Kon Tum: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng phát huy hiệu quả
Thứ tư, 00:00, 08/11/2017
VOV4.VN - Sau 6 năm triển khai, Chính sách dịch vụ môi trường rừng đã phát huy hiệu quả tại tỉnh Kon Tum. Chính sách này đã giúp cải thiện thu nhập của người dân, qua đó, thu hút người dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm của người dân với rừng.

 

Bà con người Giẻ Triêng ở làng Roóc Nầm, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ rừng với Ban quản rừng phòng hộ Đăk Nhoong đến nay đã 13 năm. Hơn 600ha rừng gần làng luôn được bảo vệ tốt bởi 70 hộ dân. Với bà con, việc bảo vệ rừng không chỉ đem lại khoản thu nhập khá ổn định, với khoảng 200 triệu mỗi năm cho cả làng, việc bảo vệ rừng còn có những giá trị to lớn về nguồn nước, môi trường sinh thái.

Làng Roóc Nầm ở gần rừng

Ông A Bon, trưởng làng Roóc Nầm, nói: “Tiền bạc thì không quan trọng mấy, miễn là rừng sống, còn đẹp, không mất rừng. Bà con quán triệt quản lý rừng, nâng cao tinh thần bảo vệ rừng thế nào cho tốt, đảm bảo chất lượng rừng, đảm bảo rừng không bị mất, không bị mòn, rừng sống mãi  với bà con. Còn rừng thì nước còn chảy, đảm bảo nguồn nước cho bà con.”

Điểm nổi bật của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng khi áp dụng tại tỉnh Kon Tum là phần kinh phí để thực hiện công tác bảo vệ rừng tăng cao đáng kể và phần hưởng lợi của người dân đã được nâng cao rõ rệt. Trước năm 2011, người dân quản lý bảo vệ mỗi ha rừng chỉ được 100.000đồng/năm, nhưng từ khi triển khai chính sách dịch vụ môi trường rừng, mức hưởng lợi đã nâng lên khoảng 400.000đồng/ha/năm.

Với mỗi hộ quản lý, bảo vệ 30ha, số tiền nhận được là khoảng 12triệu đồng/năm. Việc nâng phần hưởng lợi đã góp phần gắn trách nhiệm và quyền lợi của người dân với rừng. Từ đó, rừng được quản lý, bảo vệ tốt hơn.

Làng Roóc Nầm quản lý, bảo vệ 600ha rừng

Ông Hồ Tấn Hoàng, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei,  cho biết, trước đây, khi chưa có chính sách dịch vụ môi trường rừng, mỗi năm, đơn vị chỉ được phân bổ khoảng 1 tỷ đồng để thực hiện giao khoán bảo lý bảo vệ rừng. 5 năm gần đây, số tiền được cấp để chi trả cho công tác bảo vệ rừng đã tăng lên gấp hơn 3 lần, với khoảng 3tỷ 200 triệu đồng/năm.

“Khi có chính sách dịch vụ môi trường rừng, đơn vị có nguồn để thực hiện khoán cho người dân trên địa bàn. Từ đó, người dân có nguồn lợi cao hơn, trách nhiệm, ý thức của người dân được nâng lên, người ta có ý thức trong công tác bảo vệ rừng. Người dân thường xuyên tổ chức đi tuần tra truy quét, nhờ đó rừng được bảo vệ tốt, không bị xâm hại” - ông Hoàng cho biết.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 29 nhà máy thủy điện và 10 nhà máy nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, với hơn 360.000ha rừng được chi trả, chiếm 60% diện tích rừng tự nhiên của tỉnh. Năm 2017 này, các đơn vị đã nộp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum gần 120 tỷ đồng.

Số tiền này đang được phân bổ về chi trả cho các chủ rừng và các cộng đồng, các hộ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Việc chi trả được thực hiện một cách minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện, xã.

Người dân Kon Tum tham gia quản lý, bảo vệ rừng

Ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, cho biết: “Chúng tôi trước khi tạm ứng hoặc chi trả cho các chủ rừng thì đều thông báo rộng rãi, công khai minh bạch. Đăng các nội dung thông báo ấy trên trang thông tin điện tử của Quỹ  bảo vệ phát triển rừng. Tiền chúng tôi chuyển trả cho các đơn vị thì chuyển khoản, rồi chúng tôi ủy thác cho Ban chi trả dịch vụ môi trường cấp huyện do các Hạt kiểm lâm kiêm nhiệm”.

Sau 6 năm triển khai, Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã bước đầu cho thấy tính đúng đắn và hiệu quả tại Tỉnh Kon Tum. Chính sách đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và quyền lợi của người dân trông công tác quản lý bảo vệ rừng. Qua đó, góp phần quản lý rừng bền vững hơn.

 

 

 

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC