sĩ trẻ đầu tiên đã hoàn thành quá trình đào tạo và được đưa về các huyện vùng sâu, vùng xa. 

Các nhà quản lý điều tra nhu cầu của 62 huyện nghèo xem các huyện này cần những bác sĩ chuyên khoa nào, số lượng bao nhiêu. Bác sĩ nào đồng ý thì viết đơn. Sau khi có đơn của bác sĩ và có công văn của nơi cần, cán bộ quản lý dự án mới thực hiện bước thứ 3 là khớp cung cầu với nơi tuyển dụng bác sĩ trẻ này như các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức.

Bác sĩ trẻ ở vùng cao. Ảnh: baomoi.com

Các bác sĩ được lựa chọn tham gia dự án phải tốt nghiệp loại khá, giỏi và tình nguyện về vùng nghèo công tác - nam 3 năm, nữ 2 năm; phải được một đơn vị y tế tuyển dụng đào tạo bài bản, để khi kết thúc khóa học, có thể độc lập xử trí các tình huống y khoa tại bệnh viện huyện.

Tuy nhiên, để đào tạo được một bác sĩ đòi hỏi nhiều thời gian và tâm sức. 3 năm qua, Bộ Y tế đã phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội xây dựng chương trình 10 chuyên ngành mà các huyện nghèo đang có nhu cầu, trong đó, chú trọng năng lực thực hành, chỉ tiêu tay nghề.

Với hình thức đào tạo một thầy một trò và kèm cặp, cầm tay chỉ việc, sinh hoạt và làm việc 24/24h trong bệnh viện, đến nay, dự án đã có 4 khoá với 78 bác sĩ được đào tạo.

Với mục đích “Người dân không đến được với bệnh viện thì bệnh viện sẽ đến với người dân”, các nội dung đào tạo nhằm giúp các bác sĩ trẻ tinh thông về y thuật, làm việc được ở mọi nơi mọi lúc và đào tạo chuyên sâu về những chuyên khoa đang "khát" ở tuyến huyện.

Tuy vậy, rất nhiều khó khăn đang đặt ra với những người thực hiện dự án. Hiện nay, các bác sĩ trẻ có rất nhiều lựa chọn như về các bệnh viện lớn hay các bệnh viện tư, bởi vậy, khó khăn lớn nhất là làm sao cho thông tin đến được với các địa phương và các bác sĩ, thu hút được các bác sĩ trẻ ra trường tham gia dự án.

Bên cạnh đó, là khó khăn về rào cản rào ngôn ngữ dân tộc thiểu số; khó khăn cả về cơ chế, tổ chức thực hiện. Đơn cử như hình thức giảng dạy một thầy một trò, ngay các nước có đào tạo nội trú như Pháp cũng chưa giảng dạy theo hình thức này. 

Sau 3 năm đào tạo, cuối tháng 6/2017 này, 7 bác sĩ đã lên đường đến công tác tại các bệnh viện tuyến huyện ở Lào Cai, Bắc Cạn, Sơn La và Điện Biên. Nhiều bác sĩ trẻ, sau khi nộp đơn, đã dành nhiều thời gian đến các huyện nghèo để tìm hiểu nhu cầu thực tế ở những nơi này và tự trau dồi kiến thức cho mình.

Tháng 12 tới, Dự án sẽ tiếp tục bàn giao lớp thứ 2 và tiếp tục khớp cung, cầu để khai giảng lớp thứ 5, thứ 6 ở Huế, lớp thứ 7 ở Đại học Y Hải Phòng và lớp thứ 8 ở Đại học Y Thái Bình.

 

 

Hương Quỳnh/VOV4

 

THU HÀ/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC