Người nghèo khó tiếp cận vốn vay hỗ trợ nhà ở
Thứ sáu, 00:00, 13/04/2018
VOV4.VN - Gia Lai triển khai Quyết định 455/QĐ-UBND (gọi tắt là Đề án 455) với mục tiêu hỗ trợ vốn giúp 4.438 hộ nghèo sửa chữa, xây mới nhà ở. Tuy nhiên, nhiều bất cập trong quá trình thực hiện tại cơ sở khiến người nghèo khó lòng tiếp cận vốn vay. Người biết tới chương trình thì không thể vay, người được vay thì chưa được nghe nói tới chính sách này.

 

Gia đình anh Ngứp là một trong những hộ nghèo nhất ở làng Đê Bơ Tưk, xã Đắc Jơ Ta, huyện Mang Yang. Biết đến gói vay 25 triệu, kỳ hạn 15 năm, với mức lãi suất thấp 3%/năm để người nghèo xây nhà ở, anh Ngứp liên hệ với tổ vay vốn của làng để vay tiền. Thế nhưng, anh được thông báo, UBND xã chưa kịp bổ sung gia đình vào danh sách hộ nghèo, nên không đủ điều kiện vay.

Kết quả, từ 2016 đến nay, gia đình 4 người vẫn phải tránh nắng đụt mưa trong căn nhà tạm thưng bằng những tấm tôn rách, xin được từ hàng xóm. Anh Ngứp buồn rầu: “Mùa mưa thì ướt hết nhà cửa, tôn rách bay hết, đinh hư hỏng hết. Do mình không có hộ nghèo, người ta không cho mình vay. Nếu vay thì phải vay lãi suất cao hơn, có hộ nghèo thì đỡ hơn. Chứng nhận hộ nghèo mới làm rồi, nhưng vẫn ở trong xã".

Không vay được tiền xây nhà, gia đình anh Ngứp phải sống trong căn nhà này

Trong khi hộ nghèo biết thông tin nhưng không vay được vốn thì có nhiều hộ khác không biết thông tin để vay. Chị Đinh Thị Ban, ở làng Bông Pim, xã Đắc Jơ Ta, cho biết, chị chưa bao giờ được phổ biến thông tin là người nghèo có thể vay tiền xây nhà. Vì vậy, đầu năm 2017, khi chuẩn bị sinh đứa con thứ 2, cần nhà ở ổn định, chị Ban đã phải vay lãi 20 triệu đồng của một nhà giàu trong làng, với lãi suất cao.

“Không biết phải xoay sở như thế nào thì phải đi mượn tiền quán. 20 triệu, mỗi năm mất 4 triệu tiền lãi. Mình biết vay như vậy là rất cao, nhưng họ cho mình vay như vậy là tốt lắm rồi. Mùa mì, mình lấy 1-2 xe để trả bớt cho họ. Trả, lại mượn tiếp để mua gạo ăn. Mùa măng thì bẻ măng bán mua gạo” - chị Ban kể.

Bông Pim và Đê Bơ Tưk là 2 làng nghèo nhất của xã vùng 3 Đắc Jơ Ta. Tại đây, có hàng chục ngôi nhà dột nát. Thế nhưng, trong danh sách các hộ được vay vốn sửa, xây mới nhà, không có tên các hộ này. Lý giải việc bỏ lọt đối tượng vay, ông Phạm Đức Minh, Trưởng phòng tín dụng, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh huyện Mang Yang, cho biết, phía ngân hàng không hề có cuộc khảo sát nào để đánh giá số lượng hộ nghèo có nhu cầu vay vốn.

Rà soát, bình bầu, lập danh sách hộ nghèo có nhu cầu vay hoàn toàn được giao phó cho chính quyền cơ sở. Do đó, việc bỏ sót đối tượng là do cán bộ địa phương chưa rà soát kỹ lưỡng. Thậm chí, nhiều hộ đã nằm trong danh sách vay, nhưng vì chính quyền cơ sở chậm trễ trong đánh giá, thẩm định nên đã không được giải ngân kịp thời. Thực tế, đến nay, huyện Mang Yang mới giải ngân cho 13/154 hộ nghèo vay vốn theo chương trình.

Đến nay, việc triển khai Quyết định 33 của Thủ tướng Chính Phủ về Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người nghèo giai đoạn 2015-2020 đã qua gần 1 nửa thời gian, nhưng toàn tỉnh Gia Lai giải ngân được 940/4.438 trường hợp. Những huyện có tỷ lệ giải ngân thấp lại là các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao như Mang Yang, Đắc Đoa, Krông Pa, Phú Thiện.

Ông Nguyễn Hữu Mặc, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mang Yang, cho rằng, bên cạnh chính quyền cơ sở tắc trách, không cập nhật đúng số lượng hộ nghèo, thì hạn mức vay chỉ 25 triệu đồng cũng là lý do người nghèo không mặn mà vay tiền.

 

 

 

 

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC