Tín dụng chính sách giúp 4,5 triệu hộ thoát nghèo
Thứ năm, 00:00, 09/11/2017
VOV4.VN - Hệ thống tín dụng chính sách không ngừng được hoàn thiện, giúp gần 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập…Thông tin này được đưa ra tại Tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững”, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức hôm nay tại Hà Nội.

 

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, sau 15 năm hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách đã có đóng góp quan trọng trong thực hiện các mục tiêu đặt ra tại Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo thời kỳ 2011-2015 từ 14,2% xuống còn 4,25%.

Đến ngày 30/9/2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 169.000 tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống ngân hàng chính sách xã hội giảm từ 13,75% (năm 2002) xuống còn 0,81% tại thời điểm 30/9/2017, trong đó, nợ quá hạn 0,42%.

Tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững”

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhận định, thông qua vốn vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều người tự vươn lên thoát nghèo bền vững, đồng thời tạo ra nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, công ăn việc làm cho những hộ nghèo khác. Đáng chú ý là kết quả nợ xấu của người nghèo chỉ chiếm khoảng 0,42% tổng dư nợ, cho thấy tinh thần trách nhiệm, ý thức trả nợ của người nghèo tốt hơn nhiều doanh nghiệp, tổng công ty lớn hiện nay.

Ông Bùi Sĩ Lợi nói: "Tôi khuyến nghị nên nâng mức vay, nâng thời hạn và xử lý linh hoạt lãi suất nhưng phải bám từng đối tượng, tượng hộ gia đình hoặc từng chủ lao động mà họ sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn. Ví dụ một người muốn vay cao hơn mức quy định, nhưng cam kết giải quyết được thêm nhiều việc làm cho người nghèo thì quá tốt. Hiện nay chúng ta đang phát triển theo chuỗi hàng hóa, những người nghèo mà liên kết với nhau để tạo ra hàng hóa và xuất khẩu thì rất tốt".

Nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi ngày càng lớn, trong khi nguồn vốn ưu đãi có hạn, vốn tín dụng ngân hàng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, xa…

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác phát triển nông thôn – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mức cho vay hiện nay đối với một hộ vẫn khá thấp, cần phải được điều chỉnh để phù hợp với tình hình giá cả thực tế hiện nay.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tín dụng chính sách, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động vốn, vay tái cấp vốn, đảm bảo nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác.

 

 

 

Việt Hà/VOV-Trung tâm Tin

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC