Lời răn truyền đời từ trang phục
Tại Hoàng Su Phì, nơi có đông đồng bào Nùng sinh sống nhất phải kể đến các xã như Pố Lồ, Thèn Chu Phìn, Đản Ván, Tụ Nhân, Sán Sả Hồ, Pờ Ly Ngài... Để nhận ra người Nùng ở Hoàng Su Phì không khó. Màu chàm nhuộm trên chất liệu vải bông là sắc phục chủ đạo của người Nùng nơi này.
Sắc Nùng trong buổi chợ đông
Chiếc áo của nữ giới được may kiểu tay bó, thân ngắn. Nổi bật hàng cúc bạc có tới 15 – 20 chiếc. Trên mỗi cúc bạc lại đính thêm 6 xúc xích bạc, tôn thêm vẻ đẹp cho người con gái Nùng. Cổ áo đứng, may vuông, có thêu hoa văn bằng kim tuyến, chỉ màu và trang trí những hạt bạc nhỏ hình quả núi, mép cổ áo có khóa bạc hình mặt trời.
Chiếc váy xòe rộng gót chân, tôn thêm phần ý nhị của người con gái. Nơi cạp váy có trang trí bằng vải màu xanh, đỏ. Đứng ở nơi xa, bạn cũng có thể nhận ra dáng vẻ tần tảo của người phụ nữ Nùng giữa buổi chợ đông.
Phụ nữ Nùng ở Hoàng Su Phì quấn khăn tròn quanh đầu. Chiếc khăn trong điểm thêm những hạt bạc li ti hình quả núi. Chiếc khăn ngoài có hoa văn hình xương cá thêu điểm ở hai đầu. Trên đỉnh đầu tóc cài trâm bạc.
Nhưng có dịp tiếp xúc với phụ nữ Nùng, bạn sẽ vô cùng ấn tượng bởi bộ trang sức bạc với những chiếc vòng cổ, những dây xà tích hình con chim, con cá, con cua.. nhỏ xinh treo trước ngực. Những chiếc vòng tay bạc sáng choang. Đó là bộ trang sức quý mà cô dâu nào khi bước về nhà chồng cũng được mẹ chồng tặng cho một bộ. Đó là lời răn của nhà chồng dành cho nàng dâu mới, là câu chuyện về lịch sử giữ đất, giữ làng mà con cháu người Nùng không được quên.
Người già kể, xưa kia, người Nùng rất giàu mạnh, cuộc sống no đủ và hạnh phúc. Bỗng một hôm giặc Hán mang quân cướp bóc. Trai tráng người Nùng tập hợp cùng nhau chống lại.
Trang sức của phụ nữ người Nùng ở Hoàng Su Phì, Hà Giang
Quân giặc tàn ác, chúng bắt bớ phụ nữ lấy cối đá đeo vào lưng, lấy kim bạc cắm vào đầu, lại lấy những sợi dây xích bằng sắt buộc vào cổ, lấy vòng sắt đeo vào cổ tay sau đó bắt họ phải làm những công việc nặng nhọc để hành hạ, nhằm khiến trai tráng người Nùng quy hàng. Nhưng họ không khuất phục. Phụ nữ Nùng vẫn thủy chung chờ chồng đến cứu. Vua Hán nể phục, bèn sai quân lính tháo những chiếc cối đá, những vòng xích sắt thay bằng những sợi dây xà tích, những chiếc vòng tay, chiếc nhẫn nhỏ hơn đeo cho người phụ nữ. Đồng thời rút quân, chấm dứt chiến tranh với người Nùng.
Hoà bình trở lại, phụ nữ Nùng được sum họp với gia đình. Để con cháu đời sau nhớ đến tháng ngày gian nan vất vả, phụ nữ Nùng đã mặc chiếc váy có cạp to phía sau, đeo những bộ trang sức bạc chạm khắc hình chiếc cối, sợi xích, hòn đá.. và đeo cho đến ngày nay.
Trang phục mỗi nhóm mỗi khác
Người Nùng có nhiều nhóm địa phương khác nhau, cư trú ở nhiều nơi như Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn…vv. Trang phục của các nhóm có màu chàm truyền thống nhưng cũng dễ phân biệt các nhánh người Nùng.
Người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn cả phụ nữ và đàn ông đều mặc một loại quần cạp to, ống rộng, dài tới mắt cá chân. Các đường viền chỉ đều tập trung rõ nhất nơi tà áo và gấu áo. Người già sẽ mặc quần áo chỉ một sắc chàm đen, vấn khăn chàm vuông. Còn phụ nữ trung niên và niên thiếu sẽ thêu rất nhiều hoa văn như hoa hồi, quả trám, và có những tua len xanh nõn chuối ở cổ. Chiếc khăn đính nhiều chỉ màu xanh, vàng, đỏ quấn quanh đầu và để buông hai mảnh vải trắng ở hai bên đầu. Đi đâu, làm gì, phụ nữ Nùng Phàn Slình cũng mang theo chiếc túi thổ cẩm nhỏ nhỏ thêu chỉ màu xanh nõn chuối.
Anh Lý Viết Trường, người Nùng Phàn Slình ở xã Thạch Đạn, Cao Lộc, Lạng Sơn cho biết: "Đàn ông cũng có trang phục thêu như thế, có họa tiết xung quanh viền áo. Thêu vào cho nó thành hình chỉ. Chỉ cũng màu xanh. Ngày xưa chủ yếu mặc màu chàm. Từ khi có cái vải công nghiệp của Trung Quốc sang người ta mới có len thêu các bộ trang phục sặc sỡ".
Nét duyên của phụ nữ Nùng Phàn Slình Lạng Sơn trong ngày hội hát sli - Ảnh: Lộc Bích Kiệm
Với người Nùng An ở Cao Bằng, trên bộ quần áo chàm đen của mình, điểm nhấn duy nhất là nơi thắt lưng người phụ nữ có thắt dải vải màu trắng, hai ống tay áo đáp miếng vải trắng xanh và đường viền xanh nơi vạt áo. Đầu quấn khăn trắng bên trong lộ một nửa ra ngoài, còn lại bao quanh là màu chàm đen. Phụ nữ Nùng An mặc quần ống rộng và chiếc áo dài đến mắt cá chân.
Trang phục của người phụ nữ Nùng Dín ở Lào Cai có nhiều điểm tương đồng với bộ váy áo của người Nùng U ở Hoàng Su Phì. Họ cũng mặc áo ngắn và váy thụng xếp ly dài đến gót chân. Nhưng phụ nữ Nùng Dín lại quấn khăn chàm đen quanh đầu, buông hai đầu khăn ở hai bên tai và để lộ chiếc khăn bên trong đính chi chít những đồng bạc nhỏ. Mô típ hoa văn nơi gấu áo của phụ nữ Nùng Dín được bố cục theo mảng xen kẽ nhau bằng các đường thẳng song song có hình răng cưa tạo nên thế đối xứng.
Đặc biệt, đằng sau chiếc váy của phụ nữ Nùng Dín có chiếc búi mà ông Vàng Thung Chúng, người Nùng Dín ở Mường Khương, Lào Cai nói nó tựa như đôi cánh của con chim.
"Có huyền thoại cho rằng, người Nùng Dín ngày xưa rất thông minh, sáng tạo. Con gái người Nùng Dín đi lấy con vua. Cô dâu Nùng Dín làm lụng vất vả, mới ước mơ có một đôi cánh để bay trốn khỏi. Nàng bỏ trốn nhưng bị quân lính nhà vua bắt về trị tội. Cái trâm cài trên đỉnh đầu như hai cái muôi múc vào nhau, ốp trên đỉnh đầu, hai đỉnh cắm xuống biểu trưng cho cái đinh để đóng vào não cô gái bớt thông minh. Bộ xà tích, vòng cổ ấy là một cái vòng khóa lại, gông xiềng lại. Đôi vòng tay là chiếc khóa số 8, biểu trưng là như thế. Cái búi sau váy chính là đôi cánh của con chim, ông vua túm lại sau này thành một cái búi váy. Búi váy đó tất nhiên chỉ khi đi làm đồng người ta mới búi lại, còn đi chợ người ta không búi. Bộ trang phục của người Nùng Dín có ý nghĩa là như vậy".
Đằng sau mỗi hoa văn nơi nếp áo, mỗi hình chạm khắc trên trang sức của người Nùng đều ẩn sâu trong đó những câu chuyện dân gian để người già nhắc nhở con cháu không quên cội nguồn dân tộc.
Thu Cúc/VOV4
Viết bình luận